Hàng nghìn giấy phép lái xe giả đã bán cho ai?

Sự kiện: An toàn giao thông

Lợi dụng thời điểm giãn cách xã hội, người dân không có điều kiện học, thi lấy bằng lái xe và các loại giấy tờ khác, những đường dây làm giả giấy tờ xuyên quốc gia được dịp trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Mỗi ngày, các đối tượng có thể ra lò được hàng ngàn loại giấy tờ, thu về số tiền rất lớn. Đường dây siêu khủng này vừa bị Công an TP Hà Nội triệt phá.

Mẻ lưới lớn

Cuối tháng 3-2022 Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an TP triệt phá thành công 5 đường dây chuyên sản xuất các loại giấy tờ giả hoạt động trong nhiều năm, được tổ chức hết sức tinh vi.

Qua công tác trinh sát, nắm tình hình, lực lượng chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện nhiều tài khoản trên mạng xã hội Zalo, Facebook..., các hội nhóm có tình trạng rao bán giấy phép lái xe mô tô, ô tô và nhiều loại giấy tờ khác... Đáng chú ý, đã xuất hiện hàng loạt đường dây sản xuất, mua bán các loại giấy phép lái xe giả quy mô rất lớn, hoạt động ngang nhiên, rầm rộ.

Các đối tượng chuyên tiếp thị trên mạng xã hội, thậm chí dùng sim rác nhắn tin thẳng vào số điện thoại để chào mời việc làm giấy phép lái xe cũng như các loại giấy tờ khác. Họ quảng cáo thủ tục hết sức nhanh gọn, chỉ trong vòng 1 vài ngày là có sản phẩm, lại có hồ sơ gốc... tạo sự tin tưởng đối với khách hàng.

Một phần tang vật vụ án

Một phần tang vật vụ án

Trước hiện tượng đó, Phòng Cảnh sát hình sự đã lập chuyên án, giao Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu làm chủ công phối hợp cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ tổ chức điều tra, khám phá trong thời gian nhanh nhất.

Sau nhiều ngày tổ chức trinh sát, ban chuyên án đã dựng lên các đối tượng trong đường dây. Ngày 29-3-2022,  Cơ quan công an đồng loạt triển khai 9 tổ công tác tại TP Hà Nội, 2 tổ công tác ở TP Hồ Chí Minh và 1 tổ tại tỉnh Nam Định tiến hành bắt giữ, khám xét tại 12 địa điểm. Bước đầu, cơ quan điều tra đã triệu tập, đưa về trụ sở 44 đối tượng (thuộc 5 ổ nhóm) có liên quan đến đường dây.

Cơ quan công an cũng tạm giữ số tang vật có liên quan gồm: 400 bộ hồ sơ giấy phép lái xe ô tô, xe máy giả (giấy khám sức khỏe, kết quả thi sát hạch, bằng lái xe ô tô, xe máy), hơn 1 vạn miếng nilon dán thẻ nhựa giấy phép lái xe, 4 tập tem tròn in chữ “Tổng cục Đường bộ Việt Nam”, hàng chục máy in màu, 4 máy in thẻ nhựa, 9 bộ máy tính và 1 laptop, 25 thùng giấy chứa khoảng 50 nghìn phôi nhựa giấy phép lái xe máy giả; nhiều máy ép, máy cắt, dập, 45 điện thoại đi động các loại...

Cầm đầu 5 đường dây làm giả giấy phép lái xe này là các đối tượng: Phạm Văn Vũ (SN 1997), Phạm Văn Sỹ (SN 1991), Lưu Công Hữu (SN 2000), Phạm Văn Phong (SN 1996) và Lưu Công Chí (SN 1993). Các đối tượng cùng có hộ khẩu thường trú tại xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, Nam Định. Đối tượng Nguyễn Văn Trình (SN 1991, thường trú tại Quất Lâm, Giao Thủy). Đỗ Văn Phúc (SN 1998) cũng có HKTT tại Giao Yến, huyện Giao Thủy, song hiện đang tạm trú tại một chung cư cao cấp trên đại bàn huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Hiện, cơ quan điều tra đã có quyết định tạm giữ hình sự đối với 31 đối tượng trong ổ nhóm này, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng.

Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng Phạm Văn Vũ

Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng Phạm Văn Vũ

Thủ đoạn tinh vi

Một điều tra viên Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu cho biết thời điểm tổ công tác bất ngờ ập vào kiểm tra một "xưởng" sản xuất giấy tờ giả của đối tượng Đỗ Văn Phúc, các anh đều "ngợp" trước dàn máy móc thuộc dạng "khủng" đang chạy rầm rập. Chỉ trong vài giây là ra được hàng chục sản phẩm.Chiếc máy in thẻ hoạt động nhiều đến nỗi phải có máy phun nước làm mát.

Từng bị công an tỉnh Thanh Hóa điều tra, bắt giữ về hành vi "Làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức" khi đối tượng này đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, Phúc đã chuồn ra Hà Nội và tiếp tục câu kết với một nhóm đối tượng nhằm thiết lập đường dây mới. Phúc phân công công việc cho các nhân viên hết sức cụ thể. Nhóm đối tượng chuyên đi "săn" khách hàng bằng cách lập hàng loạt tài khoản “Trung tâm tiếp nhận hồ sơ giấy phép lái xe”, “Trung tâm giấy phép lái xe Việt Thanh”, “Dịch vụ làm BLX toàn quốc”, “Trung tâm làm bằng lái toàn quốc”, “Bằng lái uy tín toàn quốc”. Sau đó đối tượng vung tiền chạy quảng cáo trên mạng xã hội để tiếp cận khách hàng.

Khi thấy khách hàng phản hồi, các đối tượng giới thiệu là có chỗ làm "chui”, khách hàng sẽ không phải đi học, đi thi mà vẫn có bằng lái "xịn", có thể kiểm tra trên các app (ứng dụng). Khách đồng ý làm thì chỉ 5-7 ngày sẽ có bằng (gồm bằng lái xe và bộ hồ sơ gồm giấy khám sức khỏe, kết quả thi sát hạch, chứng chỉ nghề...). Giá bằng lái xe máy từ 1-1,5 triệu đồng, giá bằng lái xe ô tô từ 2-16 triệu đồng tùy theo hạng A1, A2, B1, B2...

Nếu khách nào đồng ý, nhóm này yêu cầu khách hàng cung cấp ảnh chụp CMND hoặc CCCD, ảnh chân dung 3x4, số điện thoại và địa chỉ nhận hàng. Những thông tin này sẽ được chuyển cho nhóm IT chuyên dùng các phần mềm Photoshop, Illustrator... để chỉnh sửa ảnh, design rồi tiến hành in phun lên bộ "phôi" có sẵn.

Trước đó, nhóm này đã lên mạng xã hội tìm mua nhiều loại phôi, dấu tròn của cơ quan chức năng... từ đó in sẵn lên các loại phôi trắng, bỏ trống các thông tin như tên tuổi, địa chỉ... Sau khi khách hàng chuyển đủ thông tin, kèm ảnh, các đối tượng tiến hành in tiếp vào những chỗ trống còn lại. Sau đó ép nilon, dán tem... khiến nó trở thành y như thật.

Đối tượng Đỗ Văn Phúc tại cơ quan Công an

Đối tượng Đỗ Văn Phúc tại cơ quan Công an

Dù còn ít tuổi và cũng chưa có tiền án, tiền sự song Phạm Văn Vũ hình thành một đường dây chuyên làm giả giấy tờ không kém gì đàn anh Đỗ Văn Phúc.Vũ đầu tư hàng tỷ đồng để nhập các loại máy tính cấu hình cao, máy in, máy ép, máy cắt với chất lượng tốt.Sau đó, cũng bỏ công sức thử nghiệm in lên các loại phôi nhựa sao cho giống nhất có thể.

Vũ cho biết, đã làm giả các loại giấy tờ xe được 1 năm nay. Tất cả quá trình làm giả giấy tờ, Vũ đều xem và tự tìm hiểu trên mạng YouTube.Sau khi thử nghiệm thành công, Vũ tiếp tục nhập mua máy móc ở trên mạng về để tiến hành "khởi nghiệp".Đối tượng cũng cho biết nhận thức được việc làm giả các loại giấy tờ là sai trái, song vì lợi nhuận quá lớn nên nhắm bắt bỏ qua.Mỗi chiếc thẻ nhựa và bộ hồ sơ đi kèm chi phí chỉ hết khoảng vài chục ngàn đồng, song Vũ giao cho đàn em bán với giá từ 1 đến 6 triệu đồng. Mỗi tháng "ông trùm" thu nhập hàng trăm triệu đồng, còn đám “ong ve” dưới trướng cũng kiếm được từ 20-50 triệu đồng.

Để chuyển hồ sơ và bằng giả cho khách hàng, nhóm của Vũ sẽ thuê xe ôm mang hàng đến bưu cục để nhân viên lên đơn hàng và chuyển cho khách. Sau khi khách hàng kiểm tra hàng và trả tiền cho nhân viên bưu tá, thì bưu cục sẽ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng vào app chúng cung cấp.

Nhằm che giấu số tiền phi pháp, các đối tượng lên mạng Internet tìm mua tài khoản ngân hàng mang tên người khác để sử dụng. Các đối tượng cũng tìm mua ảnh chứng minh thư của người khác để tạo một “app giả”. App này chuyên dùng để nhận tiền từ bưu cục sau khi khách hàng trả tiền. Khi tiền đã được chuyển vào, đối tượng sẽ chuyển vòng vèo đến nhiều tài khoản khác, rồi mới rút ra ăn tiêu.

Ai mua giấy phép lái xe giả?

Có thể thấy rằng, hầu hết những người mua và sử dụng giấy phép lái xe giả phần lớn chưa học lái xe tại các trung tâm đào tạo đủ điều kiện hoặc có học nhưng chưa thi, thi trượt... nên chưa đủ điều kiện để tham gia giao thông. Đặc biệt, trong thời điểm 2 năm qua, Hà Nội và nhiều tỉnh thành triển khai giãn cách xã hội, việc học và thi lấy giấy phép lái xe không được tổ chức. Điều này khiến nhu cầu mua giấy phép lái xe trở nên đột biến.

Bên cạnh đó, chi phí cũng là một nguyên nhân. Để sở hữu giấy phép lái xe hạng B2 do cơ quan chức năng cấp, cá nhân phải tham gia học và thi sát hạch với chi phí hàng chục triệu đồng. Thời gian để lấy được bằng cũng mất vài tháng trời. Trong khi mua giấy phép lái xe giả lại khá đơn giản, không mất thời gian và chỉ mất vài triệu đồng. Do đó, thay vì tham gia khóa đào tạo lái xe, nhiều người đã liều mua giấy phép lái xe giả, đặt làm giả, hòng qua mặt lực lượng chức năng khi tham gia giao thông.

Hơn 40 đối tượng trong 5 đường dây làm giấy tờ giả bị đưa về cơ quan Công an đề điều tra

Hơn 40 đối tượng trong 5 đường dây làm giấy tờ giả bị đưa về cơ quan Công an đề điều tra

Có thể thấy việc làm giả, mua bán các loại giấy phép lái xe đã và đang gây nên nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho người dân tham gia giao thông. Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội cho biết, các đối tượng sản xuất và tiêu thụ các loại giấy phép lái xe giả chỉ biết đến lợi nhuận thu được mà không tính đến hệ lụy của việc sử dụng giấy phép lái xe giả. Nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng giấy phép lái xe giả thường là những người không muốn học, sát hạch những vẫn muốn có giấy phép lái xe để sử dụng. Từ đó dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và người gây ra có không ít nằm trong số sử dụng giấy phép lái xe giả mua trôi nổi trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, việc sản xuất và tiêu thụ giấy phép lái xe giả còn gây ảnh hưởng rất lớn đến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, vi phạm pháp luật, làm mất đi tính thượng tôn pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP, Phòng Cảnh sát hình sự đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của đường dây tội phạm này, để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Nguồn: [Link nguồn]

Mua GPLX giả để đi máy bay, khách bị an ninh sân bay “tóm gọn”

An ninh sân bay Nội Bài vừa phát hiện một hành khách dùng giấy phép lái xe (GPLX) giả để đi máy bay...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Tiến ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN