Gia đình ông Nguyễn Đức Chung nộp thêm 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả

Vợ và người thân đã nộp thêm 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên toà.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên toà.

Chiều 21/6, TAND Cấp cao tiếp tục phiên xử phúc thẩm cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.

Sau khi nhóm luật sư kết thúc tranh luận và nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung, HĐXX công bố bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) và người thân đã nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho cựu Chủ tịch Hà Nội.

Đối với số tiền 10 tỷ đồng mà chị gái bị cáo Chung là bà N.T.V. đã nộp khi xét xử sơ thẩm cuối năm 2021, ông Chung cho biết sáng 21/6, bị cáo được trực tiếp nghe bà V. chia sẻ.

“Chị ấy nói rằng khi cấp sơ thẩm đề nghị tuyên 10 -12 năm tù, chị thương xót nên đã vay mượn để nộp. Bị cáo đồng ý để chị gái nộp thay số tiền này”, bị cáo Chung nói trước HĐXX. Như vậy, hiện nay bị cáo Chung và gia đình đã nộp đủ số tiền 25 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm buộc bị cáo phải khắc phục.

Trình bày trước HĐXX bị cáo Chung nói rằng bản thân đã nhận thức được trách nhiệm của người đứng đầu trong việc mua, nhập chế phẩm Redoxy 3C. Và khi được HĐXX đề nghị nêu quan điểm, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã kết luận lại một số vấn đề về quan điểm luận tội trước đó.

Với bị cáo Nguyễn Trường Giang, tại phiên tòa phúc thẩm phía gia đình Giang đã nộp đủ hơn 7 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm buộc bị cáo này khắc phục nên đại diện VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho Giang.

Về việc gia đình bị cáo Chung đã nộp đủ 25 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho bị cáo, đại diện VKSND Cấp cao đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm một phần hình phạt cho bị cáo này. Còn đối với bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty Thoát nước), bị cáo không kháng án nhưng khi ra tòa, bị cáo Hùng đã xin giảm nhẹ hình phạt. Bên cạnh đó, gia đình bị cáo cũng đã nộp đủ 4 tỷ đồng khắc phục hậu quả nên VKS cũng đề nghị tòa giảm án cho bị cáo Hùng.

Với việc 3 bị cáo đã hoàn thành nộp đủ số tiền hơn 36 tỷ đồng thiệt hại của vụ án, đại diện VKS đề nghị hủy toàn bộ các quyết định kê biên tài sản của bị cáo Chung, Giang và Hùng.

Sau khi kết thúc tranh tụng, chủ tọa cho biết tòa phúc thẩm dành một ngày để nghị án. Phán quyết sẽ được HĐXX đưa ra vào chiều 22/6.

Theo cáo trạng, tháng 8/2016, bị cáo Chung ban hành thông báo số 308 để chỉ đạo đàm phán mua độc quyền Redoxy-3C từ Công ty Watch Water (ở Đức). Sau đó, bị cáo Chung chỉ đạo miệng Võ Tiến Hùng không mua hóa chất của hãng với giá 8,5 Euro/kg mà yêu cầu mua qua Công ty Arktic với giá 295.000-326.000 đồng/kg.

Khi công ty Thoát nước Hà Nội chưa ký hợp đồng mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Arktic, ông Chung yêu cầu Võ Tiến Hùng ứng trước tiền của gia đình chuyển cho bị can Nguyễn Trường Giang 4,6 tỉ đồng.

Thực hiện chỉ đạo, Võ Tiến Hùng nói với cấp dưới ký 15 hợp đồng mua Redoxy-3C với đối tác Arktic khi chưa được UBND thành phố phê duyệt.

Chiều 13/12/2021, TAND Hà Nội tuyên bị cáo Chung 8 năm tù. Trước đó, bị cáo Chung đang thụ án 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu mật Nhà nước", tổng hình phạt là 13 năm tù và bị buộc khắc phục hậu quả 25 tỷ đồng, ghi nhận bị cáo đã nộp 10 tỷ.

Nguyễn Trường Giang bị phạt 4 năm 6 tháng tù và phải bồi thường 7,1 tỷ đồng, xác nhận đã nộp 1 tỷ. Còn ông Võ Tiến Hùng (không kháng án) nhận 4 năm tù và phải nộp khắc phục 4 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Được chị gái nộp 10 tỷ khắc phục hậu quả, ông Nguyễn Đức Chung có được giảm án?

Theo luật sư, trong các vụ án hình sự, bị cáo không thành khẩn khai báo, không nhận thức được hành vi phạm tội và cũng không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, dù...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Khởi tố ông Nguyễn Đức Chung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN