Đê biển, cầu cảng sụp đổ: Ai chịu trách nhiệm

Trong thời gian hơn một năm đã xảy ra ba vụ sập đê biển và cầu cảng biển, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng ngân sách. Điều trùng hợp là cả ba công trình này đều do một đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB).

Đến nay, các chủ đầu tư vẫn chưa xác định ai chịu trách nhiệm trong chuyện này.

“Liên khúc” đê biển, cầu cảng sập

Tháng 11, chúng tôi ra vịnh Đà Nẵng tiếp cận hiện trường khu vực cầu cảng Tổng kho sản phẩm dầu khí Đà Nẵng bị sập đêm 8/9/2012. Mọi hoạt động tại khu vực xây dựng công trình này đã ngưng trệ, hàng trăm cọc bêtông xiêu vẹo nằm ngổn ngang. Từng mảng bêtông lớn sập xuống nhô lên trên mặt biển để mặc cho sóng biển tấp vào.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (chủ đầu tư), sáng 9/9 cán bộ kỹ thuật thi công kiểm tra phát hiện khối cát phía dưới từ bờ kè vào công trình khoảng 60m bị sụt lún và trượt ra ngoài xa bờ. Độ chênh cao của hai khối trượt khoảng 50cm. Cọc tại vị trí tường kè phân đoạn 1 và 2 bị chuyển hướng ra ngoài xa bờ.

Sàn bêtông của hai phân đoạn này cũng bị chuyển ra xa bờ khoảng 60cm. Kết cấu cọc tại vị trí tiếp nối với dầm ở cầu đệm phân đoạn 1, 2 và 3 có hiện tượng nứt cọc, cách mép dầm 20-50cm, khe nứt rộng 1,5-3m. Riêng cọc tại vị trí cầu chính phân đoạn 1 bị chuyển ra xa bờ 60-80cm. Đến chiều cùng ngày, cầu đệm phân đoạn 1 bị đổ ngã, tiếp theo đó cầu đệm phân đoạn 2 cũng ngã đổ hoàn toàn.

Ngày 28/10/2012, sóng biển đã làm sập hoàn toàn và đẩy dịch tuyến đê biển nối đảo Hòn La với đảo Hòn Cỏ ở Khu kinh tế Hòn La (đã thi công 60% khối lượng tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) thành một hình vòng cung, với điểm dịch xa nhất đến 60m. Khối lượng đá và cấu kiện tetrapod bêtông tiêu sóng nặng 16-25 tấn bị sóng đánh rời và trôi mất hơn 60.000m3. Công trình có tổng vốn đầu tư trên 80 tỉ đồng...

Đê biển, cầu cảng sụp đổ: Ai chịu trách nhiệm - 1

Đê biển nối đảo Hòn Cỏ với Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bị xê dịch thành hình vòng cung - Ảnh: Lam Giang

Trước đó vào cuối tháng 10 đầu tháng 11/2011, nước biển dâng cao cộng với sóng mạnh đã làm nước biển tràn qua đê tạm vào bên trong khu vực đang thi công công trình cơ sở hạ tầng Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh). Lượng nước ập vào quá lớn (khoảng 1.000m3/giờ) nên sau khi nước biển rút, toàn bộ tuyến đê cao 3,5m và dài gần 2km trên biển bị biến dạng, bề mặt đê lún rất sâu, một số đoạn sạt mái và hư hỏng hoàn toàn...

Lỗi tại “ông trời”?

Về vụ sập đê biển ở Trung tâm điện lực Duyên Hải, Ban quản lý dự án nhiệt điện 3 - chủ đầu tư dự án - cho biết chỉ riêng hạng mục đê bao tạm có chi phí lên đến 20 tỉ đồng. Thiệt hại sơ bộ ban đầu ước khoảng một nửa chi phí đầu tư và chi phí khắc phục có thể còn vượt số tiền đầu tư ban đầu. Công trình này đơn vị thiết kế đã tính đến tác động của sóng biển. Theo thiết kế, tần suất mà sóng biển có thể ảnh hưởng đến đê là 20 năm mới xảy ra một lần, nhưng không ngờ nước biển cao, sóng mạnh quá mức tính toán.

Công trình kè biển, đê chắn sóng sập liên tục là bất thường

Đó là nhận định của một chuyên gia tư vấn thiết kế cảng - công trình biển. Theo vị này, vai trò của đơn vị tư vấn thiết kế rất quan trọng. Đơn vị tư vấn thiết kế cần lường hết khả năng xuất hiện các yếu tố bất lợi về địa chất công trình, địa chất thủy văn, khí tượng, tải trọng thi công, các tải trọng trong quá trình vận hành... Đồng thời, tư vấn phải cảnh báo các khả năng về động đất, nước dâng, gió bão hoặc sóng bão vượt quá giá trị theo tiêu chuẩn đã quy định hoặc vượt quá cấp độ mà chủ đầu tư quyết định chọn thiết kế.

Ngọc Ẩn

Sự cố sập cầu cảng Tổng kho sản phẩm dầu khí Đà Nẵng khi đang thi công gây thiệt hại 32 tỉ đồng đang rơi vào im lặng, chưa ai đứng ra chịu trách nhiệm. Sau hơn hai tháng xảy ra sự cố, các đơn vị liên quan vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng nguyên nhân vì sao sập.

Theo ông Nguyễn Đình Phước - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Trung (nhà thầu thi công), hiện nay vẫn chưa đánh giá được nguyên nhân cuối cùng nên chưa biết ai sẽ chịu trách nhiệm. Còn tại thời điểm sập cầu cảng, ông Trần Trọng Hữu, tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc, cho biết theo đánh giá sơ bộ, do mưa kéo dài từ ngày 4 đến 9/9 dẫn đến nước ngấm vào trong cát gây sụp đổ...

Còn sự cố sập đê biển ở Quảng Bình, ông Trần Thanh Chương, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình - chủ đầu tư công trình, cho biết công trình đang trong giai đoạn thi công và đến thời điểm này vẫn chưa thể xác định đê sập do tư vấn thiết kế hay thi công. Tuy nhiên theo ông Chương, thời điểm đê bị sập khu vực có sóng biển rất dữ dội, khoảng cách giữa hai đảo Hòn La và Hòn Cỏ hẹp nên sóng dồn vào đó như một cái phễu, đê khó chịu nổi sức mạnh này của sóng...

Theo ông Nguyễn Văn Công - thứ trưởng Bộ GTVT, đối với ba công trình xảy ra sự cố do CMB thiết kế, cần phải xác định được nguyên nhân xảy ra sự cố mới có cơ sở kết luận trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công hay các yếu tố khách quan khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ẩn - Hữu Khá - Lam Giang (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN