Có nên nhân rộng mô hình CLB "hiệp sĩ"?

Chừng nào chúng ta còn trông chờ vào những tổ chức không chính thức như vậy thì chứng tỏ xã hội chúng ta vẫn chưa thực sự phát triển.

Xung quanh câu chuyện về các "hiệp sĩ" tại Bình Dương bị Công an triệu tập, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với một số luật sư và chuyên gia Xã hội học.

Mặc dù tất cả đều ủng hộ và đánh giá cao lòng hào hiệp, vì chính nghĩa của các hiệp sĩ nhưng quan điểm pháp lý của các luật sư và chuyên gia xã hội học về vụ việc lại không giống nhau. Ngoài những ý kiến cho rằng các "hiệp sĩ" Bình Dương đã làm đúng, có ý kiến lại cho rằng họ đã vi phạm pháp luật. Mặt khác, có người đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các câu lạc bộ hiệp sĩ và cho rằng không nên nhân rộng mô hình này.

“Hiệp sĩ” Bình Dương đáng được tuyên dương

Theo luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng văn phòng luật sư Trịnh, Hà Nội): Nội dung sự việc diễn ra như báo chí đã nêu trong thời gian qua, theo quan điểm của tôi, các hành vi của 10 “hiệp sĩ” Bình Dương không những không vi phạm pháp luật, mà còn đáng được tuyên dương.

Bởi lẽ, theo vị luật sư này, hành động giúp đỡ ông Lộc trong việc truy hoàn lại tài sản đã bị chiếm đoạt như nội dung các bài báo đã nêu phải được coi là hành vi tích cực theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 Bộ luật Hình Sự - Đó là: mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Hơn nữa, ông Dũng cho rằng, trong sự việc này, các “hiệp sĩ” Bình Dương không hề chiếm giữ bất cứ tài sản nào (chiếc xe ô tô Inova và/hoặc số tiền chuộc 240 triệu nên). Ngoài việc đưa các bên cùng tài sản ra Công an phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP HCM đề đề nghị giải quyết sự việc theo quy định của pháp luật, họ không có bất cứ hành vi nào xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc nhân phẩm của ai.

Để các “hiệp sĩ” được xã hội và pháp luật chính thức công nhận và bảo vệ, theo quan điểm của tôi, các “hiệp sĩ” cần tiến hành thủ tục thành lập CLB hoặc hội “hiệp sĩ” theo các trình tự, thủ tục quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Mọi hoạt động của các “hiệp sĩ” phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích, điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng tình với LS. Trịnh Anh Dũng, LS. Tạ Ngọc Sơn (Giám đốc Công ty luật Kosy, Hà Nội) nhận định, sự việc các hiệp sĩ ở Bình Dương chắc chắn không phạm tội vì theo những thông tin mà báo chí cung cấp về vụ việc thì không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm của tội cưỡng đạt tài sản.

Theo LS này, việc hình thành các tổ chức như vậy là do tự phát từ yêu cầu phòng chống tội phạm của nhân dân cần được nhân rộng, tuy nhiên vấn đề cấp thiết đặt ra là phải xây dựng được hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động của các tổ chức như thế.

CLB “hiệp sĩ” hoạt động có hợp pháp?

Trái với ý kiến của hai vị luật sư trên, LS. Hà Huy Phong (Giám đốc điều hành Công ty Luật Intecocho, Hà Nội) cho rằng, không thể nói là hành vi đó của các thành viên Đội phòng chống tội phạm là đúng pháp luật, vì không có quy định pháp luật nào quy định cụ thể về vấn đề này. Cụ thể là không có quy định pháp luật nào hiện nay quy định về hiệp sỹ, cũng như quyền hạn và nhiệm vụ của những người đó.

"Tôi cũng chưa thấy có bất kỳ cơ sở pháp lý nào về việc lập ra và hoạt động của Đội Phòng chống tội phạm", LS. Phong nói - "Đó là một hoạt động tự phát của thực tế, mà bản chất là tập hợp một số công dân có tinh thần trách nhiệm cao vào phục vụ cộng đồng."

Có nên nhân rộng mô hình CLB "hiệp sĩ"? - 1

LS. Hà Huy Phong

Như vậy, do không được bảo vệ bởi tính hợp pháp của tổ chức mà họ đang thực hiện, nên chúng ta xem xét hành vi của những người đó với tư cách là các cá nhân, công dân bình thường.

Trong trường hợp này, LS. Phong cho rằng, các hiệp sỹ đã xâm phạm vào quyền tự do đi lại của người khác, vi phạm vào quy định tại Điều 48 Bộ Luật Dân sự. Đó là: “cá nhân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú. Quyền tự do đi lại, tự do cư trú của cá nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định".

"Tôi cũng xin lưu ý rằng, do xác định quan hệ giữa anh Lộc và anh Hiệp là quan hệ dân sự, nên không thể coi hành vi của các hiệp sỹ là bắt người phạm tội quả tang theo quy định tại Điều 81 Bộ luật Tố tụng Hình sự" - LS. Phong cho hay.

Về tính pháp lý của CLB hiệp sĩ, LS. Phong cho rằng, ông chưa thấy có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc thành lập và hoạt động của các CLB này.

Còn nếu xét ở tính chất một tổ chức xã hội, chúng ta có Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Tuy nhiên, do thủ tục phức tạp, yêu cầu khắt khe nên có ít tổ chức được thành lập theo quy định tại văn bản này.

LS. Phong đặt câu hỏi, CLB Phòng, chống tội phạm phường Phú Hòa (Bình Dương) là do ai lập ra? Nếu là do chính quyền phường lập thì không hiểu là lấy cơ sở nào? Bởi theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP, thì chính quyền cấp phường không phải là cơ quan có thẩm quyền để cho phép lập hội. Phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn xã hội, toàn dân. Tuy nhiên, nếu là tổ chức, thì đó phải là cơ quan Nhà nước, như là cơ quan công an, Toà án, viện kiểm sát….., vì đó là chính là hoạt động tư pháp. Nói xã hội tham gia, toàn dân tham gia tức là nói đến trách nhiệm của mỗi công dân.

Cuối cùng, theo LS. Hà Huy Phong, nhiều khi chúng ta muốn làm điều gì đó tốt cho xã hội, nhưng không hẳn đã làm được, bởi còn thiếu cơ sở pháp lý cho sự hình thành của tổ chức. Do đó, theo ông, những hiệp sỹ này nên đóng góp cho xã hội dưới hình thức tinh thần của một công dân, mọi hoạt động và hành vi đều nên nhân danh tư cách của một công dân. Pháp luật không những không cấm, mà còn khuyến khích các công dân dùng hết khả năng, năng lực của mình để đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

"Việc làm như trên, vô tình đã đẩy chính các công dân sống có tinh thần trách nhiệm cao vào một nơi nguy hiểm, làm sai lệch nhận thức của các thành viên và nhân dân" - LS. Phong kết luận.

Không thể trông chờ vào hiệp sĩ?

Theo PGS.TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học), trước tiên, cần phải tôn vinh, đánh giá cao tinh thần nghĩa hiệp của những "hiệp sĩ" thời nay vì đã chung tay xây dựng cộng đồng, làm đẹp xã hội.

Nhưng TS. Bình cho rằng, đã tinh thần nghĩa hiệp là do tự nguyện. Do vậy chúng ta phải lưu tâm, khích lệ, tưởng thưởng xứng đáng, cộng đồng có thể tôn vinh, bao bọc, chứ không thể nhân rộng những mô hình hội nhóm hay CLB như vậy.

TS. Bình cắt nghĩa, bởi khi người ta thành lập hội để hoạt động thì phải đặt ra vấn đề quản lý. Đây lại là cả một câu chuyện bởi kéo theo đó là chuyện đãi ngộ, thù lao... Mà nói đến việc đãi ngộ là không ổn. Nhân dân đã đóng rất nhiều loại tiền cho Nhà nước để vận hành những bộ máy thực hiện nhiệm vụ đó, không lẽ lại tiếp tục đóng thêm khoản tiền nữa để duy trì sự hoạt động của các hội nhóm này?

Về nguyên tắc, chúng ta có thể đặt câu hỏi, nếu xảy ra chuyện đãi ngộ, vậy hệ thống cơ quan chức năng to lớn, hùng mạnh được thành lập ra để làm gì?

TS. Bình đặt ra vấn đề, các cơ quan chức năng sinh ra để thực hiện những nhiệm vụ đó mà họ không làm hết việc (có thể do xã hội phức tạp). Vậy nếu chuyển việc cho người khác, thì có chuyển tiền từ các cơ quan đó sang để đãi ngộ cho những người này không, khi mà đội ngũ trong thể chế chính thức giữ nhiệm vụ đảm bảo an ninh xã hội ngày đang phình to?

Có nên nhân rộng mô hình CLB "hiệp sĩ"? - 2

TS. Trịnh Hòa Bình

"Đó không phải là mô hình mà chúng ta đòi hỏi sự nhân rộng!" - TS. Bình khẳng định.

Mặt khác, nhà xã hội học này cho biết, đó chỉ là những thiết chế không chính thức, có tính chất lỏng lẻo. Họ chỉ là vì nghĩa mà làm. Còn một xã hội phát triển hiện đại phải vận hành dựa theo luật pháp, quy chuẩn xã hội.

Đương nhiên, TS. Bình thừa nhận, những gì các "hiệp sĩ" thể hiện chính là hướng tới những chuẩn mực về những giá trị "chân, thiện, mỹ". Nhưng chúng ta không thể luật hóa hình thức đó.

Theo ông Bình, từ những câu chuyện đó, chúng ta đặt ra vấn đề, những tổ chức chính thức, cơ quan chức năng cần phải vươn lên làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Chứ chúng ta không thể trông chờ vào những tổ chức không chính thức thay vì các tổ chức chính thức.

"Chừng nào chúng ta còn trông chờ vào những tổ chức không chính thức như vậy thì chứng tỏ xã hội chúng ta vẫn chưa thực sự phát triển" - TS. Trịnh Hòa Bình nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN