Tuyến xe buýt bị “cấm” hoạt động, dân chờ dài cổ
Do không chấp nhận các yêu cầu bất hợp lý mà công ty quản lý vận tải hành khách đưa ra, 11 xe buýt cùng tuyến ở Quảng Nam liền bị công ty “cấm” chạy nhưng lại không hề thông báo cho người dân được biết.
Sáng 2-11, toàn bộ 11 xe buýt tuyến Tam Kỳ - Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) đã phải tạm ngưng hoạt động vì không được Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam (gọi tắt là công ty) cấp phép xuất bến. Rất nhiều tài xế và phụ xe đã phải đưa xe tập trung tại một góc đường Hùng Vương để phản ánh bức xúc với các phóng viên.
Nhiều tài xế tập trung tại quán nước vì không thể xuất bến
Theo ông Huỳnh Nguyễn Ngọc Điền, trước đây tuyến xe buýt ông đang nhận khoán do Công ty CP Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam quản lý và khai thác. Tuy nhiên, do hoạt động thua lỗ trong khi không có tiền để trả nợ vay của Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam nên buộc phải chuyển cho Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam khai thác nhằm thu hồi nợ cho ngân sách nhà nước.
Sau khi được chuyển chủ sở hữu vào tháng 8, Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đã ký hợp đồng với các người dân để tuyến xe buýt tiếp tục hoạt động bình thường. Để phục vụ người dân tốt hơn, công ty yêu cầu các chủ nhận giao khoán phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để tu sửa lại xe như thay lốp, sơn xe, bọc ghế ngồi…
Tài xế Sơn vừa bị Thanh tra giao thông lập biên bản xử phạt vì không có lệnh xuất bến
Sau 2 tháng hoạt động, mới đây công ty này đã tổ chức họp và yêu cầu chủ quản lý xe phải đóng nhiều khoản tiền mà họ cho là vô lý và quá sức nên không chấp nhận thì liền bị công ty “cấm” hoạt động bằng việc không cấp lệnh cho phép xuất bến.
Theo ông Điền và nhiều chủ xe khác, bắt đầu từ tháng 11-2015, công ty buộc phải mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lái xe với số tiền lên đến 942.500 đồng, phụ xe là 877.500 đồng. Chủ nhận giao khoán xe phải chịu 50% trong tổng số 5.800.000 đồng/năm đối với tiền mua bảo hiểm thân, vỏ xe. Ngoài ra, số tiền giao khoán mà các chủ xe phải nộp cũng tăng từ 400.000 lên 500.000 đồng/ngày. Trong khi đó, tất cả những khoản tiền trên trước đây chủ nhận khoán xe đều không phải nộp.
11 xe buýt tuyến Tam Kỳ- Hiệp Đức bị "cấm" chạy
“Nhiều người đã có bảo hiểm y tế rồi mà công ty vẫn bắt buộc phải nộp. Tiền lương mỗi tháng chỉ 2-3 triệu nhưng nộp bảo hiểm hơn 900.000 đồng thì chúng tôi lấy gì để sống. Hơn nữa, tài xế lái xe thường không có chạy cố định, họ chạy một vài tháng rồi nghỉ nhưng bắt chủ xe phải nộp các khoản bảo hiểm là rất vô lý” – một chủ quản lý xe bức xúc.
Tài xế Lê Phạm Hồng Sơn cho biết, do không được cấp lệnh xuất bến nên sáng 2-11, ông chạy xe từ Hiệp Đức xuống Tam Kỳ để giải quyết vụ việc. Khi vừa đến Tam Kỳ thì liền bị lực lượng Thanh tra giao thông lập biên bản xử phạt.
Bà Mai Thị Hữu, một trong những hành khách dài cổ chờ xe buýt
Theo các tài xế, dù các xe buýt không hoạt động nữa nhưng trong sáng 2-11 họ vẫn chưa thấy công ty có động thái gì. Trong khi đó, trong hợp đồng nêu rõ "nếu quản lý phương tiện tự ý làm đơn khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp mà chưa có sự đồng ý của công ty thì công ty sẽ cho chấm dứt hợp đồng giao khoán đối với chủ phương tiện" nên hiện các chủ quản lý xe chẳng biết phải giải quyết thế nào.
Sáng 2-11, chúng tôi đã đến Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam để liên hệ gặp lãnh đạo để hỏi thông tin và phương án giải quyết nhưng được nhân viên công ty cho biết giám đốc không có ở cơ quan nên hẹn sẽ phản hồi lại trong chiều cùng ngày.
Trong khi đó, tại các trạm đón xe buýt ở TP Tam Kỳ, nhiều hành khách không hề biết thông tin các xe buýt tuyến Tam Kỳ - Hiệp Đức không được cấp phép xuất bến nữa nên vẫn dài cổ chờ đợi. Bà Mai Thị Hữu (ngụ xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) cho biết đứng chờ xe buyt tuyến Hiệp Đức từ 8 giờ sáng 2-11 nhưng mãi đến 10 giờ 30 phút vẫn không thấy xe nào chạy. Khi biết được thông tin xe buýt tạm ngừng hoạt động từ phóng viên, bà Hữu tỏ ra hết sức bức xúc bởi cách hành xử của cơ quan chức năng khi người dân không hề được thông báo về việc xe buýt ngừng hoạt động.