Đấu giá biển số xe: Đề xuất giá khởi điểm ở TP.HCM và Hà Nội là 40 triệu đồng

Sự kiện: Thời sự

Theo đề xuất, người trúng đấu giá được gắn biển số vào phương tiện giao thông; khi chuyển nhượng xe được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác...

Theo dự kiến, ngày 22-9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, liên quan đến thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Theo đề xuất, giá khởi điểm cho mỗi biển số ô tô tại TP.HCM và Hà Nội là 40 triệu đồng, các tỉnh thành còn lại là 20 triệu đồng. Ảnh minh họa

Theo đề xuất, giá khởi điểm cho mỗi biển số ô tô tại TP.HCM và Hà Nội là 40 triệu đồng, các tỉnh thành còn lại là 20 triệu đồng. Ảnh minh họa

Theo tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng thí điểm đấu giá biển số nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng “biển số đẹp” theo quan niệm của từng người sử dụng; ngăn ngừa hành vi trục lợi từ việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô; xác lập quyền sử dụng của biển số ô tô; tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong cấp và sử dụng biển số ô tô; đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký, nhưng được dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm (tuỳ thuộc vào đặc điểm tình hình của mỗi địa phương để địa phương quy định thời gian đấu giá).

Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá.

Không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá được tính theo công thức tính chung, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả trường hợp đấu giá. Cụ thể: vùng 1 (gồm Hà Nội, TPHCM) là 40 triệu đồng, vùng 2 (gồm các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng.

Người trúng đấu giá được gắn biển số vào phương tiện giao thông; khi chuyển nhượng xe được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Tuy vậy, người trúng đấu giá không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải thực hiện việc đăng ký biến số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký xe thì sẽ bị thu hồi.

Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biến số theo xe) nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biến số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Nguồn: [Link nguồn]

Đấu giá biển số xe, tiền thu được đưa về đâu?

Bộ Công an đề xuất đấu giá biển số xe, cũng như phương án sử dụng số tiền thu được từ việc này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TUYẾN PHAN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN