HN lý giải về đề xuất thu phí Đại lộ Thăng Long

Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành cho biết, đề án thu phí đại lộ Thăng Long có dự án xây dựng hệ thống giao thông thông minh nên Hà Nội phải thực hiện thu phí để hoàn vốn đầu tư.

Chánh văn phòng – Người phát ngôn UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành cho biết, thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu, xây dựng đề án thu phí trên đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc) nhằm tạo nguồn thu để thực hiện công tác quản lý, duy tu, bảo trì cơ sở hạ tầng như hệ thống chiếu sáng, cây xanh, công tác đảm bảo an toàn giao thông (phần mặt đường, biển báo), cứu hộ, cứu nạn, hệ thống điều hành giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long…

Cũng theo ông Nguyễn Thịnh Thành, trong đề án thu phí đại lộ hiện đại nhất Việt Nam có dự án triển khai đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh bằng nguồn vốn ngoài ngân sách dưới hình thức hợp tác công tư (PPP), hoặc BOT nhằm hiện đại hóa thực hiện công tác quản lý đường cao tốc, đảm bảo an toàn giao thông. Kinh phí để xây dựng hệ thống giao thông thông minh có thể sử dụng theo các hình thức đầu tư như trên và thực hiện thu phí để hoàn vốn đầu tư.

“Nếu triển khai theo hình thức xã hội hóa và thu phí trong trường hợp đã có quy định về thu phí sử dụng đường bộ của Bộ Tài chính thì địa phương, hoặc đơn vị có nhu cầu phải báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ trước khi triển khai thực hiện” – Người phát ngôn lý giải trước việc UBND TP Hà Nội có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc thu phí Đại lộ Thăng Long trước đó.

“Cho đến nay, đề án thu phí Đại lộ Thăng Long vẫn đang trong quá trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo. Việc có triển khai thu phí, hoặc thu phí vào thời điểm nào tùy thuộc vào hình thức đầu tư và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận” – ông Thành khẳng định.

HN lý giải về đề xuất thu phí Đại lộ Thăng Long - 1

 Đại lộ Thăng Long nhìn từ trên cao. Ảnh IT

Cũng theo ông Thành, trường hợp nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép, UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án cụ thể, đảm bảo dự án đạt hiệu quả phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Với tổng mức đầu tư của dự án hơn 7.527 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 1.840 tỷ đồng, vốn của TP Hà Nội 5.687 tỷ đồng), tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long có chiều dài 29,8 km, được xây dựng, hoàn thành và bàn giao cho Hà Nội quản lý từ tháng 10/2010.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép thu phí sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, mục đích của việc thu phí nhằm giải quyết khó khăn về vốn, đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng của TP Hà Nội.

Hiện Hà Nội phải bố trí vốn quản lý, duy trì Đại lộ Thăng Long cũng như các tuyến đường khác và đầu tư các tuyến đường mới. Tuy nhiên ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Hà Nội hằng năm vẫn thiếu khoảng 5.000 tỉ đồng.

Ngay sau đề xuất thu phí được đưa ra đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân, Hiệp hội vận tải cũng như các chuyên gia giao thông. Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc thu phí Đại lộ Thăng Long là bất cập, thiếu minh bạch, và dẫn đến phí chồng phí, tạo thêm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp vận tải.

“Đại lộ Thăng Long được coi là công trình công cộng, chứ không phải công trình xã hội hóa mang tính chất thương mại. Vì thế công trình này không thể phục vụ theo mục đích thương mại. Nói cách khác, việc thu phí Đại lộ Thăng Long không hợp lý, không đúng mục tiêu” – Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm khi chia sẻ với báo điện tử Infonet.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN