“Con học trái tuyến như trang sức của bố mẹ”

Có nhiều lý do học trái tuyến, trong đó có cả việc con học trái tuyến như "trang sức" của bố mẹ: Con mình phải học trường đó mới hoành tráng.

Đó là phân tích của các lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 2/7.

Từ ngày 1/7, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu tuyển sinh đầu cấp. Do vậy, các lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nhận được nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề tuyển sinh năm học mới.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phân trần: “Các PV hỏi quan điểm của Sở về thông tin chạy trường, lớp. Chúng tôi rất suy nghĩ, bởi năm nào cũng có vấn đề này”.

Ông Nguyễn Hiệp Thống nói: "Nếu có đầy đủ bằng cớ, hiệu trưởng của trường nào đó nhận tiền, vòi tiền của phụ huynh để nhận học sinh... Xin hãy cho chúng tôi biết. Theo phân cấp cán bộ, chúng tôi sẽ có xử lý".

Vị Phó giám đốc Sở khẳng định, không thể nào cấm được trái tuyến. Bởi trên thực tế có rất nhiều trường hợp phụ huynh có nhà ở quận này nhưng làm việc ở quận khác, nên phải xin cho con học trái tuyến.

Ông Phó giám đốc Sở lấy ví dụ từ chính mình từng xin cho con học trái tuyến: "Nhà tôi ngay cạnh trường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) nhưng xin cho con học ở Hoàn Kiếm vì vợ chồng tôi đều làm ở đây, tiện đón con. Như vậy, trường hợp như trên đây là nhu cầu thực tế, không thể ngăn cấm được".

Trường hợp khác xin cho con học trái tuyến để được học trường có điều kiện, giáo viên tốt hơn; cũng có trường hợp thấy trường ở trong ngõ an ninh không tốt, dân trí không tốt nên xin cho con học trái tuyến... tạo áp lực vừa khó cho tuyển sinh vừa khó cho nhà quản lý.

“Con học trái tuyến như trang sức của bố mẹ” - 1

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, không thể nào cấm được trái tuyến

Có mặt tại buổi giao ban, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng phân tích về nguyên nhân học trái tuyến.

Theo ông Tiến, nếu có nhu cầu trái tuyến, ở một khía cạnh nào đó cũng đáng mừng bởi phụ huynh đã quan tâm đến việc học của con. Họ chọn trường, lớp tốt để con có điều kiện phát triển tốt nhất. Ngoài ra, theo ông Tiến, lý do khác là di dân cơ học. Nếu gia đình chuyển nhà về cạnh trường nhưng chưa có hộ khẩu, xin con học trường gần nhà vẫn là trái tuyến.

“Nhưng ở một khía cạnh khác, con học trái tuyến để làm trang sức sức cho bố mẹ. Con mình phải học trường đó mới hoành tráng chứ không hiểu rằng nếu học ở trường khác cũng không khác nhau lắm”, người được “mệnh danh” là chuyên gia giáo dục tiểu học của Hà Nội nói.

Ông Tiến khẳng định, các tường tiểu học trên địa bàn thành phố không những đạt chuẩn tối thiếu mà còn trên mức.

“Nếu ai có nhu cầu hay không tin điều tôi nói hãy liên hệ với tôi. Chúng ta cùng đến dự một lớp học một trường bất kỳ để chứng minh điều tôi nói” - Ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, khắc phục hiện trạng học trái tuyến, nhiều năm nay, thành phố đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học. Để các trường nâng cao chất lượng, tạo môi trường sư phạm tốt để nâng điều kiện các trường lên như nhau.

Bên cạnh đó, Sở điểu chuyển cán bộ giáo viên từ các trường tốt đến những trường ở các trường ở vùng khó để nâng phong trào giáo dục. Thời gian gần đây, những trường khó khăn, học sinh vào không nhiều nhưng đã có nhiều giáo viên đạt thành tích tốt trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi.

“Như vậy, sự chênh lệch điều kiện giữa các trường đã xích gần lại. Tôi tin rằng, về sau này việc chọn trường sẽ bớt đi”, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN