Gặp người phụ nữ được khắc tên trên chiếc bút giúp liệt sĩ “về nhà” sau 50 năm

Sự kiện: Hà Tĩnh

Là người có tên được khắc trên chiếc bút máy vừa được tìm thấy trong hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng tại Gio Linh (Quảng Trị), bà Lê Thị Thể đã xác nhận các thông tin liên quan và ngậm ngùi kể về cuộc tình không trọn vẹn của mình.

“Tôi đã là vợ của anh Hưng”

Như đã thông tin, bà Lê Thị Thể (1950; trú tại thôn Thái Xá 2, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), là người có tên khắc trên chiếc bút được tìm thấy trong hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng, được Đội quy tập liệt sĩ 584, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị tìm thấy tại thôn Xuân Mai, xã Gio Bình, huyện Gio Linh (Quảng Trị).

Thượng tá Lê Phương Đông, Chính trị viên Đội quy tập 584 cho biết: “Từ ngày 11/9 đến chiều ngày 24/9/2018, đơn vị đã cất bốc tại hai địa điểm ở thôn Xuân Mai của xã Gio Bình được 34 hài cốt liệt sĩ. Khi cất bốc được hài cốt thứ 34 thì tìm được di vật khá nguyên vẹn là chiếc ví, trong ví có một tờ tiền, một chiếc dao bấm, đặc biệt là có chiếc bút khắc tên Nguyễn Văn Hưng và Lê Thị Thể có cả địa chỉ là xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Xác minh thông tin từ gia đình thân nhân liệt sĩ, ông Nguyễn Văn Thuận là em trai trực tiếp thờ phụng liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng ở thôn Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), ông Hưng cho biết: “Các thông tin mà chúng tôi nhận được từ báo chí, mạng xã hội và đặc biệt là xác minh từ Đội quy tập là trùng khớp để chúng tôi khẳng định đó là hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng. Bà Lê Thị Thể đúng là vợ của anh Hưng được gia đình đi ăn hỏi, xin dâu về khi anh Hưng đang ở chiến trường, trước đó anh Hưng và chị Thể đã có thề hẹn”.

Gặp người phụ nữ được khắc tên trên chiếc bút giúp liệt sĩ “về nhà” sau 50 năm - 1

Vợ chồng bà Lê Thị Thể xúc động kể về cuộc tình không trọn vẹn của bà và liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng. Ảnh: Quốc Hiệp

Chia sẻ với phóng viên, bà Thể ngậm ngùi kể về cuộc tình không trọn vẹn của mình: “Tôi và anh Hưng người cùng thôn, nhà chỉ cách nhau khoảng vài trăm mét. Anh Hưng hơn tôi 3 tuổi, chẳng hiểu sao thời đi học, làng xóm và bạn bè thường gán ghép tôi với anh Hưng. Tôi học xong lớp 3 vì nhà nghèo quá nên bỏ học còn anh Hưng học hết lớp 7 (cấp 2). Giống như sự sắp đặt của duyên phận, tôi và anh Hưng “ưng” nhau thật.

Theo bà Thể, năm 1965, ông Hưng nhập ngũ, bà cũng đi dân công ở Đức Thọ, không gặp được nhau. Đợt ông về phép (bà Thể không nhớ rõ tháng năm) trước khi đi B, ông Hưng cùng gia đình đã mang trầu cau đến giạm ngõ hỏi cưới.

"Lúc anh ấy đi vào chiến trường, gia đình anh Hưng đã tổ chức thêm hai cái lễ là lễ trầu cau và lễ thịt (gồm thủ, đuôi, thịt lợn – PV). Khoảng đầu năm 1968, gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (Liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng được đặt theo tên bố theo phong tục địa phương – PV) bị rốc két bắn sập hầm, ông Hưng bị thương nặng. Tôi được gia đình hai bên thống nhất đưa về nhà trai để “làm dâu” theo phong tục “cưới vắng” của địa phương thời chiến tranh. Từ đó, tôi thật sự đã là vợ của anh Hưng mặc dầu thời đó chưa có quy định đăng kí kết hôn. Tôi làm vợ nhưng chưa một lần được má kề vai ấp…”, bà Thể ngậm ngùi lau nước mắt.

Liên quan đến chiếc bút có khắc tên, khi được trực tiếp xem ảnh, bà Thể khẳng định bà chưa từng tặng bút, chắc là chiếc bút do anh Hưng mua và khắc tên của anh và tôi lên trên đó”.

Chuyện hi hữu thành định mệnh

Sau khi có giấy báo tử của “chồng”, đến năm 1970, được sự thống nhất của gia đình, khi được ông Lê Vạn Liêu ở thôn Thái Xá 2 mới ở chiến trường về phép đánh tiếng hỏi vợ, bà Thể đi thêm bước nữa. Ông Liêu là người đi bước nữa vì vợ đầu mất cách đó ít năm, con gái còn nhỏ thiếu bàn tay của người mẹ.

Ông Liêu vốn đã là đại đội trưởng của Trung đoàn 95 – Sư đoàn 325A chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị và các chiến trường phía Nam. Ông Liêu kể: “Mặc dầu gia đình tôi và bà Thể đã đồng ý nhưng tôi vẫn tự nguyện sang nhà bố mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng để thưa chuyện. Từ đó về sau, tôi luôn tự nhắc nhở mình phải luôn gắn bó và kính trọng bố mẹ chồng cũ của vợ như chính bố mẹ đẻ của mình. Hai gia đình cũng thường xuyên gắn bó.

Nói về di vật là chiếc bút được khắc tên, ông Liêu cho rằng đó là chuyện hi hữu ở chiến trường: “Tôi đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường, hồi đó, quân đội nghiêm cấm những việc tương tự như việc khắc tên, địa chỉ vào bút, viết tên, địa chỉ vào nhật kí vì dễ lộ bí mật. Đây là chuyện hi hữu nhưng chắc nó đã trở thành định mệnh, nếu không có thì gia đình sẽ không thể biết đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng, đơn vị cũng không thể xác định được đó là liệt sĩ của đồng đội mình”.

Trong chiến tranh, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Câu chuyện về “cưới vắng” và khắc tên mình và vợ “trái kỉ luật” đã nói lên những trang lịch sử bi tráng, bài ca bất tử của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

”Liệt sĩ” trở về sau 50 năm lưu lạc nhờ facebook

Nhờ thông tin trên mạng, một "liệt sĩ" đoàn tụ gia đình sau 50 năm lưu lạc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hiệp ([Tên nguồn])
Hà Tĩnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN