Giá xăng giảm 5 lần: Cước vận tải vẫn đứng im

Sau 5 lần giá xăng dầu liên tiếp giảm, cước vận tải ô tô, taxi vẫn chưa giảm giá. Sự “ngoan cố” này khiến ngành giao thông - vận tải và các hiệp hội vận tải phải vào cuộc...

Chỉ một doanh nghiệp giảm giá

Trao đổi với phóng viên sáng 3/7, ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết: Sau 5 lần giảm giá xăng dầu, trong hơn 270 công ty có xe chạy qua các bến của Hà Nội chỉ duy nhất một doanh nghiệp là Công ty cổ phần Vận tải Thuỷ bộ Yên Bái đăng ký giảm trung bình 5% giá vé. Các doanh nghiệp khác vẫn chưa có bất cứ động tĩnh gì. Trong khi đó, từ đầu năm 2012 đến nay đã có 20 doanh nghiệp có xe qua các bến của Hà Nội tăng giá vé.

Giá xăng giảm 5 lần: Cước vận tải vẫn đứng im - 1

Các doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá cước tương ứng với giảm giá xăng dầu

Ông Đậu Xuân Ngọc - Giám đốc Công ty Vận tải Thiên Trường (tuyến Hà Nội – Nam Định – Thái Bình) cho biết:

“Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, doanh nghiệp chưa tăng giá vé, trong khi các chi phí nhân công, ăn uống cho cán bộ thời gian qua đều phải tăng. Vì vậy, dù rất thông cảm với hành khách, lúc này doanh nghiệp không thể giảm giá cước”.

Doanh nghiệp Vận tải Văn Minh (tuyến Vinh – Hà Nội) là đơn vị tăng giá cách đây 2 tháng nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch giảm giá.

Ông Nguyễn Đàm Văn - Giám đốc Công ty này cũng cho hay, thay vì giảm giá vé, doanh nghiệp sẽ tăng chất lượng dịch vụ như t­ăng đội ngũ phục vụ, xe đưa đón khách...

Taxi là phương tiện vận tải “nhạy” nhất với việc tăng giá xăng nhưng trước việc giá xăng giảm tiếp 600 đồng/lít từ tối 2/7, các hãng vẫn chưa có phản ứng gì. Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội, đồng thời là giám đốc một doanh nghiệp taxi từ chối đưa ra bình luận vì chưa thu thập đầy đủ ý kiến của các thành viên.

Khuyến cáo giảm giá

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, phân tích: Từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu có 7 lần thay đổi; trong đó có 2 lần tăng và 5 lần giảm. Xăng tăng 2 lần, tổng cộng là 3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.500 đồng/lít; xăng 5 lần giảm tổng cộng là 3.200 đồng/lít, dầu diesel giảm 2.000 đồng/lít. Sau khi giá xăng dầu tăng, nhiều doanh nghiệp taxi tăng giá cước từ 500-1.000 đồng/km.

Chiều 3/7, ông Trần Ngọc Thành - Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT cũng cho biết, ông đang họp với các bộ phận chuyên môn để đưa ra đề nghị các doanh nghiệp tính toán chi phí vận tải, tiến tới giảm giá cước, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo ông Hùng, trong những lần xăng giảm giá vừa qua, một số doanh nghiệp cũng đã bắt đầu giảm giá cước, đặc biệt là taxi. Tuy nhiên, sau đợt giảm giá mới nhất vào tối 2/7 này, Hiệp hội yêu cầu các doanh nghiệp taxi và vận tải cần tiếp tục giảm giá cước.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội cho hay, tuần trước các hãng taxi trên địa bàn hầu hết đều đã giảm giá cước, dự kiến trong tuần này một số hãng chưa giảm sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm.

Hiện nay, giá cước vận tải ôtô do các doanh nghiệp tự quyết. Trong trường hợp các doanh nghiệp vẫn án binh bất động trước những khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước thì điều gì sẽ xảy ra?

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Nếu các doanh nghiệp không đưa ra giá cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận mất khách hàng bởi hiện nay, người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn cho mình”.

Giá hàng hóa đã... “hóa đá”!

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải, taxi cố tình "chây ì" việc giảm giá sau khi giá xăng dầu giảm, mà giá cả hàng hóa, thực phẩm nói chung hầu như không hề có động tĩnh gì trong việc hạ. Không ít người tiêu dùng bức xúc nhận xét giá cả giờ "hóa đá" trước tin giảm giá xăng dầu và chỉ phản ứng nhanh là tăng lại mỗi khi giá xăng dầu tăng.

Ghi nhận của phóng viên tại chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội ), giá các loại rau xanh đang ở mức cao. Hiện đang mùa rau muống nhưng vẫn có giá tới 7.000 đồng/mớ, rau dền cơm 4.000 đồng/mớ, cải mơ giá 4.000 đồng/mớ, hoa thiên lý 80.000 đồng/kg... Các loại cá đồng tuy không tăng giá mạnh như mặt hàng rau nhưng giá cũng khá cao. Cá quả có giá 140.000 đồng/kg, tép mương 50.000 đồng/kg, tôm giá 200.000 đồng/kg, cua đồng giá 140.000 đồng/kg, hến 15.000 đồng/kg...

Chị Thu Hương (nhà G4, tập thể Thành Công) cho rằng: Dường như chỉ có gạo là giá hạ chút ít, thịt gia súc, gia cầm các loại giảm không đáng kể, còn lại hầu hết các loại thực phẩm vẫn giữ giá.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: Khó có thể kết luận các mặt hàng không giảm khi giá xăng đã có tới 5 lần giảm giá. Tuy nhiên, theo cái nhìn cảm quan thì ai cũng nhận thấy mỗi khi xăng dầu tăng là lập tức các mặt hàng ào ạt tăng theo, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì hàng hóa không mấy khi tạo được "làn sóng" giảm giá. Người tiêu dùng bây giờ chỉ còn biết hy vọng các doanh nghiệp tự nguyện giảm giá chứ không có cách gì để "bắt" họ được.

Phương Hà

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Lực (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN