Facebook bị chê đơn điệu, Thư ký Bộ trưởng Tiến nói gì?

Có ý kiến thẳng thắn nhận xét rằng thông tin trên fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế hơi đơn điệu, chủ yếu dẫn link từ các báo.

Không thể hiện quan điểm

Thông tin từ Văn phòng Bộ Y tế cho hay nhằm tiếp nhận phản ánh của người dân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa trang fanpage (Facebook)của mình vào hoạt động tại địa chỉ: https://www.facebook.com/botruongboyte.vn.

Fanpage do Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp quản lý và điều hành, cập nhật những thông tin mới trong lĩnh vực y tế và tiếp nhận những phản ánh của quần chúng nhân dân. Một số trang khác được lập ra lấy danh nghĩa và hình ảnh Bộ trưởng Tiến được cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế khẳng định là giả mạo.

Facebook bị chê đơn điệu, Thư ký Bộ trưởng Tiến nói gì? - 1

Fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế

Dù mới công khai ngày 28/2, nhưng đến 10 giờ sáng 3/3, Facebook của Bộ trưởng đã nhận được 95.000 lượt "like". Được biết, Bộ trưởng Tiến là bộ trưởng đầu tiên trong Chính phủ đương nhiệm công khai địa chỉ facebook chính thức.

Ngay sau khi thông tin về Facebook chính thức của Bộ trưởng Tiến được công bố, nhiều người dân thể hiện sự ủng hộ. Tranh thủ kênh thông tin này, có bệnh nhân phản ánh tình trạng vệ sinh rất kém tại khoa Thận - Cơ xương khớp, Bệnh viện trung ương Huế nhưng vẫn dành lời khen cho đội ngũ bác sĩ rất nhiệt tình.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến bày tỏ lo ngại Bộ trưởng Bộ Y tế quá bận rộn, sẽ không đủ thời gian để trả lời những thắc mắc của người dân trên Facebook, hay thậm chí thẳng thắn nhận xét rằng thông tin trên fanpage hơi đơn điệu, chủ yếu dẫn link từ các báo chứ không cung cấp các thông tin, quan điểm về những vấn đề được dư luận quan tâm.

Fanpage chỉ để tiếp nhận thông tin

Liên quan đến vấn đề này TS Hà Anh Đức, Phó chánh Văn phòng Bộ Y tế, Thư ký Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Fanpage của bộ trưởng có mục tiêu chủ yếu là đưa ra các hoạt động của ngành, đầu tiên là cung cấp thông tin đến với công luận, sau khi nhận được những phản hồi, góp ý từ phía người dân, Bộ trưởng sẽ xem xét và có những biện pháp xứ lý thích hợp.

Ví dụ như có những người phàn nàn về thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ y tế, việc đóng tiền hay thủ tục khám bảo hiểm… Trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ liên hệ với các chính sách hiện tại để có những nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp. Có những vấn đề người dân kiến nghị có thể trả lời trực tiếp trên Fanpage, tuy nhiên, có những việc cần phải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ để ngiên cứu.”

Theo TS Hà Anh Đức, vì bản chất Facebook là một kênh để đưa các thông tin đến với dư luận, nên ngành y tế không thể ngồi viết mà phải lấy thông tin từ các báo chính thống, qua đó nhận được những phản hồi của cộng đồng sử dụng.

Facebook chỉ là một trong rất nhiều kênh để ngành y tế tiếp nhận phản hồi. Có rất nhiều người Việt không có máy tính, smartphone để dùng Facebook. Tuy nhiên, đường dây nóng của ngành y tế tiếp cận 1.400 bệnh viện và công bố rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và thực tế kênh này đã tiếp nhận được rất nhiều phản hồi của người dân phản ánh những vấn đề chưa hợp lý mà chính họ mắt thấy tai nghe trong quá trình khám chữa bệnh.

Bộ trưởng lướt Facebook trên ô tô

Trả lời Báo Giao thông về việc Facebook cá nhân và fanpage của bộ trưởng sẽ do Bộ trưởng xử lý hay do các nhóm nhân viên cập nhật, TS Hà Anh Đức cho biết tùy theo thời gian của Bộ trưởng vì đương nhiên Bộ trưởng rất bận rộn không thể lúc nào cũng trả lời các phản hồi của người dân. "Nhưng có những lúc đi trên ô tô mở iPad hay buổi tối, Bộ trưởng cũng cố gắng tranh thủ xem và trả lời các thông tin mà người dân cung cấp thông qua kênh mạng xã hội", ông Đức cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lê/Giao thông Vận tải
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN