Cục Đường bộ yêu cầu rà soát gói thầu có sự tham gia của Tập đoàn Thuận An
Cục Đường bộ yêu cầu Ban Quản lý dự án 4 làm việc với đại diện Tập đoàn Thuận An để bàn về khả năng tiếp tục tham gia gói thầu cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E qua Quảng Nam.
Cục Đường bộ vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 4 làm việc ngay với đại diện có thẩm quyền của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (thành viên liên danh nhà thầu) về khả năng tiếp tục thực hiện thi công hoàn thành gói thầu XD02 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đoạn Km15+270 - Km89+700, tỉnh Quảng Nam.
Trường hợp không thể tiếp tục triển khai thi công đáp ứng tiến độ của dự án, Ban Quản lý dự án 4 căn cứ quy định của hợp đồng và pháp luật có liên quan đề xuất phương án xử lý phù hợp.
Tập đoàn Thuận An tham gia thi công dự án nâng cấp quốc lộ 14E, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TN
Ban Quản lý dự án 4 cũng được giao phải báo cáo phạm vi, giá trị công việc của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An trong gói thầu XD02, tình hình triển khai thi công đến thời điểm hiện tại.
Báo cáo về các khó khăn, giải pháp xử lý của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An về cơ cấu tổ chức, người đại diện theo pháp luật; khả năng cung cấp vật liệu, huy động máy móc, nhân công, tài chính; đánh giá các tác động, ảnh hưởng đối với công tác triển khai dự án.
Trước đó, ngày 15-4, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An.
C03 cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giữ bị can đối với hàng loạt lãnh đạo của công ty này để điều tra.
Được biết, công ty này tham gia nhiều dự án giao thông trên cả nước. Chẳng hạn, dự án dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu huyện Yên Dũng (Bắc Giang), hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM)…
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đoạn Km15+270 – Km89+700 có tổng mức đầu tư 1.848 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện trong năm năm, từ 2021-2025.
Đây là đường ô tô cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60 km/giờ, đoạn giao cắt đường sắt Bắc – Nam có vận tốc thiết kế 80km/giờ. Quy mô công trình trải dài trên 70 km, bề rộng nền đường 9 m, trong đó mặt đường xe chạy 7 m.
Nguồn: [Link nguồn]
Công ty Thuận An bị đề nghị làm rõ khả năng tiếp tục gói thầu dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát do đơn vị này dừng thi công sau khi lãnh đạo bị bắt.