Đằng sau “mắt thần” giúp CSGT phát hiện điểm ùn tắc

Camera theo dõi giao thông giúp cảnh sát giao thông Hà Nội biết được các điểm "nóng" ùn ắc, xử phạt các phương tiện vi phạm, bắt được chủ xe gây tai nạn bỏ chạy...

Ngày 8.10, Thủ đô Hà Nội hứng chịu một trận mưa lớn, trùng giờ cao điểm nên một số tuyến đường ùn tắc hơn 2 giờ đồng hồ. Điều đáng nói, cảnh tắc đường ở một số tuyến đường Nguyễn Trãi; đường Xuân Thủy; Lê Văn Lương, Minh Khai... thường xuyên xảy ra trong thời gian gần đây.

Đằng sau “mắt thần” giúp CSGT phát hiện điểm ùn tắc - 1

Ngày 8.10, trời mư lớn, tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), các phương tiện ùn ứ, nhích từng centimet. Ảnh: Cường Celano

Camera phát hiện chủ phương tiện gây tai nạn bỏ chạy

Thiếu tá Phạm Văn Minh, đội phó đội chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng cảnh sát giao thông (Công an TP. Hà Nội) cho biết, nguyên nhân dẫn đến ùn tắc là do vào giờ cao điểm, mật độ các phương tiện tham gia giao thông dày đặc.

Trong khi đó, trên các tuyến đường trên có nhiều công trình giao thông đang thi công, lòng đường bị thu hẹp nên các phương tiện di chuyển khó khăn, ùn ứ. Thêm nữa, một phần ý thức của người dân chưa tốt, hay vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, dừng đỗ sai quy định...

“Đặc biệt, tại tuyến đường Nguyễn Trãi, nơi có công trình đường sắt trên cao đang thi công dở, lòng đường thu hẹp. Do vậy, chỉ cần 2 hoặc 3 chiếc ô tô lớn chạy song song nhau hoặc ô tô chết máy là có thể gây tắc đường”, thiếu tá Minh nói.

Thiếu tá Minh cho biết thêm, hằng ngày, tại khu vực đường Nguyễn Trãi thường xảy ra ùn ứ các phương tiện. Ngày cao điểm, một ngày, các chiến sĩ của trung tâm đèn tín hiệu thông báo tới 5 lần cho đội CSGT thông số 7 biết về tình hình ùn ứ phương tiện, va chạm giao thông, ô tô chết máy. Ngày thường cũng thông báo ít nhất từ 1-2 lần tới đội cảnh sát giao thông.

Đội đội phó đội chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu giao thông kể rằng, qua theo dõi camera giao thông, ngoài việc chứng kiến cảnh tắc đường, anh còn thường xuyên chứng kiến cảnh tai nạn thương tâm, lái xe gây tai nạn xong bỏ chạy.

Đằng sau “mắt thần” giúp CSGT phát hiện điểm ùn tắc - 2

Đằng sau “mắt thần” giúp CSGT phát hiện điểm ùn tắc - 3

Trung tâm đèn tín hiệu giao thông Hà Nội. Hiện tại toàn thành phố có 388 camera theo dõi giao thông

“Năm 2014, một lần tôi trực, theo dõi camera giao thông tại nút ngã tư Điện Biên Phủ - Cửa Nam. Đang lúc nhìn màn hình thấy một phụ nữ bất ngờ bị quấn vào gần xe ô tô 7 chỗ và tử vong sau đó. Nguyên nhân do người phụ nữ đi quá sát xe ô tô, không quan sát. Khi chứng kiến cảnh tai nạn như vậy, tôi không khỏi xót xa, đau lòng”, thiếu ta Minh chia sẻ.

Một vụ khác trong năm 2015, cách đây khoảng 3 tháng, cơ quan cảnh sát điều tra quận Hoàng mai có thông báo tới đội thông tin có một chiếc xe tô gây tai nạn, bỏ chạy và có nhờ đơn vị kiểm tra camera, truy tìm chiếc xe. Ngay sau đó, đơn vị  đưa biển số xe gây tai nạn vào dữ liệu của hệ thống rà soát .

“Chỉ ít phút sau, hệ thống camera phát hiện ra xe ô tô gây tai nạn đang lưu thông đến ngã tư La Thành – Giảng Võ. Khi đó, chúng tôi đã lập tức thông báo cho cảnh sát giao thông đội 3 ra tạm giữ chiếc xe. Lái xe ô tô sau đó đã thừa nhận việc gây tai nạn, bỏ chạy”, thiếu tá Minh kể lại.

Sắp xử phạt “nguội” phương tiện vi phạm

Thiếu tá Minh cho hay, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 388 camera theo dõi giao thông, trong đó có 88 camera có độ phân dải cao (có thể zoom xa khoảng 200-300m) phục vụ việc xử phạt người vi phạm giao thông. Từ tháng 3.2015 đến nay, xử phạt gần 1.500 trường hợp vi phạm giao thông thông qua hệ thống camera.

Đằng sau “mắt thần” giúp CSGT phát hiện điểm ùn tắc - 4

Chiến sĩ gọi bộ đàm thông báo cho đội cảnh sát giao thông các tuyến đường ùn tắc phương tiện

Trong quá trình quan sát camera, các chiến sĩ phát hiện tuyến đường nào ùn ứ phương tiện, va chạm giao thông hoặc xe chết máy sẽ thông báo bằng bộ đàm đến đội cảnh sát giao thông. Ít phút sau, CSGT sẽ có mặt giải quyết vụ việc hay điều tiết giao thông.

Trong trường hợp, chiến sĩ phát hiện phương tiện vi phạm, sẽ lưu giữ hình ảnh lại. Sau đó, thông báo tới các đội cảnh sát giao thông ở tại các chốt gần đó ra tín hiệu để dừng phương tiện, cung cấp hình ảnh cụ thể cho người bị dừng xe biết mình đã vi phạm những lỗi gì.

Trường hợp phạt “nguội”, camera sẽ chụp lại hình ảnh xe vi phạm, sau đó sẽ truy ra chủ phương tiện từ biển số xe. Từ đó, CSGT có thể sẽ gửi giấy thông báo, mời người điều khiển xe đến xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, theo thiếu tá Minh, hiện nay, đơn vị mới phối hợp các đội cảnh sát giao thông xử phạt tại chỗ các phương tiện vi phạm thông qua camera. Đội chưa thực hiện việc phạt “nguội” phương tiện vì còn một số vướng mắc.

“Khó khăn lớn đối với việc phạt “nguội” hiện nay là có nhiều người mua xe trao tay qua nhiều đời chủ. Chính vì vậy, khi phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng khó xác định được người vi phạm thực. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất lên phòng CSGT Hà Nội thực hiện việc phạt nguội đối với chủ phương tiện vi phạm”, thiếu tá Minh nói.

Đội đội phó đội chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu giao thông cho rằng, hiện nay, số lượng camera còn hạn chế, chưa bao quát hết được tình hình giao thông Hà Nội. Tại một số khu vực đường vành đai dẫn vào Thủ đô, trường học, bệnh viện vẫn còn chưa có hệ thống camera. Trong khi đó, tại những khu vực này, vào giờ tan tầm, mật độ phương tiện đông, rất dễ xảy ra ùn ứ phương tiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN