Cước phí vận tải của Việt Nam cao gấp 3 lần Hàn Quốc

Cước phí vận tải hàng hóa trên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 0,012 % trong khi Hàn Quốc chỉ là 0,04%, tức nếu tính theo thu nhập bình quân, cước phí vận tải của Việt Nam cao gấp 3 lần của Hàn Quốc.

Con số trên do ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chủ trì cuộc tọa đàm “Giá cước vận tải và giải pháp giảm giá cước vận tải” do Bộ Giao thông vận tải tổ chức chiều 13/11 tại Hà Nội.

Cước phí vận tải của Việt Nam cao gấp 3 lần Hàn Quốc - 1

Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia

Trong bối cảnh giá xăng giảm 9 lần liên tiếp nhưng giá vận tải vẫn “bất động”, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp rà soát, kiểm tra cách tính giá của doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá cước cho phù hợp khi giá nhiên liệu giảm.

Trong buổi tọa đàm chiều nay của Bộ Giao thông vận tải, ông Hùng cũng cho biết, tính từ tháng 1 năm nay, đã có 9 lần giảm giá nhiên liệu, giá xăng giảm 12,1%, giá dầu giảm 16% so với giá xăng dầu tháng 1/2014 nhưng giá cước vận tải vẫn “bất động”, theo báo chí đưa.

Trong khi tiền lương chưa tăng, sang năm mới tăng nhưng chỉ tăng cho công chức viên chức chứ doanh nghiệp không tăng. Tại sao xăng dầu giảm 9 lần mà giá cước vận tải không thay đổi. Vấn đề này ông Hùng nhận định thu hút được rất nhiều quan tâm, bức xúc.

Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, giá cước vận tải ở Việt Nam về mức giá thì không cao, mức giá cước phí vận tải hàng hóa ở Việt Nam là 0,148 USD/tấn/km, so với Hàn Quốc là 0,766 USD/tấn/km. Nhưng cước phí vận tải hàng hóa trên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 0,012 % trong khi Hàn Quốc chỉ là 0,04%, tức theo thu nhập bình quân cước phí vận tải của Việt Nam cao gấp 3 lần của Hàn Quốc.

Cũng theo ông Hùng, tổng chi phí vận tải của Việt Nam là khoảng 11,8% GDP theo nghiên cứu của ngân hàng Thế giới trong khi đó của Mỹ vào khoảng dưới 4,5%, Singapore vào khoảng 4,8%, của EU khoảng 5,8% và của Nhật khoảng 6%.

Ông Hùng nhận định, nếu giảm được chi phí vận tải thì sẽ đóng góp rất nhiều cho chi phí sản xuất kinh doanh và đời sống cũng như sản xuất của xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN