Đức: Phát hiện thạch tín trong bia
Các chuyên gia vừa phát hiện một số loại bia của Đức có chứa hàm lượng thạch tín quá cao và nguyên nhân có thể bắt nguồn từ một vật liệu lọc được sử dụng rộng rãi trong sản xuất thực phẩm.
Thông tin trên đã được công bố trong một báo cáo tại hội nghị quốc gia của Hiệp hội hóa học Mỹ. Bản báo cáo không đề cập cụ thể tới nhãn hiệu bia nào nhưng nêu rõ, hàm lượng thạch tín trong 140 mẫu bia đang bán ở Đức vượt quá ngưỡng 10 microgram/lít cho phép đối với nước uống.
Các tác giả báo cáo nhận định, bia có thể bị nhiễm độc thạch tín thông qua quá trình lọc. "Khi hàm lượng thạch tín trong bia cao hơn trong nước sử dụng để ủ bia thì lượng thạch tín dư ra này chắc chắn phải đến từ nguồn khác. Chúng tôi đã phân tích tất cả các nguyên liệu, kể cả mạch nha và cây hoa bia dùng trong quá trình ủ để tìm dấu vết của thạch tín", nhà nghiên cứu Mehmet Coelhan đến từ Đại học Kỹ thuật Munich giải thích.
Kết quả kiểm tra cho thấy, thạch tín bắt nguồn từ một vật liệu lọc có tên là đất tảo cát (kieselguhr) hay đất mùn (đất điatômit) vốn được sử dụng để loại bỏ men, hoa bia và các loại hạt khác cũng như tạo cho bia vẻ ngoài trong suốt hoàn toàn.
140 mẫu bia đang bán ở Đức có chứa hàm lượng thạch tín cao vượt ngưỡng cho phép đối với nước uống. Ảnh minh họa: thelocal.de
Đất tảo cát bao gồm các hóa thạch của tảo cát, một loại tảo vỏ cứng sống cách đây hàng triệu năm. Đây là nguyên liệu được dùng rộng rãi trong thanh lọc bia và quá trình sản xuất một số sản phẩm khác.
"Chúng tôi kết luận rằng, đất tảo cát có thể là nguồn chính gây nhiễm độc thạch tín trong bia. Kết luận này đã được chứng minh bằng kết quả phân tích các mẫu đất tảo cát. Các xét nghiệm hé lộ, một số mẫu đất tảo cát đã giải phóng ra thạch tín", ông Coelhan nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này nhấn mạnh thêm rằng, hàm lượng thạch tín phát hiện trong bia Đức "mới chỉ cao hơn ngưỡng cho phép một chút" nên dường như không gây bệnh ở người dùng. Do đó, nguy cơ nhiễm độc thứ đồ uống có cồn được ưa chuộng này thực tế chưa đến mức báo động.
Dẫu vậy, ông Coelhan cảnh báo, các hãng sản xuất bia, rượu vang và chế biến thực phẩm khác đang sử dụng đất tảo cát cần phải nhận thức được việc vật liệu này có thể giải phóng ra thạch tín. Hiện có rất nhiều vật liệu thay thế được đất tảo cát và các biện pháp đơn giản như dùng nước rửa đất tảo cát trước khi dùng có thể loại bỏ được thạch tín gây nhiễm độc.