Cổ vật trong xác tàu đắm có niên đại cổ nhất

Ngày 15/9, Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các chuyên gia khảo cổ đã tiến hành mở niêm phong, kiểm tra số cổ vật trong chiếc tàu đắm ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn vừa tiếp nhận từ cơ quan công an tỉnh.

Qua kiểm tra, các chuyên gia có nhiều cơ sở mới để nhận định rằng số cổ vật này thuộc thế kỷ 14, nguyên nhân đắm tàu là do xảy ra sự cố cháy nổ.

Số cổ vật được kiểm tra gồm hàng chục chiếc bát, đĩa, lư hương, chậu… được cơ quan chức năng thu giữ trước đó. Có chiếc còn lành lặn, có màu men gốm đẹp với hoa văn phong phú như: song ngư, hoa sen, đường vân uốn lượn.

Sau khi tiếp cận thông tin và kiểm tra số cổ vật vừa tiếp nhận, các chuyên gia khảo cổ khẳng định số cổ vật được phát hiện trong chiếc tàu đắm ở xã Bình Châu có niên đại vào thế kỷ 14 thuộc đời nhà Nguyên (Trung Quốc), chứ không phải cuối thế kỷ 14, đầu 15 như nhận định sơ bộ trước đó.

Cổ vật trong xác tàu đắm có niên đại cổ nhất - 1

Một số cổ vật còn nguyên vẹn mà ngư dân đã trục vớt được

Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia cho biết chất liệu men gốm, hoa văn trang trí cho thấy các cơ vật này được sản xuất vào cuối đời nhà Nguyên, có niên đại cổ nhất trong số các cổ vật được khai quật dưới nước ở Việt Nam từ trước đến nay. Hầu hết các cổ vật phát hiện và khai quật ở 5 con tàu đắm trước đó đều có niên đại khoảng thế kỷ 15.

Đặc biệt, trong số cổ vật thu giữ được, có một khối dính liền gồm 11 chậu cổ. Các chuyên gia nhận định rằng đây không phải là sự kết dính bình thường mà là hậu quả của việc tan chảy men gốm ở nhiệt độ cao. Khối kết dính đã hé hộ được nguyên nhân chiếc tàu chứa cổ vật bị đắm là do xảy ra sự cố cháy nổ, hoàn toàn trùng hợp với nguyên nhân đắm của 5 chiếc tàu được khai quật trước đây.

Qua nghiên cứu tìm hiểu, các chuyên gia còn có nhận định khác rằng, vết nứt vỡ của các cổ vật đều rất mới, các cổ vật lại được phát hiện vùi sâu trong cát. Điều này cho thấy, hiện tại toàn bộ thân con tàu đắm được bảo toàn nguyên vẹn sâu dưới lớp cát biển. Nếu khai quật và đưa toàn bộ thân tàu lên khỏi mặt nước an toàn thì sẽ mở ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới về chất liệu gỗ, kỹ thuật đóng tàu và nhiều phương diện khác.

Sự kiện này không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khảo cổ Việt Nam mà còn của các chuyên gia khảo cổ trên thế giới.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia khẳng định: "Chúng tôi chưa có cơ hội nghiên cứu thân các con tàu cổ được khai quật trước đây. Bởi chúng đắm ở vị trí nông nên bị hủy hoại theo thời gian. Riêng với chiếc tàu này, chúng tôi rất hy vọng sẽ có điều kiện nghiên cứu về vỏ tàu và đưa ra làm hiện vật trưng bày. Thân tàu là hiện vật rất quý và rất có thể đây là chiếc tàu cổ đầu tiên ở Việt Nam được khai quật và nghiên cứu một cách đầy đủ nhất."

“Các chuyên gia khảo cổ đang rất quan tâm nghiên cứu đến các chi tiết nhỏ xung quanh số cổ vật bằng gốm và thân tàu, đặc biệt là các đồng tiền xu đi kèm. Bởi, các đồng tiền này sẽ giúp khẳng định chắc chắn hơn nữa về niên đại của số cổ vật cũng như lịch sử của con tàu cổ. Tuy nhiên, do điều kiện khai quật chưa cho phép nên các chuyên gia vẫn chưa tiếp xúc được với các chi tiết này. Hy vọng với sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng với nỗ lực kiểm tra, nghiên cứu của các chuyên gia khảo cổ hàng đầu Việt Nam, chiếc tàu cổ cùng số cổ vật quý giá sẽ sớm được khai quật một cách hợp lý và cung cấp nhiều thông tin quý giá hơn nữa” - Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến cũng cho biết thêm.

Trước mắt, sau khi được kiểm tra và niêm phong chặt chẽ, số cổ vật trên sẽ được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tỉnh Quảng Ngãi để tiếp tục phục vụ cho việc nghiên cứu và gìn giữ giá trị lịch sử quý báu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đinh Thị Hương (TTXVN)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN