Đưa công chức "ăn cắp giờ công" lên tivi

UBND Quảng Trị ghi hình cán bộ, công chức làm việc không đúng tác phong, giờ giấc… để phát trên sóng Đài phát thanh truyền hình tỉnh (QTV).

Cán bộ, công chức "sợ lên tivi"

Ngày 10/1, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ra Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý thời gian làm việc của công chức, viên chức Nhà nước. Để chỉ thị được triển khai nghiêm, tỉnh còn lập đoàn kiểm tra và có một nhiệm vụ là ghi hình cán bộ, công chức làm việc không đúng tác phong, giờ giấc… để phát trên sóng Đài phát thanh truyền hình tỉnh (QTV).

Nói là làm, ngay “phát súng” đầu tiên, đoàn kiểm tra đã làm giới cán bộ, công chức “choáng váng” khi đưa hình ảnh bê trễ của một số vị lãnh đạo cấp sở, huyện lên ti vi.

“Tại một buổi họp được tổ chức ngay tại trụ sở UBND tỉnh, khi cuộc họp đã bắt đầu khá lâu thì 1 vị chủ tịch huyện và 2 giám đốc sở mới lần lượt đến với điệu bộ không lấy gì làm vội vàng. Thậm chí, trong một buổi lễ tổng kết hoạt động của một cơ quan báo chí tại địa phương, sau khi khai mạc chừng hơn 1 giờ, các đại biểu lũ lượt kéo nhau về hết, chỉ còn lại một số vị lãnh đạo, các nhà báo lão thành và... những chiếc ghế trống. Tất cả đều được ghi hình lại và bản tin phản ánh việc này phát sóng ngay tối hôm ấy”, ông Trần Đăng Mậu, Trưởng phòng Thời sự QTV ví dụ trên Thanh niên.

Trên Thanh niên, ông Trần Hữu Anh, Chánh thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, từ khi đoàn kiểm tra hoạt động đến nay, người dân và dư luận trong tỉnh hết sức ủng hộ. Hiệu quả của mô hình này là thấy rõ bởi trong thời gian qua quán cà phê buổi sáng, quán nhậu buổi trưa “ế ẩm” hẳn, vì các cán bộ, công chức, viên chức đã biết “sợ lên ti vi”.

Đưa công chức "ăn cắp giờ công" lên tivi - 1

Những hàng ghế trống xuất hiện càng nhiều về cuối buổi trong các cuộc họp, hội nghị lớn nhỏ tại tỉnh Quảng Trị là điều thường thấy. Ảnh: Thanh niên

Trao đổi với Kiến Thức, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đây là một chủ trương mạnh, chắc chắn sẽ có tác dụng tốt, làm người công chức làm việc nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng hình thức “bêu danh” này với những trường hợp ở mức nào đó, như đã nhắc nhở, xử lý nhiều lần vẫn tái phạm chứ không xử lý kỷ luật là đủ. Bởi lẽ, những cán bộ sau khi được lên ti vi sẽ rất khó làm việc, nhất là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với dân.

"Chủ trương của tỉnh Quảng Trị sẽ có hiệu quả cao nhưng có thể cũng gây những ảnh hưởng khác. Ví dụ, những công chức bị lên truyền hình liệu có sửa chữa hay có những đối phó tiêu cực. Hơn nữa, những cán bộ công chức làm ở bộ phận tiếp cận với dân dù sao cũng phải giữ được uy tín, thể diện nhất định. Nếu bị lên hình với lý do đó, chắc chắn họ sẽ khó làm việc. Biện pháp xử lý nghiêm khắc là cần thiết nhưng trước hết cần xử lý nghiêm khắc ở cơ quan”, ông Thuyết nói.

Khuyến khích nhân rộng

Ủng hộ cách làm của UBND tỉnh Quảng Trị, anh Nguyễn Chí Tú, Trưởng văn phòng luật sư Mester Mind, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc sử dụng những biện pháp mạnh để chấn chỉnh tác phong công chức là cần thiết vì họ đã dựa dẫm vào luật công chức hiện hành đã bảo vệ công chức một cách thái quá.

“Chúng ta đang thiếu những cơ chế, chế tài xử lý một cách nghiêm ngặt đối với công chức nên mới xảy ra tình trạng vô tổ chức. Nhiều người đi muộn về sớm, buổi trưa ăn uống rượu bia về muộn, có khi về lại đóng cửa phòng ngủ. Vấn đề là chế tài xử lý ở đất nước mình tương đối lỏng lẻo, các chế tài xử lý không rõ ràng. Ngoài ra, một số người còn dựa vào mối quan hệ nhăng cuội, con ông nọ cháu bà kia nên có vi phạm kỷ luật sẽ chẳng làm sao. Lẽ ra, mỗi cơ quan phải có những chế tài dựa trên luật lao động, luật công chức để tất cả moị người đều đồng lòng thực hiện, nhưng chúng ta chưa làm được việc này. Vì thế, việc các địa phương đưa ra những biện pháp mạnh để giải quyết tình trạng cán bộ công chức ăn cắp giờ công là cần thiết, tôi rất ủng hộ và khuyến khích nhân rộng”, anh Tú nói.

Cũng theo anh Tú, việc đài truyền hình địa phương kết hợp với các đoàn thanh kiểm tra làm theo chỉ thị của UBND tỉnh không có gì sai với quy định của pháp luật. Bởi bản thân người đi làm muộn đã vi phạm nội quy cơ quan nên việc xử lý tiến hành theo đúng quy định đã được thông báo từ trước. Chỉ có điều, trong quá trình xây dựng quy định cũng như xử lý phải chặt chẽ, cần nêu rõ: vi phạm lần một, lần hai thì xử lý thế nào và nếu còn tiếp tục vi phạm sẽ đưa lên ti vi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Tường (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN