Cựu quyền Tổng giám đốc SCB nói 'không biết bào chữa gì thêm' khi nghe VKS đề nghị án

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Với mức đề nghị 24-27 năm tù về 3 tội danh, Cựu quyền Tổng giám đốc SCB Trương Khánh Hoàng trình bày, không biết bào chữa gì thêm và chỉ xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Chiều 7-10, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tiếp tục với phần bào chữa của luật sư.

Theo cáo buộc, cựu quyền Tổng giám đốc SCB Trương Khánh Hoàng thực hiện theo chủ trương của bà Trương Mỹ Lan chọn Công ty Setra phát hành trái phiếu, chiếm đoạt số tiền 2.000 tỉ đồng của 2.431 bị hại. Bị cáo Hoàng còn giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép 2,8 tỉ USD và che giấu nguồn gốc 104 ngàn tỉ đồng từ hành vi tham ô tài sản tại SCB.

Không biết bào chữa gì thêm...

Đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Khánh Hoàng 24-27 năm tù về 3 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Bào chữa cho bị cáo Trương Khánh Hoàng, về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, luật sư (LS) cho rằng, bị cáo Hoàng không tham gia soạn thảo các hợp đồng khống để thực hiện việc chuyển tiền. Các hợp đồng khống giữa công ty Việt Nam và công ty nước ngoài đều được bị cáo Nguyễn Phương Anh và Chiu Bing Keung Kenneth lập, bị cáo Hoàng không tham gia.

Bị cáo Trương Khánh Hoàng trong phiên xét xử giai đoạn 1 vụ án. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bị cáo Trương Khánh Hoàng trong phiên xét xử giai đoạn 1 vụ án. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Cạnh đó, bị cáo Hoàng không tư lợi, không hưởng lợi. Việc kí duyệt các lệnh chuyển tiền xuất phát từ việc muốn giúp SCB có thêm doanh thu để trang trải trong thời điểm đang khó khăn tài chính.

Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, LS cho rằng việc phát hành trái phiếu của 4 công ty đều được thực hiện chung một cơ chế với sự tham gia Vạn Thịnh Phát, Công ty chứng khoán Tân Việt và SCB. Bị cáo Hoàng không tham gia xây dựng cơ chế vận hành, phân phối trái phiếu. Thời điểm giữ chức quyền tổng giám đốc, bị cáo Hoàng còn trẻ tuổi và chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ nên việc am hiểu trái phiếu còn hạn chế.

LS đề nghị HĐXX xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ như bị cáo đã thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, làm công ăn lương, không hưởng lợi, gia đình có công cách mạng… Từ đó, cân nhắc cho bị cáo Hoàng mức án thấp nhất dưới khung hình phạt.

Bào chữa bổ sung, bị cáo Trương Khánh Hoàng đồng ý quan điểm bào chữa của luật sư. “Khi nghe mức đề nghị cộng với mức án giai đoạn 1 (18 năm tù về tội tham ô tài sản - PV) thì bị cáo không biết bào chữa gì thêm, chỉ mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt” - bị cáo Hoàng nói.

Cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty SPG xin giảm nhẹ cho cấp dưới

Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty SPG) đã tham gia lập các hợp đồng khống, hoàn tất chuỗi các giao dịch chạy dòng tiền khống tạo lập trái phiếu đã giúp bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu, chiếm đoạt số tiền 30.081 tỉ đồng của 35.824 bị hại.

Bị cáo Phương Anh còn cùng các bị cáo khác giúp sức cho bị cáo Lan che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền 4.607 tỉ đồng từ nguồn tiền tham ô tài sản và tạo lập các hợp đồng khống cho 3 công ty SPG, Blue Pearl, Eastern View để vận chuyển trái phép 91 triệu USD tương đương 2.138 tỉ đồng.

Đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với Nguyễn Phương Anh từ 17-20 năm tù về 3 tội danh. Trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Phương Anh đã bị tuyên 17 năm tù về tội tham ô tài sản và đã có đơn kháng cáo.

Các bị cáo trong phiên xét xử giai đoạn 2 vụ án Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các bị cáo trong phiên xét xử giai đoạn 2 vụ án Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phương Anh, LS cho rằng bị cáo Phương Anh là đồng phạm giúp sức có vai trò thứ cấp và không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại cho vụ án. Bị cáo Phương Anh được giữ chức phó tổng giám đốc nhưng chỉ là chức vụ trên giấy tờ, không được quyết định độc lập. Điều này thể hiện qua việc tại cuộc họp triển khai chủ trương phát hành trái phiếu, chỉ có nhân sự cấp cao của SCB và Vạn Thịnh Phát.

Đối với việc rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bị cáo Phương Anh chỉ nhận chỉ đạo thông qua các bị cáo là nhân sự lãnh đạo SCB như Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Chiu Bing Kenneth.

Việc sử dụng 3 công ty để chuyển tiền ra nước ngoài là do Chiu Bing Kenneth lựa chọn, các hợp đồng đều được soạn sẵn, đã được pháp nhân nước ngoài kí tên trước.

Bị cáo Phương Anh không được hưởng lợi nào ngoài tiền lương theo hợp đồng lao động. Hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn, vợ bị bệnh nặng, mẹ mất sức lao động. Đề nghị HĐXX cân nhắc và giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo còn 11 năm tù về cả 3 tội danh.

Bào chữa bổ sung, bị cáo Phương Anh trình bày, những việc làm của bị cáo dù ở công đoạn, mức độ nào cũng là trách nhiệm của bị cáo. “Hậu quả vụ án quá lớn với bị hại, bị cáo không có lời nào bào chữa cho mình. Bị cáo chỉ xin HĐXX xem xét cho cấp dưới là Phạm Thị Thúy Hằng. Bị cáo này chỉ thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo” - bị cáo Phương Anh nói.

Nguồn: [Link nguồn]

TP HCM - Tự bào chữa, Trương Huệ Vân khóc, nói rất ân hận vì đã ký các tài liệu phát hành trái phiếu "một cách vội vàng, gây hậu quả khủng khiếp".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỮU ĐĂNG ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN