Gỡ kẹt xe cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Sự kiện: Thời sự

Bộ GTVT lý giải nguyên nhân kẹt xe tại nút giao quốc lộ 51 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đồng thời đưa ra một số giải pháp khắc phục.

Liên quan đến tình trạng kẹt xe thường xuyên giữa nút giao quốc lộ 51 (QL51) và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi cử tri tỉnh Đồng Nai. Theo đó, bộ này lý giải nguyên nhân và đưa ra một số biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Thường xuyên kẹt xe tại nút giao quốc lộ 51

Theo ghi nhận của PV, nút giao giữa QL51 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (địa bàn Đồng Nai) khá nhỏ hẹp. Trong khi đó, hướng xe lưu thông từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rẽ trái vào đường cao tốc thường xuyên xung đột với hướng xe lưu thông từ TP Biên Hòa đi Vũng Tàu tại vòng xuyến QL51, dẫn đến kẹt xe nghiêm trọng.

Ngoài ra, tại trạm thu phí, kiểm soát vé QL51, tài xế phải dừng hai lần trên một đoạn đường ngắn để nhận thẻ và trả thẻ nên nhiều xe phải xếp hàng chờ.

Anh Nguyễn Văn Phụng (tài xế xe khách lưu thông trên tuyến này) cho biết: “Vào thứ Bảy, Chủ nhật hay lễ, tết, các xe xếp hàng kéo dài vài kilomet trên QL51. Còn ngày thường thì kẹt xe vào khoảng 17-18 giờ”.

Ngoài ra, phía địa bàn TP.HCM, các đường dẫn lên cao tốc trên như nút giao An Phú (quận 2), vòng xoay Phú Hữu (quận 9) cũng thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc cục bộ. Một mặt là do lượng xe tăng đột biến, một mặt là do các nút giao này chưa được mở rộng.

Theo Bộ GTVT, hiện tượng dồn ứ, kẹt xe tại các nút giao của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là các xe mất nhiều thời gian dừng, đỗ để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí. Đặc biệt, tại trạm thu phí nút giao QL51, lượng xe lưu thông thường tăng đột biến vào các ngày cuối tuần, tết, lễ…

Trong khi đó, các trạm thu phí tại những nút giao cao tốc này đang sử dụng công nghệ thu phí một dừng, chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức không dừng (ETC).

Trạm thu phí QL51 liên tục bị kẹt xe do lượng xe tăng đột biến. Ảnh: THU TRINH

Trạm thu phí QL51 liên tục bị kẹt xe do lượng xe tăng đột biến. Ảnh: THU TRINH

Tính toán mở rộng cao tốc

Đối với hình thức thu phí tại các trạm nói trên, Bộ GTVT cho hay hiện Thủ tướng giao cho bộ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét tiến độ hoàn thành lắp đặt hệ thống ETC phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo VEC thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, đảm bảo tất cả trạm thu phí trên cao tốc do VEC quản lý phải hoàn thành lắp đặt hệ thống ETC.

“Mặt khác, để giảm dồn ứ, ùn tắc giao thông trên tuyến, trong đó có nút giao QL51, Bộ GTVT giao Tổng Công ty Cửu Long tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây làm cơ sở xem xét đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong nghiên cứu cần phải làm rõ quy mô và trách nhiệm đầu tư đối với nút giao An Phú, đường vành đai 2, vành đai 3 và QL51” - Bộ GTVT cho hay.

Theo đó, đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến thị trấn Long Thành (Đồng Nai) sẽ được mở rộng 8-10 làn xe. Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây vẫn giữ nguyên bốn làn xe.

Bộ GTVT cũng giao Vụ KH&ĐT tham mưu bố trí nguồn vốn cho dự án, đồng thời phối hợp với đơn vị liên quan và các địa phương Đồng Nai, TP.HCM nghiên cứu phương án tiếp tục mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trong trường hợp quỹ đất không cho phép mở rộng, Bộ GTVT lưu ý phương án đầu tư đường trên cao đoạn từ TP.HCM đi sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt nhẹ, bến xe trung chuyển kết nối sân bay... để đảm bảo kết nối giao thông hiệu quả, tránh ùn tắc.

Nút giao QL51 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kẹt xe do lượng xe lưu thông qua trạm thu phí bị dồn lại, đồng thời đường dẫn vào cao tốc này có diện tích mặt đường hẹp.

Để khắc phục, trước mắt cần có lực lượng điều tiết giao thông chuyên nghiệp nhằm hướng dẫn một số xe đi đường khác, không nhất thiết phải đi đường này; hoặc cần có tín hiệu từ xa để các tài xế nhận biết trước khi đi vào nút giao QL51.

Mặt khác, nút giao QL51 hiện nay là vòng xuyến nên tốt nhất cải tạo thành nút giao hoa thị (nút giao liên thông), nếu thiếu đất thì có thể làm hầm chui hoặc cầu vượt nhiều tầng.

Các nút giao An Phú và QL51 cần được làm gấp. Vì khi dự án sân bay Long Thành được khởi công và hoàn thành thì lượng xe sẽ càng tăng cao, làm QL51 tiếp tục là điểm nghẽn cho giao thông khu vực phía Nam.

KTS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM

Đầu tư nút giao An Phú là cần thiết và cấp bách

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết với tình hình thực tế hiện nay, việc đầu tư dự án nút giao thông An Phú là rất cần thiết và cấp bách để giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Sở dĩ công trình này chậm triển khai là do trước đây chủ đầu tư (Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam - VEC) dự kiến thực hiện bằng vốn dư ODA từ dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, Bộ GTVT và VEC có thông báo không thực hiện dự án và UBND TP đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách TP.

Ban giao thông đang được giao nhiệm vụ lập chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách tập trung. Hiện nay Sở GTVT đang trình Sở KH&ĐT xem xét, trình HĐND TP thông qua. 

Nguồn: [Link nguồn]

Ùn ứ xe 7km trên cao tốc Long Thành- Dầu Giây

Hơn 30 phút vẫn chưa thể vượt qua đoạn đường này, ô tô xếp kín cả hai làn xe và trên làn dừng khẩn cấp bên phải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Viết Long- Thu Trinh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN