Hành trình đào thoát của 11 người khỏi mỏ vàng "khổ sai"

Sự kiện: Quảng Nam

Nhiều thanh niên nghèo ở miền núi tỉnh Quảng Trị bị lừa đi làm vàng thu nhập khá ở Quảng Nam nhưng lại bị đánh đập, ngược đãi, phải bỏ trốn mới thoát thân.

Hành trình đào thoát của 11 người khỏi mỏ vàng "khổ sai" - 1

Phút gặp gỡ của cha và con sau những ngày bị đày ải ở mỏ vàng Khe Muối - Ảnh: Hà Phong

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Quảng Nam giải cứu thành công 11 thanh niên trên đường bỏ trốn khỏi mỏ vàng ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vì bị quản thúc, đánh đập và ép làm việc khổ sở.

Đào thoát khỏi mỏ vàng khổ sai

11 người vừa được giải cứu trong độ tuổi 18-33 và đều trú tại huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Vì không có việc làm ổn định nên khi nghe một đối tượng tên Nhất (trú tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông) và Giang gợi ý đi làm vàng ở Quảng Nam sẽ có thu nhập ổn định 4-6 triệu đồng/tháng, được nuôi ăn ở cùng với chế độ đãi ngộ tốt nên nhiều thanh niên ở xã A Vao và Tà Rụt, huyện Đakrông đã rủ nhau vào mỏ vàng Khe Muối.

Tại mỏ vàng này, nếu làm việc trong hầm thì mỗi tháng được trả lương 4-6 triệu đồng, làm việc ngoài hầm thì chỉ được 3-4 triệu đồng. Phu vàng làm việc theo ca ngày và đêm. Mỗi bữa ăn, mỗi người chỉ có một miếng thịt heo, rau luộc và canh; nếu ai ăn chậm sẽ hết phần.

Lán trại ở mỏ vàng không có chăn màn, các thanh niên nằm co ro, lấy chiếu đắp để tránh muỗi. "Nếu ai ngủ dậy muộn, bảo vệ sẽ đánh đập, ai đau ốm cũng không được phép nghỉ ngơi. Tụi em làm cực nhọc mà họ đối xử vậy, thấy tủi cực vô cùng" - Hồ Văn Un (21 tuổi, trú tại xã A Vao) vừa được giải cứu kể.

Hồ Văn Hinh (19 tuổi, trú tại xã Tà Rụt) vào Quảng Nam làm ở mỏ vàng Khe Muối được gần 2 tháng thì em ruột là Hồ Văn Tài (18 tuổi) cũng xin vào làm. Hằng ngày, 2 anh em làm việc dưới đường hầm dài khoảng 800 m, chủ yếu đào bới và đẩy xe bò chở đất đá ra ngoài. Có hôm kiệt sức quá, Hinh không dậy nổi để đi làm nên bị ông trưởng ca tát liên tiếp vào mặt và dọa nếu tiếp tục lặp lại thì sẽ bị cho ăn đòn nặng hơn.

Vì bị quản thúc, ép làm việc nặng nhọc, đánh đập nên trưa 12-4, anh em Hinh cùng nhiều lao động Quảng Trị đã rủ nhau bỏ trốn vào rừng. Phát hiện sự việc, bảo vệ mỏ vàng này đã dùng dao, gậy, xẻng... tổ chức truy đuổi với quyết tâm bắt cho bằng được những người bỏ trốn.

"Em làm gần 2 tháng nhưng họ chây ì không trả lương. Hôm bỏ trốn khỏi mỏ vàng, em trai của em bị lạc đường đến nay chưa rõ tung tích. Bây giờ em không cần lương mà hãy trả em trai của em về nhà" - Hinh buồn bã.

Theo các nạn nhân được lực lượng chức năng giải cứu, tại mỏ vàng Khe Muối có khoảng 170-180 công nhân các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị... làm việc. Trong đó, 20-30 người (khoảng 3 lao động nữ) là dân Quảng Trị. Các lao động đều muốn về quê nhưng không thoát được mỏ vàng này.

Sau khi bỏ trốn khỏi Khe Muối, các nạn nhân phải luồn lách trong rừng để tránh bảo vệ mỏ vàng. Giữa rừng, họ bẻ chuối rừng ăn, vục nước suối uống để có sức đi tiếp.

Thiếu tá Bùi Đình Lợi - Trưởng Ban Điều tra Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, người dẫn đầu tổ công tác vào địa bàn Quảng Nam giải cứu các nạn nhân, cho biết sau khi nhận tin báo từ nhiều hộ dân ở xã A Vao về việc người thân được tuyển dụng đi lao động tại tỉnh Quảng Nam bị quản thúc, ép làm việc nặng và đánh đập, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã thành lập một tổ công tác phối hợp với cơ quan chức năng Quảng Nam tổ chức giải cứu.

Khi lực lượng chức năng vào đến nơi, một số lao động báo tin đã bỏ trốn khỏi mỏ vàng và đang tìm cách trú ẩn. Liên lạc qua điện thoại, lực lượng chức năng đã xác định vị trí các lao động ẩn trú và lần lượt đưa 10 người trốn chạy khỏi mỏ vàng về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam theo nguyện vọng. Đến ngày 15-4, tổ công tác Bộ đội Biên phòng Quảng Trị tiếp tục giải cứu thêm 1 nạn nhân bị kẹt lại mỏ vàng.

"Trâu buộc ghét trâu ăn"?

Tại huyện Phước Sơn, nơi được ví là "thánh địa" vàng ở tỉnh Quảng Nam, chuyện các phu vàng phải bỏ trốn vì bị đày ải, bắt lao động khổ sai không có gì lạ. Mới đây, ngày 2-4, ông Mò Văn Sơn (43 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) đã băng rừng, đi bộ suốt 6 ngày để trốn khỏi cảnh bị ép làm việc trong lúc bị bệnh ở bãi vàng. Riêng tại Công ty Phước Minh, thời gian qua cũng có nhiều phu vàng bỏ trốn và tố bị người của công ty đày ải. Điển hình, tối 25-4-2016, 2 thiếu nữ Mông Thị Khất (16 tuổi), Lò Thị Xí (15 tuổi; cùng trú xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) sau nhiều giờ băng rừng lội suối đã trốn khỏi bãi vàng của Công ty Phước Minh và trình báo việc lao động "khổ sai" ở bãi vàng.

Đầu tháng 4-2014, một vụ bỏ trốn khỏi Công ty Phước Minh từng gây náo động cả huyện Phước Sơn. Thời điểm đó, khoảng 100 thanh thiếu niên quê Nghệ An đã băng rừng, đi bộ gần một ngày để trốn khỏi bãi vàng cũng của công ty.

Trả lời Báo Người Lao Động mới đây, ông Ngô Văn Quang, Giám đốc Công ty Phước Minh, cho rằng không có chuyện công ty ông đánh đập, ép làm việc, bóc lột sức lao động của các phu vàng. Công ty ông cũng "trả lương đầy đủ, không thiếu đồng nào".

Theo ông Quang, có một số phu vàng "tự bỏ về" vì thấy môi trường làm việc không thích hợp chứ không phải bỏ trốn. "Chuyện ép làm việc, đánh đập không bao giờ có. Nếu có, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm. Thực tế là có biên phòng, công an tỉnh, huyện lên làm việc tại công ty, có biên bản đầy đủ. Những công nhân muốn ra về thì công ty cho về, họ đều vui vẻ. Chắc chắn có người giật dây, "trâu buộc ghét trâu ăn" thôi" - ông Quang phân trần.

Hàng trăm phu trầm “ngậm ngải” vào rừng tìm vận đỏ

Sau tin đồn người đàn ông trúng kỳ nam hàng chục tỷ đồng, không ít kẻ đã mạo hiểm vào rừng săn trầm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRẦN THƯỜNG - HÀ PHONG ([Tên nguồn])
Quảng Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN