Hai lần vào 'hiểm địa' dịch COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Khi đại dịch COVID-19 gây xáo trộn cuộc sống tại thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, bên cạnh đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng khác, những người lính phòng hóa ở Binh chủng Hóa học đã hai lần trực tiếp vào hiểm địa ngăn dịch lây lan, bùng phát.

Sử dụng súng phun hóa chất tiêu tẩy nhà A1 trong Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyễn Minh

Sử dụng súng phun hóa chất tiêu tẩy nhà A1 trong Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyễn Minh

 Tâm thế thời chiến

Hai lần đảm nhiệm vai trò chỉ huy cao nhất tại “chiến trường” Trúc Bạch và Bạch Mai, đại tá, tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, Phó Tư lệnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Binh chủng Hóa học, nhớ lại: “Đêm 6/3, Hà Nội thực hiện phong tỏa ở khu vực phố Trúc Bạch thì 7 giờ 30 phút sáng hôm sau, chúng tôi nhận lệnh từ Bộ Quốc phòng đến đây tiêu độc, khử trùng. Một giờ sau khi nhận lệnh, tôi cùng một số cán bộ thuộc quyền bắt đầu trinh sát thực địa, lên kế hoạch cho nhiệm vụ một cách tỉ mỉ dù thời gian gấp rút”.

Theo đại tá Hưng, Trúc Bạch khi đó có chỉ đạo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trước đó, ngay cả Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học đến tiền trạm thì lực lượng canh trực ở đây cũng không cho vào. Trong vòng một tiếng đồng hồ (từ 9h30 đến 10h30) sáng 7/3, lực lượng phòng hóa tinh nhuệ gồm 70 cán bộ, chiến sĩ của Viện hóa học môi trường Quân sự, Lữ đoàn 86 cùng 13 phương tiện chuyên dụng tiến hành phun khử trùng, vệ sinh môi trường. Toàn bộ phố Trúc Bạch và các phố lân cận như Trấn Vũ, Châu Long cùng khuôn viên 22 hộ dân trong khu vực cách ly được tưới đẫm hóa chất… 

Đại tá Phạm Xuân Hưng trả lời phỏng vấn báo chí trước giờ khử khuẩn ở Bệnh viện Bạch Mai, tối 28/3- Ảnh: Nguyễn Minh

Đại tá Phạm Xuân Hưng trả lời phỏng vấn báo chí trước giờ khử khuẩn ở Bệnh viện Bạch Mai, tối 28/3- Ảnh: Nguyễn Minh

“Trưa 28/3, tôi đang ở nhà thì anh Cử (Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học) gọi vào Sở chỉ huy Binh chủng họp gấp. Bỏ dở bữa cơm, tôi vào ngay đơn vị vì tình huống đang rất khẩn cấp. Sau cuộc họp, tôi cùng anh em vào bệnh viện điều nghiên thực tế để tiến hành khử khuẩn ngay tối hôm đó. Về đến nhà, dù rất muộn và đói cồn cào, nhưng sau khi tắm rửa kỹ để đảm bảo an toàn, tôi mới được… ăn tối”, đại tá Hưng nói về lần chỉ huy quân vào “tắm rửa” hóa chất cho Bệnh viện Bạch Mai 3 tuần sau đó.

Lý giải nguyên nhân thời gian làm nhiệm vụ ở Bạch Mai nhiều gấp đôi so với khu vực Trúc Bạch, đại tá Hưng cho biết, tuy địa bàn Trúc Bạch rộng hơn, người dân vẫn sinh hoạt bình thường trong hàng rào cách ly nhưng ở Bệnh viện Bạch Mai lại “vướng” nhiều ngách, nhiều tuyến đường nội bộ có diện tích hẹp. 67 cán bộ, chiến sĩ cùng 10 xe đặc chủng nối đuôi nhau mất 2 giờ để tiêu độc, khử trùng 64.000m2 (bao gồm toàn bộ khuôn viên, các trục đường nội bộ, hành lang, tiền sảnh, bờ tường... của bệnh viện).

“Chống dịch lần này, hình ảnh của anh em phòng hóa được báo chí đưa lên rất nhiều. Người nhà dưới quê lo lắng, gọi điện liên tục dặn dò vì sợ bị lây nhiễm khi làm nhiệm vụ. Nhưng chúng tôi đều quyết tâm và động viên người thân hãy yên tâm”.

Đại tá PHẠM XUÂN HƯNG 

Không ngại hiểm nguy

Còn rất trẻ nhưng thượng úy Vũ Văn Đông (SN 1994), Đội trưởng Đội trinh sát phát hiện nhanh thuộc Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân miền Bắc đã nhiều lần tham gia xử lý các sự cố về môi trường. Đông kể: “Trước khi xảy ra sự việc phong tỏa ở Trúc Bạch, toàn đơn vị đã được quán triệt và dự kiến trước tình huống sẽ phải tham gia thực hiện nhiệm vụ ở các điểm nóng có dịch. Nhận lệnh xử lý ở khu vực này, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ mới và là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình...”.

Đại úy Nguyễn Văn Thiết, Phó chỉ huy trưởng Trung tâm cho biết, cả hai lần đơn vị làm nhiệm ở Trúc Bạch và Bạch Mai đều vào ngày nghỉ, giờ nghỉ của bộ đội. Có người được nghỉ phép hay nghỉ tranh thủ ở gia đình nhưng theo yêu cầu cũng phải có mặt ngay để hành quân.

Theo Phó Tư lệnh Phạm Xuân Hưng, “nuôi quân ba năm đánh giặc một giờ”, một trong những nhiệm vụ của Bộ đội Hóa học thời bình là khắc phục sự cố hóa học, sinh học, phóng xạ hạt nhân và môi trường. Dịch COVID-19 có thể coi là một thảm họa lớn, việc ứng phó có những khác biệt nên công tác chuẩn bị phương tiện, lực lượng cũng được nâng lên một bước.

“Khác biệt ở đây là dịch này xảy ra trên diện rộng, bất kỳ địa phương nào của đất nước đều có thể có dịch. Dập dịch này yêu cầu phải khẩn trương, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như chính lực lượng phòng hóa. Chống dịch COVID-19, Viện Hóa học môi trường quân sự của Binh chủng đã nghiên cứu ra 10 loại trang bị mới. Trong đó, nhiều trang bị được áp dụng ngay vào nhiệm vụ ở Trúc Bạch và Bạch Mai là xe tiêu tẩy đa năng, xe tiêu tẩy trên cao, bộ quần áo sử dụng một lần…”, đại tá Hưng nói.

Ứng phó với COVID-19, trên phạm vi cả nước, ngoài lực lượng tinh nhuệ thuộc 3 Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, Binh chủng Hóa học đã thành lập thêm các lực lượng dự bị sẵn sàng vào cuộc. Đồng thời phát động phong trào nghiên cứu chế tạo, cải tiến trang bị kỹ thuật để dập dịch cũng như bổ sung cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ này. 

Ấm áp quân dân trong đại dịch

Là mũi nhọn trong phòng chống khủng bố và tham gia thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân miền Bắc, Đại đội 66 thuộc Lữ đoàn 86 thường xuyên được “ưu ái” nhận lãnh việc khó như xử lý sự cố ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vào năm ngoái. Chống dịch COVID-19, đơn vị đều tham gia hai lần dập dịch lớn ở Trúc Bạch và Bạch Mai, đồng thời phun khử trùng phòng ngừa tại một số địa điểm khác.

Thiếu úy Vũ Văn Hùng, Trung đội trưởng Trung đội 3 của Đại đội 66 cho biết anh nhớ mãi những kỷ niệm đẹp về tình đồng đội, quân dân. Anh kể: Khi đơn vị bắt đầu cơ động vào thực hiện nhiệm vụ ở phố Trúc Bạch, có rất nhiều người dân và các cơ quan báo chí đến theo dõi, đưa tin.  Trong dòng người háo hức ra xem bộ đội đưa những phương tiện, khí tài lạ mắt tới đây khử khuẩn, một người dân nói: “Nhiều người hay đăng lên mạng hỏi bộ đội thời bình thì làm gì? Ra đây mà xem này. Các anh ấy làm việc không quản ngại ngày nghỉ, giờ nghỉ để làm sạch cả tuyến phố cho chúng ta. Đúng là bộ đội của dân”.

 Tối 28/3, PV Tiền Phong (bên trái) là một trong hai nhà báo dân sự được “đặc cách” đi cùng đoàn xe đặc chủng của lực lượng phòng hóa vào Bệnh viện Bạch Mai tác nghiệp 

 Tối 28/3, PV Tiền Phong (bên trái) là một trong hai nhà báo dân sự được “đặc cách” đi cùng đoàn xe đặc chủng của lực lượng phòng hóa vào Bệnh viện Bạch Mai tác nghiệp 

Khi thực hiện xong nhiệm vụ, có một cựu chiến binh đến vỗ vai thiếu úy Hùng và hỏi các cháu ở đơn vị nào vậy? “Bác ấy nói với chúng tôi rằng, ngày trước Bộ đội Hóa học chiến đấu rất dũng cảm, bây giờ các cháu phải cố gắng xứng đáng với các thế hệ đi trước. Chỉ vậy thôi nhưng tôi cảm thấy rất ấm lòng”, anh nói.

Lần vào Bạch Mai, trời chuyển tối khi đơn vị cơ động đến vị trí tập kết trên đường Trần Duy Hưng. Thiếu úy Hùng và đồng đội không khỏi xúc động, bởi: “Không biết từ khi nào rất đông bà con ra đứng hai bên đường vẫy tay chào đón đoàn xe của chúng tôi, tạo một cảm giác thân quen, gần gũi vô cùng. Khi gần đến cổng bệnh viện, anh em đang làm công tác chuẩn bị, đối chiếu bản đồ với thực địa để xác định lại các phương án tiêu độc, khử trùng trước khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, thì có một số người dân đã mang cơm, nước tới mời và động viên. Xúc động vô cùng!”.

Nguồn: [Link nguồn]

Việt Nam còn 37 ca dương tính với SARS-CoV-2

Bộ Y tế cho biết, tính từ 6h sáng ngày 16/4 đến 6h sáng ngày 30/4, đã 14 ngày Việt Nam không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Minh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN