"Điểm nóng" tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Tỷ lệ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em ở các địa phương có khả năng phát triển du lịch cao hơn hẳn ở các địa phương khác.

Thống kê mới nhất cho thấy, chỉ trong vòng 2 năm (2009 – 2011), trên địa bàn cả nước đã có tới hơn 50 vụ án xâm phạm tình dục trẻ em mà đối tượng gây án là người nước ngoài. Tình trạng này có chiều hướng gia tăng cùng với những biến tướng phức tạp của hoạt động du lịch.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Báo cáo kết quả khảo sát thực thi các quy định của Bộ Luật hình sự về bóc lột tình dục trẻ em" do Bộ Tư pháp phối hợp cùng Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức sáng 18/10 tại Hà Nội.

Nguy cơ cao tại trung tâm du lịch

Ông Trần Văn Dũng, Phó phòng pháp luật hình sự (Bộ Tư pháp) cho biết, trong  5 năm (2007 – 2011), cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 6.500 vụ với gần 6.800 bị can phạm tội liên quan đến xâm phạm tình dục trẻ em. Nạn nhân của các hành vi này là những em bé còn rất nhỏ, có trường hợp chỉ từ 2 – 3 tuổi. Điều đáng chú ý, qua khảo sát của Bộ tại 9 địa phương, tình trạng này đặc biệt phức tạp tại các địa bàn du lịch phát triển. Tại TP.Hồ Chí Minh, trong năm 2011 đã phát hiện 77 vụ xâm hại trẻ em. 6 tháng đầu năm 2012, cơ quan chức năng lại tiếp nhận mới thêm 23 trường hợp, tập trung tại những quận mới có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Được biết đến là trung tâm du lịch miệt vườn, chợ nổi… của Đồng bằng Sông Cửu Long, Cần Thơ trở thành một trong những “thủ phủ” của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Từ năm 2004 đến 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn Cần Thơ đã xảy ra 183 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 172 vụ xâm hại tình dục. “Tỷ lệ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em ở các địa phương có khả năng phát triển du lịch cao hơn hẳn ở các địa phương khác. Khảo sát tại 9 tỉnh thành trên cả nước, địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh luôn chiếm tỷ lệ lớn”, ông Dũng cho biết. 

Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Phó trưởng Phòng Pháp luật Hình sự – Hành chính (Tòa án nhân dân tối cao), nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do các loại hình dịch vụ trong phát triển kinh tế du lịch như: khách sạn, nhà hàng, quán bar, vũ trường… đang ngày một phát triển và biến tướng với những dịch vụ trá hình.

Chưa rõ chế tài xử lý

Mặc dù Bộ Luật hình sự  đã quy định các điều về Hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu, mua dâm trẻ… Song thực tế, khái niệm về tội phạm du lịch tình dục vẫn còn mới mẻ và chưa có bất cứ quy định nào trực tiếp.

“Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc xác định phạm vi của “tội phạm du lịch trẻ em” mà còn làm cho công tác thống kê loại tội phạm này chưa được thực hiện trên thực tế, góp phần giảm hiệu quả đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trên thực tế”, ông Dũng phân tích. Đặc biệt, mặc dù Việt Nam đã gia nhập công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC), nhưng tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch lại không được điều chỉnh bởi Công ước.

Cũng theo ông Dũng, các quy định trong nhóm tội phạm xâm hại tình dục nói chung còn nhiều bất cập. Ví như, đối với trẻ em dưới 13 tuổi bị hiếp dâm nhiều lần, phạm tội có tổ chức… thì khung hình phạt khởi điểm là 12 năm tù trong khi trẻ từ 13 – 16 tuổi bị xâm hại với các tình tiết trên thì BLHS lại quy định mức phạt khởi điểm từ 20 năm tù. Trẻ em là người đồng tính bị xâm phạm hoặc trẻ em phạm tội là người đồng giới cũng chưa được quy định xử lý trong bộ luật này… ”Cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó bảo đảm sự thống nhất khái niệm 'tội phạm du lịch tình dục trẻ em', đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm”, ông Dũng kiến nghị.

Tăng hình phạt với tội mua dâm trẻ em

Bà Đỗ Thúy Vân, cán bộ Dự án quốc gia (UNODC) cũng đề xuất phải thay đổi khung pháp luật Việt Nam, đặc biệt là việc làm rõ khái niệm trẻ em và người chưa thành niên. Bởi theo quy định của BLHS và các đạo luật liên quan đến trẻ em, trẻ em được định nghĩa là người dưới 16 tuổi. Định nghĩa này không phù hợp với khái niệm trẻ em theo các chuẩn mực quốc tế cơ bản, theo đó, trẻ em được hiểu là người dưới 18 tuổi.

Ngoài ra, bà Vân nhấn mạnh: “Luật pháp Việt nam cần quy định hình phạt đối với tội mua dâm trẻ em nặng hơn hình phạt đối với tội chứa mại dâm hoặc môi giới mại dâm trẻ em và tăng cường quy định hình sự thật nghiêm hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm trẻ dưới 13 tuổi. Cần xác định rõ hành vi nào có thể cấu thành tội phạm dâm ô trẻ em để xem có bao gồm hành vi liên quan đến du lịch tình dục trẻ em hay không”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN