Doanh nghiệp đưa ra lí do giá cước vận tải “đứng im”

Giá xăng thay đổi thất thường, doanh nghiệp vận tải cũng không thể chạy theo tốc độ tăng, giảm của giá xăng.

Mong giá nhiên liệu ổn định

Tại buổi tọa đàm “Giá cước vận tải và giải pháp giảm giá cước vận tải” do Bộ Giao thông vận tải tổ chức chiều 13/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam là người dành được nhiều sự chú ý nhất của báo giới.

Trong bối cảnh giá xăng giảm liên tiếp tới 9 lần nhưng giá cước vận tải được cho là vẫn “đứng im”, câu trả lời của ông Thanh sẽ là đáp án cho câu hỏi này.

Doanh nghiệp đưa ra lí do giá cước vận tải “đứng im” - 1

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam trong buổi tọa đàm

Khi tới phiên phát biểu, ông Thanh đứng lên, mặt đỏ bừng và nói lớn: “Tôi xin phép là tôi không thể nói đôi lời được. Tuy đây là buổi tọa đàm nhưng tôi không thể ngồi, tôi muốn đứng nói cho thoải mái nói được hết ý”.

Ông chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô đồng ý, giá xăng dầu giảm thì giá cước vận tải phải giảm. Người dân không chấp nhận các doanh nghiệp cứ lừng khừng không giảm giá.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng không thể giảm ngay lập tức được. Giá xăng thay đổi thất thường, doanh nghiệp vận tải cũng không thể chạy theo tốc độ tăng, giảm của giá xăng vì nhiều lý do, trong đó có lý do liên quan tới cơ quan quản lý.

Thủ tục kê khai để điều chỉnh giá trong văn bản thì thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng thực tế thì “nhiêu khê lắm”. Ngay cả xin giảm giá cũng khá phức tạp.

Ông Thanh cũng mong muốn cơ quan chức năng điều hành quản lý giá nhiên liệu tốt hơn vì giá xăng lên xuống bất thường sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu không giảm theo thì bị “trảm”, nếu vừa giảm xuống mà giá xăng lại tăng ngay thì rất nguy hiểm. Trước mỗi quyết định tăng, giảm giá, doanh nghiệp phải rất thận trọng chứ không thể chạy theo tốc độ biến động của giá xăng.

“Mong sao giá nhiên liệu ổn định. Chúng tôi nhiều lần gửi văn bản lên nhà nước, đề nghị quản lý giá nhiên liệu không ổn định được 1 năm thì 6 tháng, hết sức công khai minh bạch”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô nói.

Hiện tại, giá vận tải cũng đang hoạt động theo cơ chế thị trường, mỗi khi tăng giảm, các doanh nghiệp cũng phải chú ý tới nhau. Nếu doanh nghiệp kia giảm mà mình chưa giảm thì mất khách. Cũng như doanh nghiệp này tăng mà doanh nghiệp kia không tăng cũng không được.

Được mùa kiểm tra

Trong buổi tọa đàm, ông chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cũng “lấy làm tiếc” vì các doanh nghiệp vận tải được lời mời tới buổi tọa đàm nhưng “không dám tới” hoặc “không muốn đến”. Ông cho rằng họ đang lo sắp xếp cho các cuộc thanh tra sắp tới.

“Năm nay, các doanh nghiệp vận tải đường bộ của chúng tôi được mùa kiểm tra, kiểm tra nhiều quá”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vận tải ô tô nói.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn hiện có 4/11 đơn vị taxi, 6/6 đơn vị xe buýt đã kê khai giảm giá theo giá nhiên liệu. Đối với các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, do xe khách tuyến cố định có tính cạnh tranh thị trường khốc liệt hơn nên ngay cả khi giá nhiên liệu tăng, giá cước vận tải cũng không tăng được.

Việc tăng giá nhiên liệu tăng rất nhanh, mức độ tăng giá cao, cho nên có hiệu ứng ngay đối với các doanh nghiệp vận tải. Việc giảm lại giảm nhiều lần, mức giảm thấp, ít, hiệu ứng với các doanh nghiệp thấp, đại diện Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa nhận định.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tới thời điểm này, 100 đơn vị taxi với khoảng 17.400 đầu xe trên địa bàn là ảnh hưởng từ giá xăng nhiều nhất. Ngoài ra còn có 62 doanh nghiệp vận tải tuyến cố định với 1.229 đầu xe. Tới tháng 10, khi giá xăng giảm, sở đã nhận được kê khai giá cước giảm. Tuy nhiên số này rất ít. Hiện các đơn vị vận tải, đặc biệt là các doanh nghiệp taxi đang có xu hướng kê khai giá cước.

Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng cho biết, Hải Phòng có 36 doanh nghiệp với 482 xe hoạt động, có 24 doanh nghiệp taxi với 1991 xe, 5 doanh nghiệp xe buýt với 85 xe, 852 doanh nghiệp container với 6016 đầu xe. Các doanh nghiệp đang thực hiện kê  khai, đại đa số doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá cước theo quy định.

Chủ tịch hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp vận tải đã giảm 5 – 10 % giá cước, những doanh nghiệp đã giảm rồi thì giảm nhẹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN