Giải mã “hoa văn” bí ẩn trên sa mạc TQ

“Mô hình sa mạc này khả năng là sản phẩm của quá trình sử dụng công cụ có đầu nhọn trong nghiên cứu địa vật lý”.

Dựa trên việc phân tích hình ảnh vệ tinh trong khu vực, các chuyên gia cho biết cấu trúc bí ẩn gồm những chấm nhỏ giống như một bàn cờ khổng lồ trải dài hàng dặm ở cồn cát Tây Trung Quốc có thể là kết quả của các cuộc khảo sát địa chất tìm kiếm mỏ niken.

“Từ bản đồ vệ tinh, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những kết cấu nhân tạo trên mặt đất, một mạng lưới tương đối lớn và dường như được tạo ra bởi nhiều gò đất hoặc hố tròn, nhỏ”, tác giả nghiên cứu - nhà vật lý Amelia Carolina Sparavigna đến từ Đại học Bách khoa Turin (Italy) phát biểu. “Mô hình sa mạc này khả năng là sản phẩm của quá trình sử dụng công cụ có đầu nhọn trong nghiên cứu địa vật lý”.

Năm 2010, Sparavigna bắt đầu xem xét hình ảnh mà vệ tinh Google Earth thu thập được từ sa mạc Taklamakan (Trung Quốc) để nghiên cứu kết cấu được gió tạo thành trong những cồn cát. Chính nhờ quá trình này, các nhà khảo cổ học nghiệp dư tìm thấy vài con đường xung quanh tàn tích của một vương quốc cổ đại nằm trên Con đường Tơ lụa gọi là Loulan. Trong hơn một ngàn năm, có rất nhiều đoàn người mang theo gia vị, lụa và nhiều mặt hàng phương Đông khác băng qua vùng đất khô cằn để đến châu Âu.

Giải mã “hoa văn” bí ẩn trên sa mạc TQ - 1

Mô hình bí ẩn gồm những chấm nhỏ giống như một bàn cờ khổng lồ. (Ảnh: Sparavigna)

Trong khi tìm kiếm dấu tích các vương quốc khác đã biến mất trong vùng, Sparavigna phát hiện ra một mạng lưới bí ẩn gồm các chấm nhỏ như vết châm bằng vật nhọn đầu được sắp xếp theo thiết kế của một bàn cờ, kéo dài 8 km. “Khá khó để nhìn trên bản đồ vệ tinh nhưng tôi đã thấy nó trải dài trên mặt đất”, Sparavigna nói.

Rõ ràng mô hình kỳ lạ đó là do con người tạo ra và chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây. Về sau Sparavigna đã tìm thấy một bài viết trên báo Trung Quốc mô tả việc phát hiện một số lượng lớn niken bị chôn vùi dưới những đụn cát. Bà kết luận cấu trúc này là bằng chứng của các cuộc khảo sát địa chất. Thông thường, trước khi khai thác, nhà địa chất thường khoan lỗ để xác định thành phần của mỏ khoáng sản bên dưới bề mặt.

Đây không phải là lần đầu tiên Sparavigna sử dụng ảnh vệ tinh để làm sáng tỏ mô hình bí ẩn. “Theo tôi, nó có thể dự đoán cho các hoạt động khai thác cũng như sự phát triển của khu vực”, bà nói thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Vũ (Theo Livescience) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN