Đề án giãn dân phố cổ: Vì sao sau gần 1 thập kỉ vẫn chưa hoàn thành?

Sự kiện: Thời sự

Đề án giãn dân phố cổ sang KĐT Việt Hưng (Long Biên) sau gần 10 năm được phê duyệt, triển khai vẫn “ngủ đông”, chưa thể hoàn thành.

Từ năm 1998, UBND TP.Hà Nội đã đặt ra chủ trương di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 832 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha, mục tiêu thực hiện đến năm 2020. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người. Đến tháng 1/2013, đề án giãn dân phố cổ mới chính thức được phê duyệt.

Cuộc sống chật chội của người dân ở phố 61 Cửa Đông phường Hàng Bồ (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Cuộc sống chật chội của người dân ở phố 61 Cửa Đông phường Hàng Bồ (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Theo đó, đề án giãn dân phố cổ được thực hiện thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 trên khu đất có diện tích 11,12 ha tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên để nghiên cứu di dời khoảng 1.153 hộ dân bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016.

Giai đoạn 2 đề nghị TP bố trí khoảng 30 ha để di dời 5.020 hộ dân sau khi dự án giai đoạn 1 kết thúc. Việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020.

Đến giữa năm 2019, đề án giãn dân phố cổ được tái khởi động lại sau nhiều năm "bất động".

Để tìm hiểu về 2 giai đoạn đề án giãn dân phố cổ, di dời người dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng giờ ra sao, PV đã có cuộc trao đổi với đại diện Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội.

Ông Đặng Đình Bằng Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, đến nay, dự án nhà ở giãn dân phố cổ vẫn đang trong quá trình thực hiện giai đoạn 1.

Một số hạng mục như nhà trẻ mẫu giáo, di chuyển trạm biến áp N19 đã hoàn thành xong.

“Dự án nhà ở giãn dân phố cổ vẫn chưa xây dựng nên việc di dời người dân sang KĐT Việt Hưng (Long Biên) chưa thực hiện được. Dự án này do BQL đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm thực hiện”, ông Bằng nói.

Theo ông Bằng, BQL Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức di chuyển các hộ dân ra khỏi phố cổ.

“Có 2 đối tượng thuộc diện di dời, gồm đối tượng bắt buộc là cư dân sống ở khu vực di tích, trường học... Đối tượng thứ hai là thực hiện giãn dân tự nguyện, cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp, có diện tích dưới 5m2”, ông Bằng cho hay.

Theo ông Bằng, đến nay, cả 2 đối tượng trên đều có những khó khăn trong rà soát, thực hiện.

Cụ thể, đối với diện bắt buộc nằm trong các di tích, quản lý công sản thì việc xác định ranh giới rất khó. Bởi số lượng di tích trong quận Hoàn Kiếm tương đối nhiều (190 di tích) nhưng việc xác định khoanh vùng, bảo vệ di tích hiện nay số lượng lại rất ít. Cần phải xác định rõ phạm vi bảo vệ di tích đến đâu mới có thể thống kê được số hộ dân di dời.

Bên cạnh đó, có những di tích có tên trong danh mục quản lý nhưng khi kiểm tra thực tế lại không còn dấu tích, nên việc giải quyết cũng gặp khó khăn, liệu những hộ dân ở đây có phải di dời hay không? Do đó, cần phải xác định rõ ranh giới tồn tại hiện hữu của di tích để áp dụng.

Đối với diện tự nguyện, các phường đều cơ bản đã có thống kê nhưng có nhiều lý do khiến người dân chưa mặn mà với di dời. Chính sách tái định cư, trước đây thành phố áp dụng chính sách như nhà ở xã hội nhưng gần đây lại là nhà ở thương mại phục vụ tái định cư. Do đó, không khuyến khích được người dân tham gia; thứ 2 là kế sinh nhai.

Ông Bằng cũng cho biết, BQL Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã phối hợp với phường có liên quan rà soát, thống kê số lượng. Cho đến thời điểm hiện nay có khoảng hơn 470 hộ dân bắt buộc, còn gần 4.000 hộ dân tự nguyện.

“Song song với việc triển khai thực hiện đề án giãn dân phố cổ, quận triển khai dự án, tu bổ, tôn tạo di tích, cải tạo, xây dựng trường học…”, ông Bằng nói.

Tối 25/3, trao đổi với PV, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khẳng định TP.Hà Nội đã có quyết định phê duyệt chỉ có KĐT Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) là nơi tái định cư của người dân sau khi di dời khỏi phố cổ và dự án này chưa xây dựng. Còn khu chung cư ở phường Thượng Thanh không phải là khu nhà thuộc đề án giãn dân phố cổ.

Sau gần 10 năm đề án giãn dân phố cổ được phê duyệt, Hà Nội tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung đề án giãn dân phố cổ nhưng không đưa ra được mốc thời gian thực hiện cụ thể.

Đến cuối năm 2020 là thời điểm kết thúc giai đoạn 2 của đề án, thế nhưng khu nhà ở dành cho giãn dân phố cổ tại KĐT Việt Hưng đề ra trong giai đoạn 1 vẫn chưa được khởi công.

Đến ngày 22/3, Hà Nội tiếp tục công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Trong đó, có việc giảm dân số ở khu vực nội đô khoảng trên 215.000 người.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội quy hoạch 4 quận nội đô lịch sử, 215.000 người cùng hàng chục cơ quan di dời

Hà Nội sáng 22-3 đã công bố Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN