Đường trên cao: Ác mộng bụi - tiếng ồn

Tiếng ồn và bụi đang là ác mộng với người dân hai bên đường trên cao đầu tiên ở Thủ đô từ Mai Dịch đến Linh Đàm mặc dù mới được thông xe.

Tiếng ồn, bụi tấn công

Từ khi đưa vào sử dụng tuyến đường trên cao đầu tiên ở Thủ đô dài 9km từ Linh Đàm đến Mai Dịch, người dân sống và làm việc trong các tòa nhà cao tầng bị “tra tấn” bởi tiếng ồn và bụi. Làm việc trong tòa nhà Vinaconex trên đường Phạm Hùng, anh Đặng Thìn Giang phàn nàn, những giờ cao điểm nhiều phương tiện giao thông tham gia trên tuyến đường gây tiếng ồn lớn. Anh Giang phải luôn đóng kín các cửa kính tòa nhà, thậm chí nghĩ thêm nhiều cách để cách âm.

Sống trong tòa nhà chung cư Linh Đàm, chị anh Nguyễn Văn Ngôn cho biết, ngay từ khi cầu cạn chạy qua Linh Đàm khu đô thị mất hẳn mỹ quan. Bụi bặm nhiều hơn, âm thanh đủ loại tạp âm, ầm ĩ suốt ngày. Anh Ngôn phàn nàn, nhà mặt đường nhưng cửa kính đóng, không lúc nào dám mở ra. Anh Nguyễn Văn mạnh, cư dân tòa nhà Keangnam, đường Phạm Hùng, Hà Nội cũng không dám ra ban công ngắm đường phố vì “ồn ào nhức đầu”.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, việc làm cầu cạn chẳng qua là bất đắc dĩ, buộc phải làm. Ưu điểm lớn nhất của đường trên cao là biện pháp hữu hiệu giảm ùn tắc giao thông. Các địa điểm xây dựng đường trên cao thường là những điểm đen ùn tắc, khó về quỹ đất giải phóng mặt bằng. Các phương tiện lưu thông được bảo đảm tốc độ đi nhanh, không có các đường ngang cắt qua, không phải dùng đèn xanh đèn đỏ.

Tuy nhiên, đã xây đường trên cao cũng có nhiều hạn chế như mất mỹ quan đô thị, tốn kém tiền của và nhất là ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, việc tham gia giao thông ở các tầng sẽ gây ồn cho các công trình kiến trúc ở hai bên đường. Do vậy những người dân hai bên đường sẽ bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm âm thanh và bụi. Ngoài ra, cũng ảnh hưởng đến sự riêng tư của nhà dân. Thông thường, nhà dân bên đường, tầng 1 làm kinh doanh, tầng 2 để sinh hoạt. “Nếu đi trên cầu cạn, có thể nhìn vào tầng 2, tầng 3 của nhà người ta, làm mất sự riêng tư”, ông Liêm phân tích.

Đường trên cao: Ác mộng bụi - tiếng ồn - 1

Đường vành đai 3 trên cao cần có biện pháp chống ồn (Ảnh: Hồng Phú)

Cùng quan điểm, kỹ sư xây dựng cầu đường Nguyễn Ngọc Dũng, làm việc tại một công ty xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho rằng, vấn đề tiếng ồn và bụi là điều chắc chắn sẽ xảy ra với những nơi có đường trên cao đi qua. Đặc biệt, ở những nơi có nhiều tòa cao ốc, sự dội âm, va đập sóng âm là cho con người có cảm giác chóng mặt, ù tai, buồn nôn. Thậm chí, người dân còn có cảm giác rung động nhẹ như một số người ở đường Phạm Hùng, Hà Nội phản ánh.

Cần xây dựng "tường chắn âm"

Việc xây dựng đường trên cao sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, nhưng vẫn phải bảo đảm cuộc sống người dân bên đường không bị ảnh hưởng. “Đã không xây thì thôi, xây dựng là phải xác định bị ảnh hưởng ít nhiều. Ở nước ta, đường trên cao thường được xây như một giải pháp chứ không phải quy hoạch ban đầu. Nhà dân, chung cư mọc trước, đường trên cao mọc lên sau do vậy, nhà dân khó tránh bị ảnh hưởng”, ông Liêm cho biết.

Khi xây dựng đường trên cao, có hai hạn chế sẽ nảy sinh là cảnh quan đô thị và tiếng ồn. Do vậy, về vấn đề cảnh quan, cần có tính toán giữa hai phương án, nên xây dựng đường trên cao hay đi ngầm. Ở đường vành đai phía ngoại thành có thể xây đường trên cao, nhưng nếu đường đi qua phố cổ Hà Nội nên xây ngầm.

Vấn đề giảm tiếng ồn, thông thường khi xây dựng đường trên cao, chủ đầu tư phải xem xét đến giải pháp chống ồn. Khoảng cách từ nguồn phát ra tiếng ồn đến đầu hồi của các công trình cao tầng cần có tính toán hợp lý theo quy định chống ồn. Tuy nhiên, chúng ta thường không có sự quan tâm cần thiết cho vấn đề này. Việc đánh giá tác hại của tiếng ồn cho con người rất khó khăn vì phản ứng của con người đối với tiếng ồn rất khác nhau. Có người chịu được âm thanh to, có người sợ sự ồn ào... Tuy nhiên, người dân phải sống và làm việc trong môi trường có tiếng ồn ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Phạm Sỹ Liêm đề xuất giải pháp, đường trên cao vừa khánh thành đoạn Mai Dịch – Linh Đàm, cần thiết xây dựng tường chắn âm. Tường này là những tấm kim loại có thể hút âm thanh, ngăn chặn âm thanh xây dựng hai  bên đường. Những con đường trên cao ở Pháp, Trung Quốc... đoạn đi qua khu dân cư họ đều làm tường chống ồn.

Về phía người dân, theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Dũng, có thể dùng thêm những biện pháp như lắp cửa chống ồn làm từ vật liệu cách âm tốt, luôn đóng kín khít cửa để tạp âm không lọt vào trong tòa nhà. Lưu ý cửa kính 2 hoặc 3 lớp cách nhau bằng lớp khí trơ, cửa gỗ dày hoặc nhiều lớp, bọc vật liệu xốp. Người dân cũng nên có thêm một lớp tường bao, có khoảng không cách âm sẽ giảm được rung động âm thanh truyền qua kết cấu tòa nhà.

Theo kỹ sư Dũng, sống trong chung cư, khó tránh được tiếng ồn. Nhất là những chung cư gần với con đường lớn, nhiều xe qua lại. Với người dân mới đến sống và làm việc ở chung cư sẽ khó khăn hòa nhập nhưng sẽ quen hơn theo thời gian.

Ông Phạm Sỹ Liêm cho biết thêm, thực ra Hà Nội không phải bây giờ mới có đường trên cao. Đường đê Yên Phụ cũng có thể coi là đường trên cao. Bởi mặt đường đê Yên Phụ, Hà Nội cao bằng tầng 3, tầng 4 nhà dân hai bên. Vậy nhưng, lâu nay người dân không kêu ồn. Đó là bởi người dân đã quen với cuộc sống đó. Ông Liêm cũng cho biết, nhà người thân gia đình ông gần đường sắt Long Biên, Hà Nội. Tàu đi qua, giường rung bần bật, đang đêm đang ngủ tưởng động đất. Ban đầu rất khó chịu, hưng lâu dần thành quen.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN