Đề xuất lập thêm 3 thành phố mới trong TP.HCM

Sự kiện: Thời sự

Liên danh tư vấn đề xuất phát triển thêm ba TP trong TP.HCM gồm TP Nam Sài Gòn, TP Củ Chi và TP Cần Giờ.

Sáng 12-9, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị báo cáo đầu kỳ về điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

3 TP trong TP

Tại hội nghị, liên danh tư vấn đã đưa ra đề xuất định hướng phát triển không gian tổng thể của TP. Theo liên danh tư vấn, định hướng phát triển không gian tổng thể TP.HCM sẽ có ba phân vùng gồm vùng trung tâm đô thị lịch sử, vùng trung tâm đô thị mở rộng và các TP trong TP.

Nếu khu Nam thành TP phía nam thì đơn vị nghiên cứu cần giải thích thêm định hướng về việc quản lý hành chính TP phía nam như thế nào. Để phát triển khu vực phía nam thì rất nhiều phản biện xã hội về nước biển dâng, biến đổi khí hậu. Vì vậy, nghiên cứu cần giải thích được hạn chế vấn đề này. Điểm mạnh, điểm yếu làm TP phía nam ra sao, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) dọc đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ và các quỹ đất như thế nào?

Ông DƯƠNG THÀNH CÔNG,
Ban quản lý khu đô thị mới Nam TP

Theo đó, TP trong TP ngoài TP Thủ Đức đã hình thành thì sẽ có thêm ba TP gồm: Nam Sài Gòn, Củ Chi và Cần Giờ.

TP Nam Sài Gòn sẽ là đô thị công nghệ và sinh thái nước, trọng tâm là đô thị sáng tạo, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí. TP Cần Giờ sẽ là TP du lịch sinh thái, trung tâm kinh tế biển. TP Củ Chi là đô thị dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp, sản xuất công nghiệp hỗ trợ và đào tạo công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh thái môi trường.

Vùng trung tâm đô thị lịch sử với tính chất chính là hành chính, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo... Vùng này bao gồm khu đô thị hành chính Sài Gòn và phụ cận các quận 1, 3, 4, 10; khu Chợ Lớn và phụ cận các quận 5, 6, 11; đô thị sân bay các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú; đô thị ven sông hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp, một phần quận 12 và vùng đô thị công nghiệp là một phần quận Bình Tân.

Vùng trung tâm đô thị mở rộng có tính chất chính là dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hoá dược, giáo dục đào tạo, công nghiệp… Vùng này bao gồm một phần ngoài quốc lộ (vành đai 2) của quận 12 và quận Bình Tân; khu vực huyện Hóc môn, phía bắc huyện Bình Chánh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị sáng 12-9. Ảnh: KC

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị sáng 12-9. Ảnh: KC

Nhiều băn khoăn về phân vùng phát triển

Góp ý tại hội nghị, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Khương Văn Mười cho biết vùng chưa khai thác hết như huyện Củ Chi có liên kết các trục đường các quốc gia khác nhưng hiện năng lực khai thác có giới hạn, phát triển chậm làm mất cơ hội phát triển khu đô thị Tây Bắc. “Nếu Củ Chi trở thành TP thì đây là một cơ hội” - ông Mười nói.

Theo ông Mười, báo cáo không nhắc đến huyện Bình Chánh hoặc rất ít trong khi về phân chia không gian đô thị, Bình Chánh là huyện ngoại thành, cửa ngõ TP và các tỉnh miền Tây, là trạm trung chuyển và có đầy đủ tiềm năng để phát triển.

Tương tự, ông Trần Chí Dũng, nguyên Giám đốc Sở QH-KT, cũng cho rằng cần xem xét cho rõ vì không thấy nhắc đến huyện Bình Chánh trong báo cáo. Theo ông Dũng, huyện Bình Chánh có định hướng mới, đặc biệt phía tây dân số phát triển nhanh hơn phía đông và phía nam.

Về đề xuất huyện Bình Chánh sẽ là khu trung tâm đô thị mở rộng, ông Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng đề xuất này chưa phù hợp vì huyện Bình Chánh lên đô thị loại 1 khó hơn là lên TP. Ông Tân cũng băn khoăn với đề xuất khu Nam Sài Gòn thành TP. “Nên chăng khu vực này chuyển thành vùng trung tâm đô thị mở rộng thì phù hợp vì lên đô thị loại 1 dễ hơn” - ông Tân nói.

Theo ông Tân, kế hoạch của TP.HCM về việc chuyển huyện thành quận hoặc TP thì rõ ràng sắp tới vẫn có TP ngoại thành trong TP, tư vấn nên xem lại việc chuyển đổi. “Bình Chánh là TP, Hóc Môn chuyển thành vùng trung tâm đô thị, Nam Sài Gòn chuyển thành vùng trung tâm đô thị” - ông Tân đề xuất và cho biết trong đề án chuyển đổi thành quận, huyện lên TP thì năm 2025 huyện Bình Chánh sẽ lên TP. Vì vậy, huyện Bình Chánh cần nhanh chóng lên TP để liền mạch với trung tâm, nối kết với tỉnh Long An.

Điều chỉnh quy hoạch mang lại cơ hội tốt hơn cho người dân

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết lần điều chỉnh quy hoạch này là cơ hội, sức mạnh để kiến tạo các nền tảng phát triển của TP. “Chúng ta rà soát những cái gì tốt, cái gì cần tiếp tục phát huy, cái gì cần giữ lại, cái gì cần điều chỉnh, cần bỏ để bổ sung cái mới. Điều chỉnh quy hoạch làm sao để phản ánh thực trạng, yêu cầu phát triển của TP. Đây là cơ hội, sứ mạng để chúng ta kiến tạo các nền tảng phát triển cho TP, phát triển mang lại cơ hội tốt hơn cho người dân TP” - ông Mãi nói.

Theo ông Mãi, quy hoạch chung của TP.HCM đã có từ năm 2010, đến nay có những vấn đề mới phát sinh đặt ra, có cả những hạn chế, quy mô dân số, mô hình phát triển đô thị, vấn đề tổ chức hệ thống hạ tầng trong vùng, kinh tế - xã hội...

Ông Mãi cũng thông tin thêm trong góp ý của Bộ Xây dựng về quy hoạch chung của TP cũng nêu rõ TP chưa nghiên cứu các nội dung như thiết kế đô thị, quy hoạch không gian ngầm, ứng phó với biến đổi khí hậu và những vấn đề lớn khác. “Mặt khác, quy hoạch vùng TP.HCM, quy hoạch kinh tế - xã hội cũng có sự điều chỉnh đặt ra yêu cầu chúng ta phải điều chỉnh quy hoạch chung của TP” - ông Mãi nhận định.

Theo ông Mãi, gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24 về định hướng phát triển Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 về định hướng phát triển TP.HCM, các định hướng này đặt cho TP.HCM một vị trí rất quan trọng không chỉ của vùng Đông Nam Bộ, vùng TP.HCM mà còn của cả nước. “TP cũng là cửa ngõ giao tiếp với các khu vực trên thế giới, đầu tàu, trung tâm có năng lực cạnh tranh với các khu vực trên thế giới… Đây là những vấn đề đặt ra để làm sao chúng ta “chuyên chở” các định hướng phát triển này vào quy hoạch chung của TP” - ông Mãi đặt ra yêu cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Nghiên cứu mô hình ”Thành phố thuộc thành phố”, ”trong thành phố có rừng”

Theo TS. Chu Mạnh Hùng, mô hình "Thành phố thuộc thành phố" sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KIÊN CƯỜNG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN