Gần tết, hàng nghìn người mất việc

Hơn 3.700 công nhân tại công ty TNHH Sanyo OPT, tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang sẽ bị chấm dứt hợp đồng do công ty làm ăn thua lỗ.

Theo thông báo của công ty này, tới hết ngày 31/1/2013, công ty này sẽ chính thức dừng hoạt động vì thua lỗ kéo dài. Như vậy, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 3.700 công nhân đang làm việc tại đây. Công ty cam kết chi trả đầy đủ các quyền lợi cho người lao động như: lương, đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 1/2013 để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Ông Từ Minh Tùng, chủ tịch công đoàn công ty Sanyo OPT cho biết, sau thông báo nghỉ việc, hiện nay hầu hết lao động đã thu xếp về quê, các cấp công đoàn đang giám sát việc chi trả chế độ cho người lao động đúng và đủ. “Thời điểm cận tết tìm việc rất khó khăn”, ông Tùng nói.
 
Sanyo OPT Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đăng ký và chính thức hoạt động từ năm 2009 với mặt hàng duy nhất là linh kiện điện tử. Năm 2010, Sanyo được Panasonic, một doanh nghiệp khác của Nhật Bản, mua lại và vẫn tiến hành hoạt động sản xuất bình thường.
 
Sanyo được đánh giá là doanh nghiệp lớn, hoạt động uy tín và luôn hoàn thành các nghĩa vụ đối với nhà nước cũng như thực hiện đầy đủ chế độ đối với lao động theo đúng luật pháp Việt Nam. Có thời điểm số công nhân của công ty lên tới hơn 7.000 người. Trước khi có thông báo ngừng hoạt động, số lao động mà Sanyo ký hợp đồng có 3.750 người, chủ yếu là nữ.

Gần tết, hàng nghìn người mất việc - 1

Gần 4000 công nhân công ty Sanyo OPT bị chấm dứt hợp đồng do làm ăn thua lỗ

Trong thông báo gửi tới toàn thể cán bộ, công nhân viên do Tổng giám đốc Hiroyuki Mita ký, Sanyo nói rõ lý do làm ăn thua lỗ, không có đơn hàng mới nên buộc phải ngừng thực hiện dự án sản xuất kinh doanh tại Việt Nam (sau khi đã báo cáo và được sự đồng ý của cơ quan chức năng Việt Nam). Thời gian chính thức ngừng hoạt động là ngày 31/1/2013 nhưng người lao động có thể nghỉ làm tại thời điểm thông báo (ngày 8/1/2013) và chờ hướng dẫn làm các thủ tục chấm dứt hợp đồng.
 
Công nhân nhiều tỉnh khác cũng thất nghiệp
 
Không chỉ có công nhân tại công ty Sanyo OPT, Bắc Giang mà công nhân nhiều tỉnh, thành khác cũng đang lâm vào tình trạng thất nghiệp, hoặc nợ lương.
 
Gần 100 lao động thuộc ba trạm thu phí là Ba Chẽ, Vân Đồn, Sông Gianh thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh vừa đóng cửa sau khi triển khai thu phí bảo trì đường bộ đang trong tình trạng không có việc làm. Theo kế hoạch, sẽ có 17 trạm thu phí đường bộ khác tiếp tục sớm bị đóng cửa, hơn 1.000 lao động đang làm việc tại các trạm thu phí này cũng phải... tìm việc mới.
 
Trong khi đó, tỉnh Cà Mau có 29 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, sử dụng khoảng 40.000 lao động (một nửa là lao động công nhật). Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Châu Công Bằng cho biết, khoảng 70% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa, nên số lao động mất việc làm rất lớn.
 
Trước đó, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh, ông Hồ Huy cũng cho biết, khoảng 28.000 lao động đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp nếu tình huống xấu nhất xảy ra.
 
Theo ông Huy, để có thể trả được 500 tỉ tiền nợ công ty đã phải bán 3.000 đầu xe, đồng nghĩa với việc 6.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng.
 
Chị Hoàng Thị Linh vừa nghỉ việc tại một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên sản xuất cửa nhựa tại huyện Từ Liêm, Hà Nội cùng với hơn 20 lao động của công ty. Chị Linh cho biết, đến thời điểm này tuy công ty chưa tuyên bố phá sản được vì còn phải đòi nợ và trả nợ, tuy nhiên trong thực tế tất cả nhân viên đều đã nghỉ việc và không còn sản xuất nữa. Công ty chỉ còn giữ lại bốn lao động là kế toán công nợ để duy trì hoạt động. “Chúng tôi nghỉ việc may mắn là được trả hết nợ lương, gần tết cũng khó tìm việc làm nên để ra tết mới đi tìm việc”, chị Linh cho biết.
 
Theo liên đoàn Lao động Hà Nội, năm 2012 có hơn 41.000 lao động mất việc làm do hơn 12.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Khảo sát sơ bộ từ các doanh nghiệp cho thấy chỉ có 50% doanh nghiệp công nghiệp đủ việc làm cho người lao động dịp cuối năm, có 12,2% doanh nghiệp đang dư thừa lao động và có thể cắt giảm nhân sự. Mức lương cơ bản thực nhận của người lao động cũng chỉ đạt trên 2,86 triệu đồng/tháng.
 
Ông Nguyễn Thanh Hoà, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết, nền kinh tế suy giảm đã khiến cho các doanh nghiệp khó khăn, tạm dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản đã đẩy nhiều lao động rơi vào thất nghiệp, ngay cả khi tết gần tới. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hiếu Lam (Đất Việt)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN