Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi là niềm tự hào của dân tộc

Sự kiện: 24h vạn dặm

Các đại biểu bày tỏ sự tri ân công lao, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” cùng nhân dân địa phương nơi tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi qua…

Sáng 22-10, tại TP Hải Phòng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và TP Hải Phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961-23-10-2021).

Nhân dịp này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Đại tướng Phan Văn Giang (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và các đại biểu tham quan khu trưng bày tư liệu lịch sử về đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức bên lề lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Đại tướng Phan Văn Giang (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và các đại biểu tham quan khu trưng bày tư liệu lịch sử về đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức bên lề lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP

Một phương thức vận chuyển mới hết sức quan trọng

60 năm trước, nhận rõ yêu cầu cấp bách phải kịp thời chi viện nhân lực, vật lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho đồng bào, chiến sĩ và chiến trường miền Nam, sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm về mọi mặt, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải quân sự đường biển. Sự ra đời của Đoàn 759 cùng với việc khai thông tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam trên biển là sự kiện có ý nghĩa quan trọng chiến lược.

Ngày 23-10-1961, ngày đánh dấu mốc mở tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho miền Nam - mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là ngày truyền thống của Đoàn 759, sau này là Đoàn 125 và Lữ đoàn 125 Hải quân anh hùng.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ từ khi ra đời và trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên một phương thức vận chuyển mới hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm chi viện cho các chiến trường miền Nam.

Tàu 641 (HQ671) đã góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu

Tàu 641 (HQ671) đã góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu

Vượt mọi hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” với những con tàu thô sơ, nhỏ bé, chở nặng vũ khí đã bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm vượt sóng to, gió lớn, bão táp của biển cả cùng sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của lực lượng hải quân, không quân với hệ thống quan sát, cảnh giới từ xa và vũ khí hiện đại của địch để đi đến các chiến trường.

Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo thành hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, đáp ứng nhu cầu của hai hướng chiến lược trên chiến trường Nam bộ là cánh đông và cánh tây, chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định năm tháng sẽ đi qua nhưng đường Hồ Chí Minh trên biển mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do thống nhất đất nước của quân và dân ta.

Trên tuyến đường biển đặc biệt này, gần 2.000 lượt tàu đã được huy động, vượt hơn 4 triệu hải lý, vận chuyển 80.000 lượt người, trên 150.000 tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn tấn hàng hóa…

“Đoàn tàu không số” đã chi viện đắc lực cho nhiều hướng chiến trường, chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà con đường trên bộ chưa vươn tới được, góp phần cùng quân và dân ta đánh thắng mọi chiến lược chiến tranh của kẻ thù, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. 

Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Trần Văn Hữu cho biết các cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” hôm nay luôn tâm niệm phải sống xứng đáng với những chiến công của “Đoàn tàu không số” năm xưa, với những đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh trên các cung đường của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Thay mặt thế hệ trẻ quân đội, Thiếu tá Trần Văn Tiến, thuyền trưởng tàu 513, Hải đội 3, Lữ đoàn 125 quân chủng Hải quân, khẳng định thế hệ trẻ hôm nay sẽ mãi biết ơn, tri ân sâu sắc trước những công lao của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, các anh hùng, liệt sĩ của “Đoàn tàu không số”. Thế hệ trẻ quân đội nguyện đem nhiệt huyết, bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng cao đẹp, tô thắm truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam, tỏa sáng hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ hải quân” trong thời kỳ mới.

Phân tích tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra, Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định: Nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo nói riêng đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc cần được quan tâm xây dựng vững mạnh, toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Qua đó, nâng cao vai trò của đội ngũ làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ nhân dân làm ăn trên các vùng biển và ổn định đời sống nhân dân trên các đảo.

Góc nhìn

Con đường huyền thoại

Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 1-1959 đã xác định con đường của cách mạng miền Nam phải là con đường của bạo lực cách mạng. Để chi viện sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam, ngày 23-10-1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759 và sau đó phát triển thành Đoàn 125 Hải quân.

Từ đó trở đi, cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển với những “Đoàn tàu không số”, những con người quyết chí ra đi nhiều khi không trở lại đã ngày đêm vượt qua bom đạn chi viện cho chiến trường miền Nam và trở thành con đường của huyền thoại.

Vận tải biển khi ấy là vô cùng nguy hiểm và gian nan nhưng lại có ưu thế tuyệt đối về tốc độ và thời gian. Nếu như vận chuyển bằng đường bộ phải mất mấy tháng trời mới tới nơi thì vận chuyển bằng đường biển thông thường chỉ mất khoảng một tuần.

Đặc biệt hơn cả là ở chiến trường miền Nam khi ấy, do điều kiện giao thông rất khó khăn nên một số nơi không thể tiếp cận được vũ khí, đạn dược nếu vận chuyển bằng đường bộ. Tỉ lệ thất thoát mà Tổng Quân ủy khi ấy cho phép là 50%, có nghĩa chỉ cần một nửa số vũ khí, đạn dược vận chuyển đến được chiến trường đã là thắng lợi. Thế nhưng đường Hồ Chí Minh trên biển đã đưa 93% hàng hóa vận chuyển tới đích. Công sức bỏ ra lại không phải tiêu tốn nhiều, nếu đường bộ vận chuyển 100 tấn vũ khí, đạn dược cần cả trăm người thì đi bằng đường biển chỉ cần 10-15 người.

Bởi những chiến công đặc biệt xuất sắc này nên chỉ mới ra đời sáu năm, năm 1967, Đoàn 125 Hải quân đã được Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất.

Với chiến trường miền Nam khi ấy, một viên đạn, một khẩu súng là rất quý giá, với hàng ngàn tấn vũ khí được chuyển bằng đường biển đến chiến trường có tầm quan trọng đặc biệt, mang ý nghĩa sống còn đối với cuộc chiến đấu của quân, dân ta ở các chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ. Đặc biệt, những vũ khí từ các chuyến tàu không số này có nhiều vũ khí mới, hiện đại so với lúc bấy giờ đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường giữa ta và địch, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội như: Ấp Bắc, Đầm Dơi, Bình Giã...

Tháng 5-2011, kỷ niệm 50 năm “Đoàn tàu không số”, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã phát biểu: “Chỉ với phương tiện thô sơ, lòng dũng cảm, tình nguyện hy sinh cùng sự khéo léo, linh hoạt, những cựu binh “Đoàn tàu không số” đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của dân tộc ta”.

Hồng Phúc

Nguồn: [Link nguồn]

Ký ức về Bác Hồ của người cận vệ già

TS. Trần Viết Hoàn, người cận vệ của Bác Hồ năm xưa, cũng là người đã có hàng chục năm gắn bó với Khu di tích Phủ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Nhiên ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN