Ép nhân viên đi làm ngày nghỉ lễ, Tết có thể bị phạt tới 50 triệu đồng

Sự kiện: Thời sự

Nếu người sử dụng lao động ép người lao động đi làm ngày nghỉ lễ, Tết mà chưa có sự đồng thuận 2 bên thì có thể bị xử phạt lên tới 50 triệu đồng.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Dương lịch 2019 và không lâu nữa là Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Người lao động rất quan tâm đến vấn đề thưởng Tết và số ngày nghỉ. Thế nhưng, không phải ai cũng biết những quy định của pháp luật về lợi ích mà mình được hưởng trong những dịp lễ, Tết này.

Ép nhân viên đi làm ngày nghỉ lễ, Tết có thể bị phạt tới 50 triệu đồng - 1

Người sử dụng lao động có thể bị phạt nặng nếu ép người lao động đi làm dịp nghỉ lễ, Tết (Ảnh minh họa: PLO)

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết sau đây:

Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1/1 dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30/4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1/5 dương lịch); Ngày Quốc khánh 1 ngày (ngày 2/9 dương lịch); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10/3 âm lịch).

Nếu người sử dụng lao động buộc người lao động đi làm vào các ngày lễ trên mà không có sự đồng ý của người lao động thì sẽ bị xử phạt về xử phạt vi phạm hành chính quy định khoản 2, Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động; Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 14 cũng quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động; Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật lao động.

Khoản 4 của điều luật này quy định, phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động hoặc quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần.

Trường hợp, người lao động đồng ý đi làm thêm ngày nghỉ lễ, Tết thì người sử dụng lao động cũng phải đảm bảo các quy định tại Điều 106, Bộ luật lao động 2012:

Cụ thể, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm;

Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Hơn nữa, người lao động làm thêm giờ vào dịp nghỉ lễ, Tết sẽ được hưởng ít nhất 300% lương chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương. Như vậy, mức lương người lao động nhận được phải ít nhất gấp 4 lần so với ngày thường. Điều này được quy định tại Điều 97, Bộ Luật Lao động 2012.

Lịch chính thức nghỉ Tết Nguyên đán và các ngày lễ trong năm 2019

Bộ LĐ-TB-XH đã chính thức có thông báo về lịch nghỉ Tết Nguyên đán và các ngày lễ trong năm 2019, theo đó nghỉ 9 ngày...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN