Hàng chục cây hoa sữa khô héo: Không có dấu hiệu đầu độc?
Tổng Giám đốc Cty CP Đô thị và Môi trường Đắk Lắk cho rằng, hàng chục cây hoa sữa ở TP. Buôn Ma Thuột bị trụi lá, héo cành do dịch bệnh, hoàn toàn không có dấu hiệu bị đầu độc!
Khoảng 1 tuần nay, hàng chục cây hoa sữa trên các tuyến đường ở TP. Buôn Ma Thuột như Y Wang, Nguyễn Công Trứ và Mai Hắc Đế bị héo lá, khô cành, có dấu hiệu chết bất thường.
Đường Mai Hắc Đế (phường Tân Thành) có nhiều cây hoa sữa bị khô cành, rụng lá nhất
Những cây hoa sữa này được trồng cách đây 30 năm.
Đường Phan Đình Giót (TP. Buôn Ma Thuột) vốn gây ấn tượng với du khách khi đến đây để ngắm nhìn hàng cây cổ thụ, những bức tranh bích họa đậm đà bản sắc Tây Nguyên. Trên tuyến đường này cũng có vài cây hoa sữa có dấu hiệu chết bất thường.
Ông Bửu Đại (sinh năm 1963, ngụ ở TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: "Tôi thích mùi hoa sữa, ngửi mùi hoa ngòn ngọt, tinh thần phấn chấn, khoan khoái đến lạ lùng. Gần một tuần nay, tôi để ý có nhiều sâu nhỏ ở trên cây. Tôi mong các cấp, ngành tìm ra bệnh để cứu lấy hàng chục cây hoa sữa trên địa bàn".
Cây hoa sữa lớn ở khuôn viên Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk bị rụng lá, có dấu hiệu chết bất thường.
"Thành phố đã chỉ đạo cho Cty CP Đô thị và Môi trường Đắk Lắk tìm ra nguyên nhân vụ việc. Hiện, Cty CP Đô thị và Môi trường Đắk Lắk đang triển khai phun thuốc cho những cây hoa sữa", ông Trần Đức Nhật - Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột nói.
Ông Bùi Văn Quý - Tổng Giám đốc Cty CP Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, cho biết, đã chỉ đạo làm rõ nguyên nhân. Theo ông Quý, cây hoa sữa trụi lá, héo cành do dịch bệnh, hoàn toàn không có dấu hiệu bị đầu độc. “Chắc không có việc gì đâu, vài hôm nữa các cây hoa sữa này lại ra lá mới thôi” - ông Quý nói.
Dưới gốc cây hoa sữa, lá khô rụng rất nhiều
Nguồn: https://tienphong.vn/hang-chuc-cay-hoa-sua-kho-heo-khong-co-dau-hieu-dau-doc-post1548297.tpo
Nhiều cây cổ thụ được chuyển về ươm trên khu vực đất trống nút giao Quốc lộ 5 với cầu Thanh Trì (Hà Nội) đã nhiều năm, nhưng không sinh trưởng, phát triển mà chết khô.