Gần 3000 trẻ mắc sởi, Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch
Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước có 2.500 trẻ được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch sởi.
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 6.611 trường hợp sốt phát ban trong đó có 2.500 trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi. Trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi và biến chứng.
Với con số này, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng ngành y tế, phải công nhận có dịch sởi và dịch sởi thực sự diễn biến rất phức tạp.
“Đã đến lúc cần phải công bố dịch sởi, để ngành y tế nhìn nhận đúng dịch bệnh và người dân cảnh giác trước một căn bệnh dễ lây lan, nguy hiểm”, PGS.TS. Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nói.
Theo ông An, năm nay, dịch sởi rất lạ, gây biến chứng viêm phổi nặng. Bệnh nhi nhập viện bình thường, điều trị ngay nhưng diễn biến nặng lên trông thấy và nhiều bệnh nhi đã tử vong.
Do diễn biến bất thường của sởi, nên phần lớn các ca bị viêm phổi do sởi đều phải chỉ định nhập viện điều trị.
Tại Hội nghị trực tuyến thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi, Bộ Y tế cho biết, hiện bệnh sởi đã xuất hiện tại 59/63 tỉnh thành của cả nước. Tuy nhiên, theo thống kê so sánh, mùa dịch năm 2013 – 2014 có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009-2010 và đang có dấu hiệu giảm dần nên chưa công bố thành dịch.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, lý giải, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khi công bố dịch phải căn cứ vào số ca mắc tăng cao, số tỉnh thành có người mắc. Hiện nay, không phải tỉnh thành nào cũng có người bị sởi và bệnh nhân mắc rải rác, vẫn kiểm soát được nên Bộ Y tế không công bố.
Theo ông Phu, phần lớn số ca tử vong do sởi xảy ra tại miền Bắc, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi. Trong số 25 ca tử vong chỉ có 1 trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ. Các trường hợp tử vong do mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các vi rút khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do viêm phổi. Nguyên nhân khiến sởi lan nhanh trên diện rộng là do không được tiêm vắc xin phòng sởi hoặc không rõ có được tiêm hay không.
Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế khẳng định, để ngăn chặn tình trạng dịch sởi bùng phát, Bộ Y tế sẽ đảm bảo đủ vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng và không để tình trạng thiếu vắc xin xảy ra. Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành phố hoàn thành tiêm vét vắc xin sởi trong tháng 4.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, chỉ có biện pháp tiêm phòng mới có thể kiểm soát tốt được dịch sởi trong thời gian tới. Khi phát hiện trẻ có sốt phát ban, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị và cách ly kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.