"Đổi lộ trình, người dân sẽ hết mặn mà với xe buýt"
Chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị cho rằng, việc thay đổi lộ trình xe buýt trên trục đường Cầu Giấy- Xuân Thủy sẽ làm xáo trộn lịch trình đi lại của người dân. Gặp khó, có thể người dân sẽ không mặn mà với phương tiện này...
Sở GTVT Hà Nội vừa có thông báo phương án điều chỉnh lộ trình, giãn tần suất xe buýt trên trục đường Quốc lộ 6 Nguyễn Trãi – Hà Đông và Quốc lộ 32 đến Cầu Giấy trong thời gian thi công các công trình giao thông trọng điểm của TP Hà Nội.
Lịch trình đi lại bị xáo trộn
Trên tuyến đường Quốc lộ 32 đến Cầu Giấy có 12 tuyến xe buýt hoạt động. Từ ngày 14.11, sẽ thực hiện điều chỉnh lộ trình vận hành của 7 tuyến buýt số 05, 16A, 16B, 27,34,35,49 tránh đoạn tuyến trên trục Xuân Thủy từ đường Trần Đăng Ninh đến cầu vượt Mai Dịch sang lộ trình Trần Đăng Ninh-Nguyễn Phong Sắc-Trần Thái Tông-Tôn Thất Thuyết...
Từ ngày 14.11, sẽ điều chỉnh lộ trình của 7 tuyến buýt trên đường Quốc lộ 32 đến Cầu Giấy nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Tuyến 35 điều chỉnh tránh đoạn tuyến trên trục Cầu Giấy - Xuân Thủy sang lộ trình Liễu Giai - Đào Tấn - Nguyễn Khánh Toàn - Trần Đăng Ninh - Nguyễn Phong Sắc... Điều chỉnh tuyến 05: tránh đoạn tuyến Cầu vượt Mai Dịch đến Hồ Tùng Mậu sang tuyến Hàm Nghi – Nguyễn Cơ Thạch. Theo Sở GTVT, việc điều chỉnh này nhằm giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
TS Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, không nên điều chỉnh lộ trình trình các tuyến xe buýt chạy vì sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân. Thêm nữa, nếu làm như vậy sẽ trái với nguyên tắc phát triển giao thông công cộng các nước trên thế giới đang làm, trong đó coi trọng việc đưa xe buýt vào chạy là giải pháp tốt nhằm giảm ùn tắc giao thông.
“Một sinh viên hằng ngày đi quen tuyến xe buýt số16, có lộ trình chạy qua tuyến đường Xuân Thủy. Tuy nhiên, giờ thay đổi, chàng sinh viên muốn xuống điểm A, hoặc B trên đường Xuân Thủy lại không có xe buýt chạy qua. Như vậy, nhu cầu đi lại của mọi người sẽ bị ảnh hưởng, gặp khó khăn”, ông Thủy chia sẻ.
Ông Thủy cho rằng, khi việc đi lại bằng xe buýt không được thuận lợi, có thể người dân sẽ không mặn mà với loại phương tiện này mà chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân (xe máy). Như vậy, khi phương tiện cá nhân tăng, ùn tắc giao thông lại xảy ra.
Người có 30 năm nghiên cứu về giao thông cho hay, hiện nay, hạ tầng giao thông của Việt Nam kém, thiếu đồng bộ. Trong khi đó, mật độ phương tiện ngày một gia tăng. Thêm nữa, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Do vậy, tắc đường thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm.
Lập hàng rào di động trả lại lòng đường cho người dân
TS Thủy cho biết, hiện nay trên đoạn đường cầu Giấy, lòng đường bị thu hẹp do đang thi công đường sắt trên cao. Để giảm ùn tắc, đơn vị thi công có thể nghiên cứu đến phương án làm hàng rào di động tại các công trình đường sắt trên cao.
Buổi đêm, đơn vị thi công có thể mở rộng hàng rào, phục vụ cho việc thi công đường sắt trên cao. Đến sáng, hàng rào sắt được thu hẹp lại, trả lại lòng đường thông thoáng cho người dân đi lại. Như vậy, các tuyến xe buýt vẫn chạy lộ trình như cũ, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân. Thu hút được nhiều hành khách hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, việc điều chỉnh lộ trình xe buýt trên đường Cầu Giấy; giãn tần suất xe buýt trên trục đường Nguyễn Trãi, Cầu Giấy ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, giao thông tại các tuyến đường này sẽ giảm ùn tắc.
“Trước đây người dân chờ một tuyến xe buýt chạy qua đường Nguyễn Trãi chỉ mất 5 phút, nhưng giờ thay đổi, có thể người dân mất 7-10 phút. Tuy lịch trình có xáo trộn, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo được nhu cầu của người dân, phục vụ ở hầu hết các tuyến’, ông Hải nói.
Cũng từ ngày 14.11, Sở GTVT sẽ thực hiện giãn tần suất hoạt động các tuyến xe buýt trong giờ cao điểm ((buổi sáng từ 6-8 giờ; chiều từ 16 giờ đến 18 giờ 30) trên tuyến Quốc lộ 6 Nguyễn Trãi-Trần Phú. Hiện tuyến đường này có 9 tuyến xe buýt hoạt động, sẽ thực hiện điều chỉnh giãn tần suất chạy xe trong khung giờ cao điểm với 5 tuyến xe buýt (02; 21; 27; 22; 39) chạy qua khu vực này. Đối với tuyến 02, 22 điều chỉnh giãn cách từ 5 phút/lượt thành 7 phút/lượt. Đối với tuyến 21,27,39 điều chỉnh giãn cách từ 8 phút/lượt thành 10 phút/lượt. Phương án điều chỉnh giãn tần suất chạy xe trong khung giờ cao điểm đã giảm 12 lượt xe/giờ/hướng (trên tổng số 48/lượt xe/giờ/hướng) trên trục Quốc lộ 6 (giảm 25%). |