Ép người khác nhậu, xử lý cách nào?

Sự kiện: Tin nóng

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia với 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có các hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia, lái xe khi trong người có nồng độ cồn..., kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen chè chén của người Việt.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với các điều khoản nghiêm ngặt để hạn chế ảnh hưởng của những loại đồ uống này với xã hội.

Cấm người uống rượu, bia lái xe

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, cấm triệt để việc điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo...) đều không được phép uống rượu, bia khi lưu thông trên đường. Quy định này khác với pháp luật hiện hành, cho phép người điều khiển phương tiện được lái xe với nồng độ cồn dưới ngưỡng cho phép.

Một điểm mới đáng lưu ý là tại Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đó là quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Bên cạnh đó, ngoài các địa điểm cấm theo điều 10 được quy định trong luật, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia gồm: công viên; trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, nhà chờ xe buýt; rạp chiếu phim, nhà hát; sân vận động, nhà thi đấu thể thao.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia kỳ vọng thay đổi dần thói quen sử dụng rượu, bia của người Việt Ảnh: Hoàng Triều

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia kỳ vọng thay đổi dần thói quen sử dụng rượu, bia của người Việt Ảnh: Hoàng Triều

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và có xu hướng gia tăng. Nếu như năm 2010, có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày thì sau 5 năm tỉ lệ này tăng lên tương ứng là 80,3% và 11,6%. Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng chống tác hại của rượu, bia. Nhưng đây cũng là đạo luật khó thực hiện do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Vì vậy, để luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai luật là rất quan trọng. "Không phải ai cũng nhận thức được tác hại của rượu, bia với sức khỏe. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan nhiều đến sử dụng quá mức rượu, bia. Ngoài ra, tác hại của rượu, bia còn là gây các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch... Do đó, mấu chốt là phải làm thế nào để người dân thay đổi thói quen, hiểu rằng lạm dụng rượu, bia rất hại sức khỏe" - bà Tiến nói.

Chờ văn bản hướng dẫn luật

Nhìn nhận việc đưa luật vào hiện thực cuộc sống sẽ có nhiều khó khăn, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), thành viên tổ soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia - cho rằng khó khăn này nằm ở tính sẵn có, dễ tiếp cận của các sản phẩm rượu, bia; thói quen tiêu dùng, tỉ lệ người dùng rượu, bia vẫn rất cao.

Đối với việc cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia, bà Trang nhìn nhận đây là một quy định không có được những chế tài mạnh để thực hiện bổ trợ, mà đòi hỏi nhiều về ý thức và truyền thông, ví dụ như thường xuyên lên án, chê những hành vi như thế thì dần dần người vi phạm sẽ nhìn nhận vấn đề khác đi. Ngoài ra, với đặc điểm của một quốc gia có lượng xe máy rất cao như Việt Nam thì việc thực hiện giám sát vi phạm nồng độ cồn là không dễ dàng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng để luật không "nằm trên giấy", việc đầu tiên là phải tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu được, nắm được ý nghĩa nhân văn của luật chứ không đơn thuần là cấm và xử phạt "ma men". Đặc biệt, chỉ còn 1 ngày nữa Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành nhưng quy định về xử phạt đối với các hành vi ép buộc, lôi kéo, kích động người khác uống rượu, bia chưa có hướng dẫn cụ thể. Do vậy, Chính phủ, các bộ - ngành liên quan phải nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn luật để tránh vướng mắc khi thực hiện. Chẳng hạn, tại các quy định hiện hành chưa có quy định xử phạt người đi xe đạp sau khi uống rượu, bia, trong khi theo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia thì mọi trường hợp lái xe sau khi uống rượu, bia chỉ cần trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn là phạm luật. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đặt ra nhiều băn khoăn: Căn cứ vào đâu để chứng minh bị lôi kéo, ép buộc uống rượu bia? Việc nhắn tin, gọi điện thoại, mời mọc bạn đi nhậu có vi phạm luật?...

Về những băn khoăn này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho rằng có nhiều quy định khi ban hành, ai cũng nói khó thực hiện nhưng chúng ta vẫn thực hiện được. Trước đây, nhiều người nói hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện rất khó phát hiện và xử lý nhưng nhờ hệ thống camera giám sát, hình ảnh người dân cung cấp nên thực hiện được việc xử phạt. Việc ép nhau uống rượu, bia cũng sẽ tương tự như thế. Trong nhóm uống rượu sẽ có người bị ép phản ứng bằng cách ghi hình ảnh đưa lên mạng xã hội, hay hệ thống camera giám sát của nhà hàng làm bằng chứng để xử phạt...

Đối với việc ban hành văn bản hướng dẫn luật, ông Hùng thông tin: "Bộ Giao thông Vận tải đang tiến hành sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26-5-2016, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Bước đầu kết quả lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ nhận được sự đồng thuận với những thay đổi chặt chẽ hơn, trong đó mức xử phạt tối đa vi phạm nồng độ cồn với người đi xe đạp, xe thô sơ là 600.000 đồng, đi môtô, xe máy là 8 triệu đồng, người đi ôtô lên tới 40 triệu đồng".

Đưa phòng chống rượu, bia vào giáo dục chính khóa

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, hiện nay vi phạm về nồng độ cồn là nguyên nhân gây ra khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông. Ở nhiều địa phương, vào dịp cao điểm lễ Tết, tỉ lệ này lên đến trên 80%. Ông Khuất Việt Hùng cho biết để tăng hiệu quả tuyên truyền về tác hại của rượu, bia, ủy ban đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm nội dung này vào hệ thống kiến thức giáo dục pháp luật và kỹ năng bảo đảm ATGT cho học sinh trong chương trình chính khóa. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức tại các bộ, ngành cũng phải thực hiện nghiêm túc luật để làm gương.

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, Ủy ban ATGT quốc gia đã quyết định chủ đề ATGT của năm 2020 là "Đã uống rượu, bia thì không lái xe", tập trung trọng điểm vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Kinh nghiệm thành công từ nước Nga

Lâu nay, hầu như khắp thế giới vẫn có định kiến rằng người Nga uống rượu nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, theo báo Le Monde, báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bác bỏ điều đó, đồng thời khẳng định Nga đã thành công trong cuộc đấu tranh với nạn nghiện rượu và thậm chí họ còn có thể truyền đạt kinh nghiệm cho các quốc gia khác.

Cụ thể, mức tiêu thụ rượu trên đầu người ở Nga đã giảm 43% trong khoảng thời gian từ năm 2003-2016. Vào năm 2017, mỗi người Nga trên 15 tuổi tiêu thụ trung bình 11,1 lít rượu/năm, trong khi con số này ở Pháp là 11,7 lít/năm.

Báo cáo còn xác nhận việc giảm tiêu thụ rượu có ảnh hưởng tích cực đến tuổi thọ. Năm 2018, tuổi thọ trung bình ở Nga đạt kỷ lục: 78 tuổi đối với phụ nữ và 68 tuổi đối với nam giới. Trước đây, trong các thập niên 1990 và 2000, rượu có liên quan đến hiện tượng chết sớm của 1/2 dân số nam giới.

Giới chức Nga khẳng định tất cả kết quả này đạt được là nhờ chính sách được thực hiện một cách có hệ thống từ đầu những năm 2000. Thoạt đầu, nhà chức trách ấn định mức giá bán rượu tối thiểu và đến nay, giá nửa lít rượu vodka lên tới 250 rúp (hơn 93.000 đồng). Theo văn bản của Bộ Tài chính Nga mới công bố, giá rượu cognac tăng từ 388 lên 433 rúp và rượu brandy tăng từ 307 lên 315 rúp/nửa lít. Hơn nữa, họ cấm bán rượu mạnh vào ban đêm, giảm số lượng địa điểm có thể uống rượu, cấm quảng cáo và kiểm soát việc bán rượu cho trẻ vị thành niên.

Tổng thống Vladimir Putin tỏ ra quyết liệt với chính sách giảm uống rượu hiện tại. Ông từ chối đưa rượu vào danh sách các giá trị truyền thống của người Nga. Đồng thời, các tổ chức thanh niên khác nhau cũng tiến hành các chiến dịch giảm uống rượu.

Kết quả là có một sự chuyển đổi sâu sắc, người Nga thay đổi mạnh thái độ đối với người nghiện rượu. Theo một cuộc khảo sát năm 2018, khoảng 46% số người được hỏi đánh giá nghiện rượu là một căn bệnh và 31% cho đó là một vấn đề xã hội.

Theo giới chuyên môn, người Nga hiện không còn uống rượu một cách công khai cả ở thành phố và làng mạc như trước đây nữa.

H.Vy

Nguồn: [Link nguồn]

Tăng lương tối thiểu vùng và những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2020

Tăng lương tối thiểu vùng; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Đối xử nhân đạo với vật nuôi… là những chính...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN