Giai thoại kỳ lạ về cây xoài hơn 300 năm tuổi xứ Bạc Liêu
Cây xoài có tuổi thọ cao nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu.
Cây xoài cổ thuộc ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, cách TP Bạc Liêu hơn 10 km về phía biển. Cây xoài này nằm trong khu nghĩa địa Thọ Sơn, do Ban trị sự miếu Huỳnh Thiên Thượng Đế quản lý.
Tạo vật thiên nhiên kỳ thú
Cây xoài với tuổi đời và kích thước hiếm có. Ảnh: NGÂN HÀ
Cây xoài tính đến nay đã gần 350 tuổi. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của năm tháng, dù cảnh vật xung quanh có thay đổi thì cây xoài vẫn đứng hiên ngang đón nắng gió. Với chiều cao lên đến 20 m, tán vung rộng đến cả ngàn mét vuông, gốc cây to bốn người ôm không xuể, gốc và vỏ cây sần sùi, rễ lượn sóng ẩn hiện trên mặt đất, cây xoài thực sự là một tạo vật kỳ thú của miền đất này.
Theo người dân địa phương, cây xoài ra trái vào dịp thanh minh hằng năm (tháng 4). Trái chỉ to bằng trái cóc, mọc thành chùm nên thường được gọi là xoài cóc. Điều đặc biệt là mỗi mùa ra trái, cây xoài chỉ đậu quả ở một phía cây, sang mùa sau mới lại ra ở phía còn lại.
Giai thoại kỳ lạ
Theo lời kể của các bậc cao niên, cuối thế kỷ 17, các lưu dân khi đi đến đây phát hiện cây xoài to lớn. Kỳ lạ, đây là vùng nước nhiễm mặn nhưng dưới gốc xoài lại có mạch nước ngọt nên đã quyết định ở lại, dựng làng sinh sống.
Gốc xoài lớn đến bốn người ôm không hết. Ảnh: NGÂN HÀ
Thời kỳ đó vẫn còn là rừng thiêng nước độc, nhiều dã thú. Dưới gốc xoài cũng xuất hiện một con cọp nhưng lại hiền lành đến kỳ lạ, không bao giờ quấy phá dân làng mà ngược lại, người dân còn cảm thấy được con hổ này bảo vệ. Chính vì thế, dân làng đã tôn cọp thành Thần, mỗi năm vào ngày 28 tháng 7 âm lịch đều tổ chức cúng bái long trọng.
Đã có lúc tưởng như mất cây
Hàng trăm năm qua, cây xoài lấy mạch nước ngọt ẩn sâu trong lòng đất mà phát triển xanh tốt. Trải qua nhiều biến cố, chiến tranh bom đạn hay đất bị xâm mặn nặng nhưng cây vẫn sinh trưởng ngày càng mạnh mẽ.
Năm 2009, có lúc tưởng chừng cây xoài đã “qua đời” vì sự quan tâm không đúng cách của chính quyền địa phương.
Theo người dân, năm đó địa phương đã cho xây tường hình vành khăn bao quanh gốc xoài, bức tường cao đến 5-6 tấc, lát gạch quanh gốc. Điều này khiến cho các loài thực vật quanh gốc và dưới tán cây xoài không thể phát triển.
Trái tuy nhỏ nhưng cây rất sai quả.
Kể từ khi có bức tường, cây xoài cũng dần khô héo. Một năm sau thì cây vàng úa, nhánh lá khô héo dần, 1/3 số rễ nổi chết khô, bong tróc từng lớp. Chính việc lát gạch và xây tường bao đã khiến cho cây bị “ngộp thở”. Nhận ra vấn đề, chính quyền địa phương đã cho đập ngay tường bao và bóc hết gạch để giải cứu “cụ xoài”.
Với tuổi thọ và đặc điểm hiếm có, năm 2015 cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Cây xoài như một nhân chứng sống cho công cuộc khẩn hoang, giữ đất, giữ nước đầy hào khí của người dân xứ Bạc Liêu.
Thân cây to vài người ôm, cành tán rộng, mùa xuân lộc lá xanh biếc, mùa hạ chim về ríu rít nhưng lại chỉ ra duy nhất 1...