Đặc công Việt phô diễn ở xứ người

Sự kiện: Thời sự

Trong thời chiến, đặc công Việt Nam luôn là ẩn số với những trận đánh kinh thiên động địa, còn thời bình thì sao? Câu hỏi ấy đã được trả lời bằng việc các chiến sỹ đặc công so tài đầy ấn tượng với lực lượng đặc nhiệm của các nước bạn ngay trong đợt Diễn tập Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Singapore vừa qua.

Đặc công Việt phô diễn ở xứ người - 1

Quang cảnh 1 buổi tập luyện của lực lượng đặc công, đặc nhiệm các nước tham gia ADMM+. Ảnh: Nguyễn Hòa

Vừa đặt chân xuống sân bay nước bạn cả đoàn đã có chung cảm nhận, sân và đường đẹp như công viên. Cảm nhận đó càng được củng cố khi về doanh trại. Doanh trại sạch và đẹp, được phân khoa theo khu chức năng rất khoa học, và chính quy.

Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Hoài Vũ, giảng viên ngoại ngữ Trường Sỹ quan đặc công, là thành viên trong đoàn cho biết: “Lực lượng hậu cần giúp các đoàn hết sức tối đa. Gọi bất cứ lúc nào khi cần nước uống, cà phê hay nhu yếu phẩm khác. Máy giặt, máy sấy giá mỗi lần sử dụng là 1 đô la Singapore, riêng đối với khách thì được miễn phí. Có 1 liên lạc viên người Singapore phục vụ đoàn nước ta vô điều kiện…”.

Lần đầu tiên được bước chân ra khỏi biên giới để đến một đất nước xa lạ thực hiện nhiệm vụ diễn tập, thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Dũng, chiến đấu viên (CĐV) đã cảm nhận và học hỏi được nhiều điều về đất nước và con người nơi đây. Anh cho biết: “Những người lính Singapore họ luyện tập bắn súng chỉ cần một mặt bia và một tấm bìa carton là cũng có thể làm bia bắn được. Hoặc khi bắn xong tất cả những người lính ở tổ đó đều cùng nhau nhặt vỏ đạn mang về bàn giao để tái chế và dọn sạch rác nơi luyện tập”.

Gian nan tập luyện

Trước khi tham gia diễn tập ADMM+, các CĐV đã được tập trung luyện tập trong nước một thời gian ngắn tại Lữ đoàn 113. Đến Singapore, đoàn của ta tiếp tục luyện tập 6 ngày để làm quen với vũ khí trang bị (VKTB) mới và môi trường địa hình, thời tiết khí hậu, nhất là luyện tập để phối hợp, hiệp đồng ăn ý cùng với đoàn của các nước khác. Tham gia lực lượng CKB tại ADMM+, đoàn Việt Nam gồm 9 thành viên được chia thành 2 nhóm: Nhóm chỉ huy tham mưu tác chiến, lập kế hoạch gồm 3 người; nhóm đột kích gồm 6 người. Các CĐV được tuyển chọn từ nhà trường và các lữ đoàn đặc công phía Bắc.

Vừa tham gia tập luyện, các CĐV vừa quan sát để giao lưu, học hỏi trong mỗi lần phối hợp, hiệp động với các đoàn bạn. Qua đó, các CĐV đã rút kinh nghiệm để khi diễn tập đạt kết quả cao nhất. Phương pháp tiếp cận mục tiêu của lực lượng CKB của các quốc gia khá là giống nhau. Khi có chung cảm nhận phối hợp, hiệp đồng trong luyện tập, các thành viên đoàn bạn và ta thường giơ ngón tay ra hiệu với nhau “the same” (giống nhau). Vì mỗi đội tập luyện ở 1 tầng khác nhau trong tòa nhà nên sự quan sát chủ yếu ở bề ngoài, tuy nhiên là người trong nghề nên các CĐV đều có thể “nhìn” thấy sự giống và khác nhau của từng nước.

Đặc công Việt phô diễn ở xứ người - 2

Tổ đột kích gồm 6 CĐV của đoàn Việt Nam tham gia diễn tập tại Singapore. Ảnh: Nguyễn Hòa

Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Trọng Tuấn bật mí: “Nói chung trình độ kỹ chiến thuật và khả năng mang vác VKTB của các đoàn các nước bạn cơ bản tốt, tính cơ động cao và trang bị gọn gàng, thân hình cao lớn và có thể lực tốt. Cách đánh cơ bản đồng loạt, tập kích nhanh theo nhiều hướng vào mục tiêu. Mặc dù các CĐV của ta có thân hình nhỏ hơn nhưng kỹ thuật cơ động của ta nhanh nhẹn, chiến thuật của ta hiệp đồng tốt. Dù thời tiết khí hậu, môi trường, nếp sống, chế độ, thao trường khác so với Việt Nam nhưng bằng ý chí, nghị lực, bản lĩnh và sự đoàn kết quyết tâm cao, các CĐV và toàn đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ lần này”.

Nhận xét về “phong độ” của đơn vị các nước bạn tham gia diễn tập lần này, thượng úy Hoàng Đức Chung cho biết: “Trong công tác chuẩn bị chiến đấu của đơn vị bạn giống Việt Nam, tập trung đầy đủ các nội dung về địch, về ta và các vấn đề có liên quan như đơn vị bạn, địa phương, địa hình, thời tiết khí hậu, … Cung cấp các thông tin về địch theo từng giai đoạn hay việc tổ chức bố trí đội hình cơ động theo các tuyến cũng giống như kế hoạch của lực lượng đặc công Việt Nam. Có khu tập kết, vị trí tạm dừng, vị trí chuẩn bị tiến công”.

Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Hoài Vũ tâm sự: “Về mặt chuyên môn, chúng ta phát huy khả năng ngoại ngữ để cùng lên kế hoạch huấn luyện và kế hoạch diễn tập, kế hoạch chiến đấu phối kết hợp với các lực lượng của các quốc gia khác đạt kết quả tốt, được bạn bè các nước trong đợt diễn tập đánh giá cao”.

Được tham gia diễn tập lần này, trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Thành cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Anh cho biết: “Đây là cơ hội để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm chiến đấu cũng như các chế độ sinh hoạt của lực lượng đặc nhiệm các nước. Đồng thời được tiếp xúc với các loại VKTB hiện đại, sát thực tế, hiệu quả chiến đấu cao như súng bắn sơn; cách tổ chức huấn luyện và các hoạt động ngoại khóa mang tính phối hợp nhóm cao… Thượng úy Hoàng Văn Chung cho biết thêm: “Kỹ chiến thuật của các nước bạn sát thực tế do được huấn luyện đối kháng với các lực lượng “quân xanh”, “quân đỏ” bằng đạn sơn. Tổ chức chuẩn bị chiến đấu, xây dựng kế hoạch bằng vệ tinh, không gian 3 chiều, cập nhật hình ảnh trực tiếp qua internet, giao nhiệm vụ cụ thể theo sơ đồ in mặt cắt, mô hình mục tiêu. Trang thiết bị hiện đại bằng các hệ thống xe thang, máy bay đổ bộ tham gia diễn tập. Hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng các nước bằng các loại trang bị hiện đại như đèn sáng…”.

Diễn tập khép lại, tình bạn mở ra

13 đội  đặc công, đặc nhiệm các nước ADMM+ đã tiến hành nội dung cuối cùng của Diễn tập thực địa ADMM+ về an ninh hàng hải và CKB 2016. Cuộc diễn tập diễn ra tại Trung tâm huấn luyện đặc nhiệm Sarimbun (Singapore), dưới sự chứng kiến của nhiều tướng lĩnh, quan chức quốc phòng các nước tham dự ADMM+.

Kịch bản diễn tập được đưa ra là sau khi vụ cướp tàu hàng tại Brunei đã bị lực lượng đặc công, đặc nhiệm an ninh hàng hải đa quốc gia tiêu diệt, lực lượng đặc nhiệm CKB trên bờ sẽ tiến hành chiến dịch đột kích vào trung tâm của tổ chức khủng bố trên đất liền tại Singapore. Nội dung diễn tập và kịch bản sau khi được các nước thảo luận đều nhất trí cho rằng hình thức chiến thuật trong kịch bản cuộc diễn tập lần này sát thực tế, mức độ khó cao khi có thực binh bắn đối kháng với VKTB đầy đủ, sử dụng đạn màu, không gây sát thương.

Toàn bộ lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia được chia thành 13 nhóm chiến thuật. Riêng đặc nhiệm của nước chủ nhà Singapore sẽ đảm nhiệm hai hướng tấn công từ trực thăng và tàu biển. Ban chỉ đạo diễn tập yêu cầu đoàn Việt Nam sẽ tấn công tầng 1 của tòa nhà có nhóm khủng bố; tầng 2 do đoàn Indonesia đảm trách; tầng 3 và tầng 4 đều do đoàn Thái Lan phụ trách. Theo đó, các lực lượng phải đồng loạt tấn công tất cả các tòa nhà cùng lúc để hạn chế thương vong đến mức tối đa và có hiệu quả cao nhất trong quá trình tấn công mục tiêu.

Đặc công Việt phô diễn ở xứ người - 3

Tổ đột kích đoàn Việt Nam tiếp cận mục tiêu. Ảnh: Nguyễn Hòa

Hài lòng với kết quả diễn tập của đoàn Việt Nam, đại tá Bùi Tiến Dũng cho biết: Kịch bản mà nước chủ nhà Singapore đưa ra rất sát thực tế. Việc bố trí “quân xanh” là những tên khủng bố có những kỹ năng chiến đấu đối kháng mạnh như lực lượng đặc công, đặc nhiệm các nước dự diễn tập cũng giúp tình huống trở nên thật hơn, gay cấn hơn. Qua đó, đòi hỏi lực lượng tham gia diễn tập CKB phải có kỹ năng thuần thục, chiến thuật hợp lý, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, chính xác từ việc chia sẻ thông tin tình báo, lập kế hoạch đến thực hành tác chiến thì mới tiêu diệt được nhóm khủng bố.

“Rehearsal ends to open up a new friendship begins” (tạm dịch: Diễn tập kết thúc mở ra một tình bạn mới). Đó là câu nói của trung sỹ H.Z.Low thuộc lực lượng đặc nhiệm Singapore khi trả lời báo chí sau buổi diễn tập CKB. Ngay sau khi các hoạt động diễn tập kết thúc, các bạn đánh giá cao khả năng của lực lượng đặc công Việt Nam. Nhiều thành viên các đoàn bạn cứ gọi to: “Vietnam! Vietnam!”. Có bạn đưa kỷ niệm chương, có bạn tặng đồng xu khi bắt tay, thậm chí có bạn không kịp có quà thì tháo luôn logo trên áo quân phục đang mặc làm quà tặng cho các thành viên đoàn Việt Nam. Cứ dùng dằng, bịn rịn khi chia tay mặc dù người nói, người nghe câu được, câu mất.

Đại tá Bùi Tiến Dũng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Đặc công khẳng định: Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng đặc công CKB tham dự diễn tập quy mô lớn, đa quốc gia tại nước ngoài. Các CĐV và toàn đoàn đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè các nước, nhất là với lực lượng tác chiến đặc biệt trong đợt diễn tập này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Băng Phương (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN