Hơn 29.000 bệnh nhân Covid-19, dịch ở TP HCM đã đạt đỉnh?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Trong vài ngày tới, dịch Covid-19 tại TP HCM có thể sẽ đi ngang hoặc đi lên một thời gian, sau đó sẽ giảm xuống. Đợt dịch thứ 4 này, TP đã có hơn 29.000 trường hợp mắc Covid-19.

TP HCM đã qua 7 ngày áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. TP cũng đã bắt đầu thực hiện thí điểm trường hợp bệnh nhân F0 sau 10 ngày điều trị tại cơ sở y tế và 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 được xuất viện về nhà tiếp tục điều trị.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP đã có hơn 29.000 trường hợp mắc Covid-19.

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP HCM chống dịch Covid-19, cho biết những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam tăng rất nhanh. Đây là kết quả của việc rà soát, phát hiện sớm các trường hợp F0 trong khu cách ly, khu phong tỏa, đặc biệt trong sàng lọc cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Hiện tại, số ca mắc tại TP HCM luôn vượt 2.000 ca/ngày, số F0 triệu chứng trở nặng phải thở oxy, thở máy cũng tăng lên. Đây là gánh nặng rất lớn trong thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó các ca trở nặng phải chuyển lên bệnh viện tuyến 2, một số trường hợp nặng chuyển lên tuyến 3, tuyến 4. Do đó cần phải tăng cường các nguồn lực về thu dung bệnh nhân, điều trị cũng như chuẩn bị các trang thiết bị đầy đủ.

Ông Sơn cho biết nếu tính đến phương án điều trị 30.000 ca mắc, TP có thể đáp ứng được về trang thiết bị, nhân lực với điều kiện vẫn có sự hỗ trợ về nhân lực và trang thiết bị vật tư của Trung ương. Tuy nhiên, TP cũng đã chủ động xây dựng kịch bản điều trị cho khoảng 100.000 bệnh nhân. Đây là kịch bản hết sức khó khăn. Khi đó, không chỉ TP HCM mà Trung ương cũng phải có biện pháp hết sức cụ thể để hỗ trợ cho thành phố.

Trả lời câu hỏi dịch Covid-19 ở TP HCM đã đạt đỉnh dịch hay chưa, Thứ trưởng Sơn cho rằng hiện tình hình dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp nên khó nói. "Trong vài ngày tới, tình hình dịch tại TP HCM có thể sẽ đi ngang hoặc đi lên một thời gian nữa, sau đó sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, bản thân là những người tham gia hỗ trợ TP HCM, chúng tôi hy vọng đỉnh dịch của TP HCM là hiện giờ chúng ta đang đạt được và số ca mắc sẽ giảm dần"- ông Sơn nói.

Theo Thứ trưởng Sơn hiện nay, TP HCM đã sàng lọc các trường hợp F0 tại những vùng có nguy cơ rất cao. Tuy nhiên, vẫn cần phải sàng lọc thêm lần nữa để phát hiện trường hợp F0 càng nhanh càng tốt. Việc thực hiện Chỉ thị 16 trên một địa bàn rộng lớn như TP HCM có rất nhiều khó khăn. 

"TP HCM cũng phải chuẩn bị các phương án, trong đó có cả phương án kéo dài một số nội dung theo Chỉ thị 16 trên địa bàn để đảm bảo phòng chống dịch thắng lợi. Tuy nhiên, qua theo dõi 1 tuần vừa rồi tại TP HCM, chúng tôi nhận thấy các biện pháp của chính quyền, hệ thống chính trị ở đây được tăng cường rất mạnh mẽ"- ông nhận định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác chống dịch Covid-19 tại TP HCM - Ảnh: Bộ Y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác chống dịch Covid-19 tại TP HCM - Ảnh: Bộ Y tế

"Chúng tôi cũng khuyến cáo người bệnh, mặc dù được xuất viện về nhà, nhưng cần phải nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế. Chúng tôi cũng đề nghị mỗi gia đình khi đón những người bệnh trở về điều trị tại nhà thì cần có sự hợp tác và động viên bệnh nhân, nhằm đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế trong ăn uống, sinh hoạt, xử lý chất thải…"

Hiện TP HCM đã tính nhiều phương án, dừng Chỉ thị 16 sau 2 tuần, có thể kéo dài hơn hay chỉ kéo dài một số nội dung của Chị thị 16. "Với vai trò là Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế, chúng tôi sẽ theo dõi việc áp dụng này và hỗ trợ kịp thời cho TP HCM. Nếu cần phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tế, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch tại TP HCM thành công. Khi dịch bắt đầu giảm dần, chúng tôi cũng sẽ đề xuất TP không nên dừng đột ngột Chỉ thị 16 mà phải giảm từng bước, để đưa về trạng thái bình thường mới"- ông Sơn nói.

Trước đó, TP HCM đã quyết định thành lập Bệnh viện Hồi sức Covid-19 trên cơ sở trưng dụng một phần cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Bệnh viện này có quy mô 1.000 giường với 2.000 nhân viên y tế, tập trung điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng ở tầng 4, tầng cao nhất - ngang cấp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngoài ra, trong ngày 17-7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP HCM và lập tức điều 2.000 máy thở vào kho này.

Tính đến ngày 17-7, Bộ Y tế đã điều 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế trên cả nước hỗ trợ TP HCM trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên. Cùng đó, hơn 30 lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Trường trực thuộc Bộ Y tế đã được điều động bổ sung cho Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP HCM triển khai các hoạt động chống dịch Covid-19.

Hơn 29.000 bệnh nhân Covid-19, dịch ở TP HCM đã đạt đỉnh? - 3

Nguồn: [Link nguồn]

TP.HCM: Số ca nhiễm mới COVID-19 tăng kỷ lục trong 9 ngày qua

Trong 9 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, số ca nhiễm mới COVID-19 tại TP.HCM chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Dung ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN