Hà Nội: Bi hài hàng chục hộ dân có nhà mà không có ngõ

Sự kiện: Tin nóng Tin ngắn

Có nhà nhưng không có ngõ, câu chuyện thật như đùa này đang diễn ra nhiều năm nay giữa lòng Hà Nội.

Hà Nội: Bi hài hàng chục hộ dân có nhà mà không có ngõ - 1

Bức tường do gia đình bà Hải xây dựng khiến hàng chục hộ dân khác không còn lối ra vào nhà. Ảnh: X.Thắng

Những ngôi nhà không lối thoát

Hàng chục hộ dân, hàng trăm con người thuộc tổ 12 và 13 phường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) hơn chục năm nay muốn ra khỏi nhà đều phải đi nhờ qua nhà hàng xóm.

Để có thể đi ra khỏi nhà, gia đình bà Nguyễn Thị Hòa (ở tổ 12) phải đi nhờ qua bếp, hoặc phòng ngủ của nhà bên cạnh. Nếu như không có sự thông cảm của hàng xóm, gia đình bà chỉ còn cách “bay” ra khỏi nhà. “Nhiều lúc nghĩ mà phát khóc, mỗi lần các con đi trực về đêm là cứ phải đi nhờ qua nhà người khác mới về được nhà mình. Có những buổi sáng, cháu nhà tôi đòi đi ăn sáng để kịp đến trường nhưng vì nhà hàng xóm chưa ngủ dậy nên không dám đi qua. Bất tiện nhất là mỗi lần nhà có khách ghé chơi, cười ra nước mắt. Xe cộ của gia đình toàn phải đi gửi chứ có cho được vào nhà đâu. Sao lại khổ đến thế này?”, bà Hòa bức xúc.

Bên cạnh việc nhiều hộ dân không có lối đi, bức tường chắn cuối ngõ khiến việc dọn dẹp vệ sinh hệ thống cống thoát nước không thể thực hiện được. Nhiều năm lưu cữu, rác thải dồn ứ, mỗi khi mưa to cả khu vực bị nước cống đen ngòm dâng tràn vào nhà. Không những vậy, trời nắng mùi hôi thối từ cống bốc lên, ruồi muỗi khiến cả khu như một bãi rác. Ông Thiều Anh Tuấn, một người dân sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng chia sẻ: “Khu này được coi là trung tâm của phường vậy mà ô nhiễm như thể một bãi rác. Lúc nào chúng tôi cũng phải đóng cửa im ỉm, mở ra là mùi hôi thối xộc vào nhà. Rồi đến khi nước dâng lên thì cơ man nào là ruồi muỗi. Mặc dù người dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng cũng chẳng được giải quyết”. Do không chịu được sự phiền toái trên, có những hộ dân dù có nhà cửa khang trang cũng phải bỏ đi nơi khác để sinh sống.

Cần sớm có biện pháp để giúp dân

Hà Nội: Bi hài hàng chục hộ dân có nhà mà không có ngõ - 2

Bà Hòa bật khóc khi nói về nỗi khổ mà gia đình mình phải chịu đựng hơn chục năm qua.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 1986, chính quyền UBND thị trấn Gia Lâm (nay là quận Long Biên) có chủ trương san lấp ao Cẩm Nhật để nhiều hộ dân có đất làm nhà ở. Trong số đó có các gia đình: Ông Hoàng Văn Khang, ông Trương Hữu Hưng và bà Nguyễn Thị Hải. Khi đó UBND thị trấn Gia Lâm, gồm ông Ngô Đăng Thịnh, Phó Chủ tịch thị trấn Gia Lâm (khóa 1982 – 1987), ông Nguyễn Văn Minh - cán bộ địa chính, ông Nguyễn Đức Chí, cán bộ tư pháp đã quyết định để lại con ngõ rộng 1,6m, dài 20m để mở lối đi chung cho các hộ gia đình nằm phía bên trong khu ao Cẩm Nhật. Sau khi thực địa, bàn bạc, nhà ông Hoàng Văn Khang lùi lại khoảng 0,8m, nhà bà Nguyễn Thị Hải lùi lại 0,4m, nhà ông Nguyễn Hữu Hưng lùi lại 0,4m. Con ngõ này được xác định nằm giữa nhà ông Hoàng Văn Khang và nhà bà Nguyễn Thị Hải. Tuy nhiên sau này, gia đình bà Nguyễn Thị Hải đã tự ý xây dựng bức tường chắn ngang con đường đi chung, với lý do để đảm bảo an ninh trật tự dù không được sự đồng ý của các hộ gia đình cùng san lấp.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Đình Thịnh (nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lâm). Ông Thịnh cho biết: “Việc yêu cầu gia đình nhà ông Khang và hai gia đình khác lùi vào để làm ngõ là có thật. Lúc đó là chỉ thị của Chủ tịch UBND thị trấn, chúng tôi cũng nhất trí với phương án đó. Nhất thiết khu này phải có một con đường, các hộ gia đình đều phải chịu thiệt thòi vì lợi ích chung. Khi đó tôi được giao xuống để xác định diện tích đất lùi lại”.

Thông tin thêm, ông Khang cho biết, về diện tích san lấp của gia đình bà Hải được UBND thị trấn Gia Lâm dự tính cấp quyền sử dụng đất là 76,5m2. Nhưng mới đây vào ngày 3/8/2016, gia đình bà Hải lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 162m2 bao gồm cả phần ngõ đi chung đang có tranh chấp. Nếu những thông tin ông Khang cung cấp là đúng, thì việc này cần phải được xem xét lại. Bởi, theo Luật Đất đai năm 2013, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mảnh đất đó phải là mảnh đất không có tranh chấp. Nếu có tranh chấp, tranh chấp chưa giải quyết xong thì cơ quan có thẩm quyền không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mảnh đất đó.

Ông Lê Mạnh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm thừa nhận, đúng là có tranh chấp giữa các hộ gia đình về lối đi chung này. Sự việc xảy ra từ rất lâu, UBND phường đã nhiều lần đứng ra hòa giải giữa các hộ gia đình nhưng bất thành. Hiện nay, UBND phường không còn thẩm quyền để giải quyết vấn đề này nữa do UBND quận Long Biên đã đứng ra thụ lý đơn khiếu nại lần hai rồi. Trong bản đồ hành chính năm 1993 có ghi rõ mốc giới đất nhà bà Hải và bà Hải là người sử dụng, đóng tiền nghĩa vụ thuế đối với mảnh đất này. Tuy nhiên khi chúng tôi đề nghị được xem bản đồ hành chính năm 1993 và biên lai thu tiền thuế của gia đình bà Hải thì ông Tùng cho rằng sự việc xảy ra lâu lắm rồi, các giấy tờ như vậy không nhớ để đâu.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, thực hiện chủ trương của UBND thị trấn Gia Lâm (cũ), hàng chục hộ dân của phường Ngọc Lâm đã hiến đất mở lối đi chung làm ngõ cho các hộ gia đình chính sách thuộc các tổ 12, 13 từ năm 1986. Tuy nhiên sau này, gia đình bà Nguyễn Thị Hải (thuộc tổ 12) đã xây một bức tường chắn ngang con ngõ, bịt luôn cả lối đi chung của các hộ dân ở đây. Từ đó, hàng chục hộ dân như thể bị rơi vào ốc đảo, cô lập với bên ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo X.Thắng – Q.Anh (Gia đình xã hội)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN