Giám đốc TTYT quận 12: Khi biết Khiêm giả bác sĩ, vì nhiều việc nên thôi

Sự kiện: Tin tức COVID-19

“Bác sĩ giả” có kỹ năng sử dụng, tháo ráp các thiết bị y tế trong khu cách ly nên được phân công hướng dẫn các bác sĩ khác lắp ráp, vận hành máy móc.

Ngày 22-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Đăng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12, cho hay đơn vị này đang làm báo cáo gửi quận 12, Sở Y tế về trường hợp Nguyễn Quốc Khiêm tự xưng là bác sĩ vào điều trị cho F0 tại khu cách ly Trường Cao đẳng Điện lực.

Cũng theo bác sĩ Tuyến, đơn vị đang chuẩn bị hồ sơ về “bác sĩ Khiêm” để cung cấp cho cơ quan công an.

Khiêm có kỹ năng sử dụng thiết bị y tế

Theo ông Tuyến, thời điểm tháng 7-2021, tình trạng thiếu nhận lực ngành y diễn biến phức tạp, toàn quận 12 có chín khu cách ly với tám khu điều trị F0. Riêng khu cách ly Trường CĐ Điện lực dùng để cách ly F1, làm nhiệm vụ theo dõi chăm sóc người dân, hồ sơ, dinh dưỡng.

Trung tâm Y tế quận 12 đã bố trí ba nhân viên, một bác sĩ và hai điều dưỡng cùng phối hợp với lực lượng quân sự quản lý.

Do thiếu nhân lực nên Trung tâm Y tế quận 12 xin người thì được Trường Đại học Y Dược giới thiệu một nhóm sinh viên.

Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12 trao đổi với phóng viên. Ảnh: NY

Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12 trao đổi với phóng viên. Ảnh: NY

“Trong danh sách giới thiệu xuống là giới thiệu sinh viên khoa y. Lúc đó vẫn xác định em này là sinh viên tình nguyện. Tuy nhiên, khi nhân viên xuống nắm tình hình thì em này tự xưng là bác sĩ, đưa ra các giấy khen. Trong quá trình làm việc, các bác sĩ đều không ai phát hiện. Một bác sĩ ở Bình Định tăng cường vào được bố trí vào khu cách ly này cũng không phát hiện” - vị này cho biết.

Ông Tuyến cho biết khi các cán bộ thuộc Trung tâm Y tế quận 12 xuống khu cách ly thì báo về có một bác sĩ nội trú. Lúc đưa máy móc, thiết bị xuống thì Khiêm biết sử dụng.

Để kiểm tra, Trung tâm Y tế quận 12 đã chuyển máy xuống và yêu cầu bác sĩ này tháo lắp cho kiểm tra thì người này thực hiện được.

“Sau tháo lắp, chúng tôi xuống kiểm tra thì thấy bố trí máy móc hợp lý. Đây là máy giúp thở, không phải bác sĩ thay mặt trung tâm ký tên, chỉ cần biết giúp thở để người dân khó thở thì đưa cho thở” - ông Tuyến nói.

Thẻ sinh viên giả mà Khiêm sử dụng để đăng ký đi tình nguyện. Ảnh: PV

Thẻ sinh viên giả mà Khiêm sử dụng để đăng ký đi tình nguyện. Ảnh: PV

Cũng trong tháng 7-2021, Khiêm đề xuất: “Bệnh nhân vào đây rất mệt, đưa bệnh nhân lên tầng rất khó, không chăm sóc được” và đề nghị mượn căn tin trường ở tầng trệt làm khu để chăm sóc gần và dễ quan sát, sau đó hỗ trợ thiết bị, máy móc cho khu vực này.

Lúc đó chúng tôi chỉ phân công sử dụng máy thở hỗ trợ người dân. Do Khiêm có khả năng sử dụng máy móc, Trung tâm Y tế quận 12 đã đưa thêm các bác sĩ từ trạm y tế để em này hướng dẫn lắp ráp, vận hành máy đề phòng trường hợp thiếu người do nhân viên y tế nhiễm bệnh.

Cũng theo ông Tuyến, mặc dù có bốn bác sĩ từ trung tâm y tế quận và các bệnh viện tăng cường, tuy nhiên trong quá trình làm việc chung, không ai phát hiện Khiêm không phải là bác sĩ.

“Sở Y tế, Đại học Y Dược đưa xuống thì tin rồi”

Theo bác sĩ Tuyến, trong quá trình làm việc, do không thể trực tiếp quản lý nên Trung tâm Y tế quận 12 có điều ba nhân viên xuống khu cách ly để làm việc. Tuy nhiên, do có kỹ năng và Khiêm cũng đưa ra các bằng khen từ Sở Y tế nên được đánh giá cao.

Khi PV đặt vấn đề về những văn bản, giấy chuyển tuyến có chữ ký, bút phê của Khiêm, vị lãnh đạo Trung tâm Y tế quận 12 trả lời không biết, không nắm.

“Chuyện em đó xuống hỗ trợ khu cách ly, người ta đưa xuống người nào thì mừng người đó. Sở Y tế, Đại học Y Dược đưa xuống thì tin rồi. Tuy nhiên lúc đưa xuống, trong chức năng nhiệm vụ ghi là sinh viên khoa y” - ông Tuyến nói thêm.

Danh sách có tên Khiêm được cử đi làm tình nguyện. Ảnh: PV

Danh sách có tên Khiêm được cử đi làm tình nguyện. Ảnh: PV

Ông này cũng cho hay, do số lượng người lên đến hàng trăm và thay đổi liên tục như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Y học cổ truyền nên không thể kiểm tra từng người một cách kỹ lưỡng. Riêng Khiêm, em này phục vụ khu cách ly, lực lượng khác phục vụ xét nghiệm, tiêm vaccine…

Đến đầu tháng 10, Khiêm xin ngưng nhiệm vụ với lý do về trường dạy online. Sau đó, có thông tin Khiêm không phải là bác sĩ. Lúc này, Trung tâm Y tế mới trao đổi lại với Đại học Y Dược.

“Sau khi trao đổi lại với trường về bác sĩ Khiêm này thì mới biết bạn này là sinh viên. Về các xác minh, do dịch qua rồi mà vẫn còn rất nhiều việc nên không làm. Em cũng phục vụ tận tâm tận tụy, thấy cũng êm nên thôi không làm gì” - vị này nói.

Về vấn đề Khiêm vận động từ thiện, tự ý ra đơn thuốc, vị này cho hay là "không rõ về vấn đề người này có kêu gọi từ thiện hay ra đơn thuốc hay không!".

Về thông tin Khiêm là bác sĩ giả, không là sinh viên trường Đại học Y dược TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM xác định: Tháng 9-2021, Trung tâm y tế Quận 12 có yêu cầu Trường Đại học Y Dược xác minh ông Nguyễn Quốc Khiêm có phải là là thạc sĩ, bác sĩ của Trường ĐH Y Dược TPHCM, trao đổi qua điện thoại, trường trả lời ông Khiêm không phải là sinh viên của trường và thẻ sinh viên không do trường cấp.

Ngày 1-10-2021, UBND Quận 12 ban hành Quyết định số 4561/QĐ-UBND về việc tiếp nhận phân công tình nguyện viên trường Đại học Y dược TPHCM tham gia các khu cách ly tập trung bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn Quận 12. Theo Quyết định này, ông Nguyễn Quốc Khiêm được phân công làm việc tại khu cách ly tập trung trường Cao đẳng Điện lực TPHCM (554 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12).

Như Pháp Luật TP.HCM phản ánh, một người có tên Nguyễn Quốc Khiêm đơn vị công tác là Khoa Y - Trường ĐH Y Dược TP.HCM được phân công phục vụ chống dịch tại khu cách ly và điều trị người bệnh COVID-19 ở Trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM.

Tuy nhiên, dù là sinh viên đã nghỉ học, Khiêm lại bỗng nhiên trở thành… bác sĩ điều trị tại đây.

Khiêm từ khi đến khu cách ly thì đảm nhiệm các công việc như thăm khám, chỉ định, cấp phát các loại thuốc điều trị cho F0.

Các văn bản mà PV tiếp cận được cho thấy Khiêm đã ký các văn bản như: Báo cáo tử vong của các ca F0 tại khu cách ly; giấy chuyển tuyến điều trị ca F0... Trong đó ghi rõ chức danh của Khiêm là “Bác sĩ điều trị Ths. Bs Nguyễn Quốc Khiêm”, kèm chữ ký.

Trong giấy này có bút phê về chẩn đoán tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, phương pháp, thủ thuật, kỹ thuật, thuốc đã sử dụng trong điều trị…

Nguồn: [Link nguồn]

Sở Y tế TP.HCM: Tháng 9-2021, TTYT Quận 12 đã biết thông tin về bác sĩ giả

Tổ công tác của Sở Y tế phối hợp công an mời bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm lên làm rõ những nội dung được báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NHÓM PV ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN