Điều tra vụ chuyển 7 triệu USD vào dự án kho báu núi Tàu

Sự kiện: Tin nóng

Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung khi bị cáo khai đã chuyển tiền trong số 7 triệu USD đã chiếm đoạt vào dự án truy tìm kho báu núi Tàu.

Điều tra vụ chuyển 7 triệu USD vào dự án kho báu núi Tàu - 1

Giếng nước được cho là nơi có "kho báu"

Ngày 9-5, tin từ TAND tỉnh Bình Phước cho biết, vụ án Hoàng Văn Lượng đang được tòa xét xử sơ thẩm lần hai về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 7-5 đến ngày 11-5.

Theo cáo trạng, bị cáo Hoàng Văn Lượng là người đã chiếm đoạt số tiền gần 7 triệu USD của hai người có quốc tịch Úc.

Hoàng Văn Lượng đã sử dụng các văn bản của UBND tỉnh Bình Phước và UBND TP.HCM, Bộ Tư lệnh Công binh, Nhà máy Z756, Hợp tác xã Rạng Đông và Công ty Rạng Đông (do Lượng làm Chủ tịch HĐQT) để chứng minh đã được cấp đất. Sau đó Lượng ký hợp đồng và nhận tổng cộng gần 7 triệu USD (tương đương hơn 145 tỷ đồng) nhưng không thực hiện bất cứ thủ tục nào trong việc xin cấp đầu tư xây dựng như đã cam kết.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 (tháng 8-2017)TAND Bình Phước đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Trong đó đề nghị cơ quan điều tra làm rõ số tiền mà bị cáo Lượng cho rằng năm 2011 đã tham gia vào “Dự án thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại Núi Tàu” tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Dự án này nhằm truy tìm hơn 4.000 tấn vàng được cho là của quân đội Nhật chôn giấu sau khi thất trận ở Thế chiến thứ 2. Theo lời khai của bị cáo Lượng, sở dĩ tham gia chiến dịch truy tìm kho báu Núi Tàu là do có em trai là ông Hoàng Văn Sáu làm chủ đầu tư dự án này.

Điều tra vụ chuyển 7 triệu USD vào dự án kho báu núi Tàu - 2

Núi Tàu trước đây bị đào bới nham nhở để truy tìm kho báu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm trên thực tế ông Hoàng Văn Sáu, người được giới thiệu là một sĩ quan quân đội có tham gia vào việc truy tìm kho báu ở Núi Tàu. Tuy nhiên chủ đầu tư dự án này là cụ Trần Văn Tiệp, người được cho là giữ tấm bản đồ kho báu và đã bỏ ra hàng chục năm, hàng ngàn cây vàng để theo đuổi “kho báu” này. Trước khi cụ Tiệp qua đời (tháng 10-2016) giữa cụ Tiệp và ông Hoàng Văn Sáu có lập một biên bản vào năm 2012. Cụ thể do sức khỏe già yếu nên cụ Tiệp ủy quyền cho ông Hoàng Văn Sáu chỉ huy trực tiếp việc thăm dò, truy tìm kho báu tại núi Tàu.

Cuộc truy tìm kho báu do ông Hoàng Văn Sáu chỉ huy kéo dài trong vô vọng đến năm 2015 thì UBND tỉnh Bình Thuận chính thức có văn bản không đồng ý gia hạn thêm cho dự án này. Tuy nhiên đến tháng 3-2016, ông Hoàng Văn Đợi (ngụ TPHCM) đưa ra một số tài liệu quả quyết, kho báu không nằm trên núi Tàu mà nằm dưới… ba giếng cổ cạnh chân núi.

Đến tháng 4-2016, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có công văn gởi các ban ngành có liên quan khẳng định việc ông Hoàng Văn Đợi cung cấp vị trí kho báu là hoang tin. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu chấm dứt, không giải quyết những vấn đề liên quan đến việc khảo sát, thăm dò kho báu nói trên vì qua làm việc, kiểm tra, xác minh thực tế cho thấy, thông tin do ông Hoàng Văn Đợi cung cấp là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý, không có cơ sở khoa học; xuất phát từ suy luận theo hướng cảm tính của ông Đợi. Và đến tháng 10-2016 sau khi cụ Tiệp qua đời, huyền thoại và truyền kỳ về kho báu này mới tạm thời khép lại.

Được biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước cũng đã làm việc với ông Hoàng Văn Sáu theo yêu cầu điều tra bổ sung của tòa án. Theo lời khai của ông Sáu thì bị cáo Hoàng Văn Lượng không hề đầu tư vào dự án truy tìm kho báu núi Tàu.

“Ông chủ kho báu“ núi Tàu qua đời

Cụ Trần Văn Tiệp, người gắn với huyền thoại về “kho báu núi Tàu”, đã qua đời ở TP HCM vào ngày 10-6, hưởng thọ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nam (Pháp Luật TPHCM)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN