Tranh giành cổ vật náo loạn vùng quê

Ngày 10/9, tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), hàng trăm tàu thuyền ngư dân vẫn dày đặc vây quanh chờ cơ hội xâm nhập khu vực tàu đắm lặn tìm cổ vật.

Câu chuyện những người bán cổ vật được cả trăm triệu đồng càng làm không khí sôi lên sùng sục. Mới sáng quang cảnh đã nhộn nhịp, chỉ cách bờ 50m hàng trăm tàu thuyền của lực lượng chức năng lẫn của ngư dân túm tụm trong một vùng biển hẹp. Hàng chục cảnh sát cơ động, CSGT đường thủy và bộ đội biên phòng trên bờ, dưới biển bảo vệ hiện trường. Lực lượng chức năng đã đưa tàu biên phòng, canô vào vị trí tàu bị chìm để canh giữ, thả phao tiêu vây quanh, ngăn chặn tàu thuyền, ngư dân lặn xuống tàu đắm.

Tranh giành cổ vật

Cảnh sát cơ động Nguyễn Khắc Qui cho hay đơn vị phải túc trực cả ngày lẫn đêm để bảo vệ. Anh Qui kể suốt đêm 9 rạng sáng 10/9, dân lặn cổ vật đã nhiều lần áp sát hiện trường bất chấp lệnh cấm, nguy hiểm, tranh giành lặn tìm cổ vật. Nghĩ công an và biên phòng ngủ nên họ bật đèn trên ghe lặn tìm cổ vật, lực lượng phải nổ máy xua thuyền dân ra ngoài. “Sáng 10/9 mưa tầm tã, trời lạnh vẫn có thuyền đến lặn, công an phải đưa canô nhiều lần ngăn chặn” - anh Qui nói.

Tranh giành cổ vật náo loạn vùng quê - 1

Bộ đội biên phòng Bình Sơn (Quảng Ngãi) thu giữ cổ vật do ngư dân trục vớt

Một chiến sĩ biên phòng cho hay trước đó tình hình rất phức tạp khi hàng trăm tàu thuyền với vài trăm người đua tranh lặn tìm cổ vật. Một lượng lớn đồ cổ gồm chén, bát, đĩa, tiền xu... đã được người dân lặn đưa đi cất giấu. Khu vực biển nơi tàu đắm ầm ĩ tiếng máy nổ của tàu thuyền, vừa chực chờ nổ máy di chuyển vừa để vận hành máy cung cấp khí cho thợ lặn, bơm hút cát ra xa. Khi lặn lấy cổ vật, người dân còn dùng xà beng, búa đập bể vô số cổ vật và giành nhau từng cái đĩa cổ, xảy ra xung đột ở dưới biển. Khi lực lượng chức năng can thiệp, người dân còn hăm dọa.

Một CSGT đường thủy kể ngày 9/9, khi bảo vệ tăng cường thì ngư dân lái thuyền đi tạm lánh. Nhưng không ít ngư dân “liều mạng” lặn tìm rồi mang cổ vật chạy thẳng ra biển lẩn trốn, bị lực lượng chức năng truy xét đã tẩu tán cổ vật. Theo ước tính, con tàu bị đắm có bảy buồng cổ vật, xếp ở bốn tầng. Con tàu hiện đã bị dân lặn dùng máy sục cát sâu đến 2m để lấy cổ vật.

60 triệu đồng 1 cái đĩa

Đi vào xóm Tây Đường, thôn Châu Thuận Biển ở đâu cũng thấy người dân bàn tán về cổ vật. Chủ một quán bún kể những ngày trước, dân lặn cổ vật mỗi ngày được một bao, nhiều thì kéo cả xe. “Cò” T. (thôn Định Tân, xã Bình Châu) cho biết các thương lái đồ cổ ở Bình Định, Khánh Hòa, Hà Nội, Đà Nẵng... đã lảng vảng về vùng biển để mua cổ vật, giao dịch rất nhiều, chủ yếu vào ban đêm. Đêm 9/9, ông T.D. (xóm Gành Cả) đã bán một cái đĩa và hai cái tô được 120 triệu đồng. “Cổ vật bị bể họ cũng mua với giá 7.000 đồng/cái. Lặn mấy ngày được một ít nhưng chưa bán cho ai” - ông K., ở xóm Tây Đường, tiết lộ. Ông “chào hàng” hàng trăm tô, đĩa bị sứt bể nằm ở góc sân. Anh Q. kể: “Đồ cổ có giá cao nhất là đĩa sứ loại lớn được một thương lái mua trên 60 triệu đồng. Các đồ cổ khác thấp nhất từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/cái”. Thiếu tá Nguyễn Xuân Sơn - đồn biên phòng xã Bình Hải - xác nhận đồ cổ hiện còn nằm dưới tàu rất nhiều. Trước tình trạng trên, các lực lượng chức năng đã chốt chặn, mặc thường phục ở các ngả đường để kiểm soát, ngăn chặn việc đưa cổ vật ra khỏi địa phương.

Ông Tiêu Viết Thạnh, trưởng Công an xã Bình Châu, cho biết đến nay lực lượng chức năng mới chỉ thu hồi được 20 cổ vật từ người dân. Chiều 10/9, ông Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, cho biết sở đã đề xuất tỉnh khẩn trương khai quật tàu cổ. Ông Vũ nói: “Trước mắt, lực lượng chức năng tiếp tục trông coi tàu chứa cổ vật. UBND tỉnh sẽ trình Bộ VH-TT&DL để bộ cấp phép thăm dò, khai quật”. Ông Vũ cho rằng người dân tự nguyện giao nộp cổ vật thu được thì tùy theo giá trị, số lượng hiện vật, cơ quan chức năng sẽ xem xét khen thưởng theo quy định. Nếu người dân không giao nộp cổ vật thì khi phát hiện sẽ xử lý theo Luật di sản văn hóa. Ông Lê Viết Chữ, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng đã lên đài truyền hình địa phương kêu gọi người dân tự nguyên giao nộp cổ vật cho cơ quan chức năng.

Luật sư Trần Công Ly Tao (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):

Ngư dân nên tự giao nộp cổ vật để nhận thưởng

Có thể thấy việc ngư dân đổ xô đi trục vớt di sản là hành vi vi phạm pháp luật về di sản một phần cũng do nhận thức pháp luật của người dân chưa đầy đủ, nhiều người cứ nghĩ mình may mắn phát hiện tàu chở cổ vật bị chìm đắm nên tự do trục vớt để bán lấy tiền. Theo nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa (và Luật sửa đổi bổ sung) thì tổ chức, cá nhân phát hiện cổ vật, bảo vật quốc gia mà kịp thời thông báo và tự nguyện giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tùy theo giá trị của cổ vật sẽ được xét tặng giấy khen, bằng khen, huy chương và được thưởng.

Mức thưởng đối với người có công phát hiện hoặc tự nguyện giao nộp cổ vật đã được quy định cụ thể tại nghị định 96/2009/NĐ-CP. Theo đó, mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần, cụ thể như sau:

- Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng tỉ lệ trích thưởng là 30%.

- Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng tỉ lệ trích thưởng là 15%.

- Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng tỉ lệ trích thưởng là 7%.

- Phần giá trị của tài sản trên 1 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng tỉ lệ trích thưởng là 1%.

- Phần giá trị của tài sản trên 10 tỉ đồng tỉ lệ trích thưởng là 0,5%.

Mức tiền thưởng cụ thể do cơ quan có thẩm quyền (Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL) quyết định nhưng không vượt quá 200 triệu đồng cho mỗi gói thưởng. Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được chi thưởng và giá trị tài sản tìm thấy có giá trị đặc biệt thì trình Thủ tướng quyết định mức thưởng.

Luật sư Ngô Chí Đan (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Tự trục vớt cổ vật có thể bị xử lý hình sự

Theo nghị định 96/2009/NĐ-CP về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện, tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam thì cổ vật bị chìm đắm được phát hiện thuộc về sở hữu nhà nước. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện tài sản bị chìm đắm có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong vụ việc cổ vật được phát hiện tại vùng biển Quảng Ngãi thì ngư dân có trách nhiệm báo với cảng vụ gần nhất hoặc UBND xã để báo lên UBND tỉnh. Từ đó, UBND tỉnh có trách nhiệm khoanh vùng, bảo vệ và lập các phương án thăm dò, khai thác.

Cũng theo nghị định 96, cá nhân khi phát hiện hoặc ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm nếu không thông báo, không giao nộp tài sản được tìm thấy hoặc tự khai quật, trục vớt tài sản thì không được hưởng các quyền lợi (được khen thưởng theo quy định của pháp luật), mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì việc ngư dân tự ý trục vớt, khai thác cổ vật là vi phạm quy định của Bộ luật dân sự và Luật di sản văn hóa. Điều 70 Luật di sản văn hóa quy định người nào phát hiện được cổ vật mà không tự giác khai báo, cố tình chiếm đoạt hoặc có hành vi gây hư hại, hủy hoại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Cổ vật đó sẽ bị Nhà nước thu hồi.

(C.MAI ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Long - Võ Minh (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN