Khách đi tàu Cát Linh-Hà Đông sắp được thanh toán bằng QR code, mua hàng tiện ích tại ga

Tới đây, Metro Hà Nội sẽ triển khai phương án tổ chức dịch vụ ở các nhà ga để tăng tiện ích cho người dân như tổ chức quầy hàng tiện ích, quảng cáo sản phẩm, thanh toán tiền vé qua QR code...

Sau một năm khai thác, tuyến Cát Linh – Hà Đông được các cấp ngành đánh giá cao, được người dân ghi nhận.

Tính đến hết tháng 10/2022, sau 360 ngày khai thác, gần 7,3 triệu lượt khách sử dụng tuyến Cát Linh - Hà Đông và được vận chuyển an toàn. Về biểu đồ khai thác, từ 1/9/2022, tuyến tăng tần suất chạy tàu 6 phút/chuyến dừng tại ga vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều (7-8h30, chiều 16h30-18h), còn giờ khác duy trì 10 phút/chuyến.

Hiện mỗi ngày làm việc có trên dưới 32.000 người đi tàu, trong đó 70% đi lại bằng vé tháng. Trong khung giờ cao điểm có trên 5.000 người đi học, đi làm bằng tàu điện. Tỷ lệ khách đi trong giờ cao điểm chiếm 80% số lượng khách trong ngày. Lượng khách đi tàu để trải nghiệm vào cuối tuần, ngày lễ, tết ở mức 26.000 – 28.000 lượt và có xu hướng bão hòa.

Đã có gần 7,3 triệu lượt khách sử dụng tàu Cát Linh- Hà Đông trong 1 năm đầu khai thác

Đã có gần 7,3 triệu lượt khách sử dụng tàu Cát Linh- Hà Đông trong 1 năm đầu khai thác

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội nhìn nhận, tuyến Cát Linh – Hà Đông đã thu hút được khách hàng mục tiêu là người đi học, đi làm vào giờ cao điểm và sử dụng thường xuyên dịch vụ bằng tàu điện. Đây là kịch bản tốt nhất trong năm đầu khai thác, được Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội thống nhất, giao cho Công ty Hà Nội Metro thực hiện.

Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này giúp từng bước làm thay đổi thói quen đi lại của người dân, dần hình thành văn hóa đi lại của người dân theo hướng văn minh.

Cùng đó, bước đầu xây dựng được đội ngũ những người quản lý, trực tiếp vận hành đường sắt đô thị theo hướng chuyên nghiệp. Bởi hiện nay, toàn bộ công tác vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông do người Việt Nam đảm nhiệm, còn chuyên gia nước ngoài chỉ thực hiện công việc bảo hành của tổng thầu dự án.

Metro Cát Linh- Hà Đông sẽ bổ sung một số tiện ích phục vụ người đi tàu

Metro Cát Linh- Hà Đông sẽ bổ sung một số tiện ích phục vụ người đi tàu

Cũng theo ông Trường, trong giai đoạn đầu khai thác, tuyến Cát Linh – Hà Đông tiếp tục thực hiện theo khuyến cáo, khuyến nghị về an toàn của Hội đồng kiểm tra nghiệm thu Nhà nước về công trình trọng điểm. Chủ đầu tư và tổng thầu dự án đang phối hợp tích cực để thực hiện các khuyến cáo, khuyến nghị.

Về mặt kỹ thuật, góc độ chuyên môn sâu đã có các cơ quan nghiệm thu, có Hội đồng kiểm tra nghiệm thu các công trình trọng điểm. Còn từ góc độ vận hành khai thác, cho đến nay, tuyến Cát Linh – Hà Đông chưa có vấn đề kỹ thuật gì lớn.

Theo ông Trường, tới đây, metro Hà Nội sẽ triển khai phương án tổ chức dịch vụ ở các nhà ga để tăng tiện ích cho người dân (như tổ chức quầy hàng tiện ích, quảng cáo sản phẩm…), để tận dụng lợi thế thương mại của nhà ga, một mặt tăng tính hấp dẫn của tuyến, mặt khác để tạo thêm nguồn thu, giảm trợ giá từ ngân sách thành phố.

Ngoài ra, để tăng tính hiện đại của đường sắt đô thị, thử nghiệm phương thức thanh toán hiện đại để người dân mua vé ga tiện lợi như thanh toán qua mã QR, tích hợp thanh toán điện tử…

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km, với 12 nhà ga, được đưa vào khai thác chở khách từ 6/11/2021. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ vận tải hành khách của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đạt hơn 53 tỷ đồng.

Sản lượng và doanh thu vé tháng tăng trưởng qua từng tháng, bình quân khoảng 20% và có xu hướng tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022.

Nguồn: [Link nguồn]

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông cho hành khách mang xe đạp gấp lên tàu

Ông Vũ Hồng Trường-Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, để tạo điều kiện cho hành khách, công ty sẽ cho mang xe đạp gấp gọn lên tàu. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Tuyền ([Tên nguồn])
Đường sắt trên cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN