Gần 6.000 người đánh nhau dịp Tết: Sao ngày càng có nhiều người hung hãn?

Sự kiện: Thời sự

“Xã hội văn minh hơn, trình độ cao hơn nhưng có vẻ như “con người lại hung hãn hơn.”, GS.TS. Ngô Đức Thịnh bày tỏ.

Gần 6.000 người đánh nhau dịp Tết: Sao ngày càng có nhiều người hung hãn? - 1

Theo các chuyên gia, đánh người gây thương tích gây nguy hiểm cho xã hội cần phải xử lý. (Ảnh: Người đưa tin)

Rượu bia là chất xúc tác

Bộ Y tế cho biết, tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau trong 7 ngày Tết Nguyên đán là 5.675 trường hợp, trong đó có 619 trường hợp xác định nguyên nhân do rượu bia.

Trong khi đó, theo thống kê 9 ngày nghỉ Tết năm 2016, số người đánh nhau số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau trong dịp Tết là 6.868 trường hợp, trong đó 15 người tử vong.

Tuy số người đánh nhau năm nay có giảm so với thống kê năm trước nhưng nhiều người vẫn giật mình, đặt ra câu hỏi: “Tại sao ngày càng có nhiều người hung hãn đến vậy?”.

Gần 6.000 người đánh nhau trong 7 ngày Tết cũng khiến nhiều chuyên gia văn hóa giật mình và cho rằng, ngày càng có nhiều người hung hăng trong xã hội.

GS.TS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam bày tỏ: “Những con số này đang cho thấy báo động về mức độ gia tăng hành vi bạo lực cũng như sự bế tắc trong ứng xử văn hóa và nhân văn của con người trong xã hội”.

Ông Thịnh phân tích, xã hội văn minh hơn, trình độ cao hơn nhưng có vẻ như “con người lại hung hãn hơn”;  có những va chạm rất nhỏ lẽ ra có thể bỏ qua, xí xóa cho nhau nhưng nhiều người lại thổi bùng lên thành một cuộc xung đột.

Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh, đánh nhau nhiều do quan điểm, nhận thức xã hội và cách sống hiện nay. Ngoài ra, nhiều người còn thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý và xử lý xung đột.

“Người lớn đánh nhau nhiều, sao có thể dạy trẻ con đừng đánh nhau, đừng gây bạo lực?”, ông Thịnh đặt câu hỏi.

GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, “rượu bia” cũng được coi như một chất xúc tác để cổ vũ là động lực cho những hành động hay sự ganh đua vô lối, vô văn hóa và đẩy lên cao trào là đánh nhau.

Chia sẻ về số người đánh nhau trong dịp Tết trong đó có một phần liên quan đến rượu bia, đại diện cơ quan soạn thảo Dự án Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng bày tỏ: “Tết là dịp nghỉ, vui chơi thoải mái, nhưng có tới hàng nghìn người đánh nhau chứng tỏ ngày càng có nhiều người vi phạm pháp luật, đạo đức, văn hóa”, ông Quang nói.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, xét về khía cạnh đạo đức, người Việt Nam vốn nhân hòa, sống nhường nhịn, dễ gần, dễ mến, được quốc tế thừa nhận. Hơn nữa, trong năm mới, mọi người gặp nhau để chúc tụng, mừng vận hội mới, thành công mới mà dẫn tới bạo hành, đánh nhau là đi ngược lại truyền thống văn hóa của người Việt.

Ngoài ra, người Việt cho rằng, uống rượu bia là văn hóa, nhưng điều này hiện nay đã chệch hướng, lệch lạc. Nhiều người gặp nhau là ép uống bia rượu, ép uống đến vô độ. Từ đó rượu bia lại trở thành biến tướng của văn hóa, tác động không ít đến việc đánh nhau.

Ngày càng có chiều hướng phức tạp

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, đánh nhau không phải chỉ là chuyện nhỏ. Nó phản ánh một sự thật đằng sau những hành vi đấy là tính hung hăng của con người và ngày càng có chiều hướng phức tạp.

“Con số này có thể nói dù sao cũng chỉ là thống kê nhưng theo tôi, cái kinh hoàng đó chính là hậu quả trên bình diện xã hội lâu dài”, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn nói.

Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam phân tích, đánh nhau xuất phát từ sự hung tính trong hành vi của mỗi con người. Từ những việc nhỏ như mời rượu không uống, uống ăn gian, lời qua tiếng lại dẫn đến đánh nhau…

“Trong số này có không ít người trẻ, và thử đặt câu hỏi xem nhìn vào con số bạo lực học đường được thống kê qua nhiều năm đã được giải quyết một cách có chiến lược hay chưa?.Trong một thời gian dài nhiều người đã xem nhẹ những hành vi bạo lực, bạo lực học đường và coi chúng là những điều tất yếu. Thậm chí một số cá nhân còn xem đó là một phần tự nhiên của quá trình phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi học trò.”, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, hiện nay nhiều người còn thiếu hụt về kỹ năng chọn lựa hình thức giải trí hay tổ chức vui cũng như kỹ năng sống để xử lý những mâu thuẫn và xung đột. Khi cơn giận dữ lên tiếng, lý trí dễ dàng đi vắng và không ít người đã không biết ứng xử sao cho thấu tình đạt lý…

Theo các chuyên gia, để giảm bớt tình trạng đánh nhau, xã hội cần có những dự án dài hơi về giáo dục tính nhân văn, ứng xử hòa bình, nhân ái…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN