Hé lộ biểu tượng của Thủ đô
Hồ Gươm, chùa Một Cột, Văn miếu Quốc Tử Giám hay cột cờ Hà Nội sẽ là biểu tượng của Thủ đô?
Trong con mắt nhiều người dân biểu tượng của Hà Nội có thể là Hồ Gươm, chùa Một Cột, Văn miếu Quốc Tử Giám, cột cờ Hà Nội. Còn theo Luật Thủ đô, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào 21/11, thì Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Hà Nội.
Khuê Văn Các sẽ là biểu tượng của Thủ đô?
Theo giải trình của Chính phủ về Luật Thủ đô, biểu tượng của Thủ đô là hình tượng đặc trưng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội và cả dân tộc Việt Nam.
Nó thể hiện nguyện vọng, niềm tự hào của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước về một thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại của nước Việt Nam.
Trong quá trình soạn thảo dự án luật này, đa số ý kiến đề nghị nên chọn hình ảnh Khuê Văn Các, biểu tượng truyền thống hiếu học của người dân Thủ đô và cả nước. Chẳng hạn, Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng: Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo ra hàng nghìn nhân tài cho đất nước, là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Khuê Văn Các có ý nghĩa là nơi tập trung của mọi tinh hoa giữa đất và trời, có ý tưởng đề cao trung tâm giáo dục văn hóa nho học của Việt Nam.
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình nhưng cũng không ít người băn khoăn và cho rằng cần lấy ý kiến nhân dân.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) chia sẻ: Nhiều người dân trong nước và quốc tế đã biết đến các địa chỉ, hiện vật và biểu tượng cho Hà Nội như Hồ Gươm, chùa Một Cột, Văn miếu Quốc Tử Giám, cột cờ Hà Nội, Cổ Loa, Hồ Tây. Do vậy, lựa chọn hình ảnh Khuê Văn Các là biểu tượng của Hà Nội cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Còn đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận xét, ban soạn thảo cần làm rõ tiêu chí nào về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật để lựa chọn Khuê Văn Các là biểu hiện của Thủ đô Hà Nội. Ông Vinh cũng đề nghị cần trưng cầu ý kiến của nhân dân và các nhà khoa học, các nhà văn hóa trên cả nước về biểu tượng của Thủ đô thông qua những tiêu chí cụ thể.