Hà Nội "phản pháo" kết luận thanh tra về quy hoạch đường Lê Văn Lương

Sự kiện: Thời sự

Lãnh đạo Sở QHKT Hà Nội cho rằng nhiều nội dung trong kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng về quy hoạch trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu chưa thoả đáng, TP Hà Nội sẽ rà soát kiến nghị xem xét lại.

Chiều 1-7, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II -2022.

Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận không thoả đáng

Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của UBND TP Hà Nội, các sở ngành, đơn vị liên quan đến việc quy hoạch trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu bị "băm nát" vừa được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra.

Trả lời câu hỏi trên, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, cho biết hiện Sở QHKT Hà Nội, Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan đang rà soát lại các nội dung mà thanh tra Bộ Xây dựng kết luận.

“Chúng tôi có thời gian 60 ngày để phản hồi lại kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng” - ông Tuyến nói.

Toàn cảnh cuộc họp báo của UBND TP Hà Nội chiều 1-7

Toàn cảnh cuộc họp báo của UBND TP Hà Nội chiều 1-7

Ông Tuyến khẳng định trong kết luận thanh tra cũng “không có từ nào nói là băm nát, hay phá vỡ quy hoạch” và cho rằng có một số nội dung trong kết luận thanh tra “không thoả đáng”.

Cụ thể, ông Tuyến lý giải, tuyến đường Lê Văn Lương hình thành lâu, qua nhiều thời kỳ, tình hình kinh tế - xã hội có sự thay đổi, chính sách pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị cũng có sự thay đổi.

Như thời điểm năm 2008, khi Hà Tây và một số đơn vị hành chính khác sáp nhập về Hà Nội, do điều kiện thay đổi, Thủ tướng đã phê duyệt lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung Thủ đô (Quyết định 1259/2011).

Trong quy hoạch chung Thủ đô cũng xác định rõ Lê Văn Lương là trục đường ưu tiên phát triển nhà cao tầng, hiện đại với chiều cao tối đa 45 tầng. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật về quy hoạch, xây dựng cũng có sự thay đổi để phù hợp với thực tiễn.

Phó giám đốc Sở QHKT Hà Nội Phạm Quốc Tuyến

Phó giám đốc Sở QHKT Hà Nội Phạm Quốc Tuyến

“Như giai đoạn năm 2011-2016, để tháo gỡ sự trầm lắng của thị trường bất động sản, Thủ tướng ban hành Nghị quyết 02, trong đó cho phép chia nhỏ căn hộ để bán. Các dự án nhà ở nếu tăng mật độ dân cư dưới 1,5 lần thì không phải điều chỉnh lại quy hoạch…” - ông Tuyến dẫn chứng.

Ông Tuyến cũng dẫn quy định tại Điều 26, Luật Xây dựng năm 2003, Điều 41 và 47 của Luật Quy hoạch đô thị về các điều kiện để điều chỉnh quy hoạch. Trong đó có nêu rõ “quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên” và “quy hoạch đến thời điểm nhất định thì phải điều chỉnh cho phù hợp”.

Qua đối chiếu thì sau khi Hà Nội hợp nhất địa giới, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh hai quy hoạch gồm quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó là các chính sách để tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất…

"Các yếu tố này hội tụ đầy đủ điều kiện để TP xem xét thay đổi quy hoạch. Do đó, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận không được phép điều chỉnh quy hoạch là không chính xác theo quy định của Điều 26, Luật xây dựng năm 2003” - ông Tuyến nói và cho hay theo thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thì “cấp nào phê duyệt, cấp đó điều chỉnh”.

Trong đó, quy trình điều chỉnh cục bộ quy hoạch phải qua nhiều khâu, đơn vị lập trình đơn vị thẩm định và báo cáo để UBND TP phê duyệt.

“Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng các văn bản này là một lần điều chỉnh. Tuy nhiên quan điểm của chúng tôi cho rằng khi nào UBND TP chính thức phê duyệt mới là một lần điều chỉnh. Vì vậy chúng tôi cho rằng, không thể coi là nhiều lần điều chỉnh như kết luận thanh tra đã nêu. Về việc này chúng tôi sẽ có kiến nghị với thanh tra Bộ Xây dựng” - ông Tuyến nói.

Cao ốc ở Lê Văn Lương không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc

Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cũng khẳng định việc xây dựng nhiều cao ốc tại trục đường Lê Văn Lương không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông tại nội đô.

“Chúng tôi đã vẽ rất kỹ mạng lưới giao thông tại trục đường này. Hiện tại khu vực này mới làm được 42% đường theo thiết kế, còn nhiều đường chưa thông tuyến. TP nỗ lực mở đường nhưng còn nhiều khó khăn về nguồn lực” - ông Tuyến nói.

Ông Tuyến cũng cho hay việc ùn tắc giao thông tại trục đường Lê Văn Lương thường diễn ra vào giờ cao điểm (đầu giờ sáng và giờ tan tầm buổi chiều), trong đó giờ sáng tắc bên chiều vào nội đô, giờ chiều tắc chiều ra ngoại ô.

“Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở trục đường Lê Văn Lương mà các tuyến đường ra vào thành phố khác cũng vậy như quốc lộ 32, quốc lộ 6, đường 5. Có những tuyến đường không có nhiều nhà cao tầng cũng xảy ra tắc như đường 5. Xây nhà cao tầng có tăng tải lên giao thông không, đương nhiên có nhưng vẫn còn nhiều nguyên nhân khác” - ông Tuyến nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, để giảm tải ùn tắc giao thông tại nội đô, nhiều năm qua Hà Nội đã tính toán và chủ động di dời một số cơ sở trường học, bệnh viện, cơ quan của TP ra ngoài nội đô.

"Thủ tướng cũng đã có Quyết định 130 để di dời trụ sở một số cơ quan ra khỏi nội đô và giao cho Bộ Xây dựng chủ trì. Tuy nhiên việc này đến nay chưa triển khai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm lưu lượng giao thông đổ dồn vào khu vực nội đô” - ông Tuyến cho hay.

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng

Liên quan nội dung này, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng, cho biết Thanh tra Bộ Xây dựng vừa qua đã công bố kết luận sau hơn hai năm thực hiện công tác thanh tra.

“Hiện nay đang trong tiến trình thực hiện Kết luận thanh tra. Chúng tôi sẽ có báo cáo kết quả thực hiện sau 60 ngày, tức còn hạn đến 20-7” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, liên quan đến việc triển khai xử lý sau thanh tra, triển khai các nội dung theo kết luận thanh tra sẽ “có nội dung chúng tôi sẽ giải trình một số vấn đề trong kết luận thanh tra mà các cơ quan chuyên môn của TP còn cảm thấy có vấn đề tiếp tục phải giải trình, dù trong quá trình thanh tra, cơ quan tham mưu của TP như Sở QHKT cũng đã có giải trình”.

“UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở QHKT và các đơn vị xây dựng báo cáo để giải trình. Từ nay đến 20-7 chúng tôi sẽ thực hiện nội dung này. Sau thời điểm làm việc với Bộ Xây dựng cũng như Thanh tra Bộ Xây dựng, chúng tôi sẽ có thông tin chính thức, toàn diện, tổng thể, trong đó có các vấn đề báo chí quan tâm”- ông Dũng nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Toàn cảnh tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu bị phá nát quy hoạch

Tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu là một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội. Tuy nhiên nơi đây luôn trở thành “điểm nóng” của thủ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TRỌNG PHÚ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN