Cô gái xinh đẹp 19 tuổi trong hình hài đứa trẻ lên 3
Dù đã 19 tuổi, nhưng Võ Thị Thu Thảo trông chẳng khác nào đứa trẻ lên 3. Với chiều cao 1,04m, nặng chưa đầy 17kg, em trở thành một trong những thí sinh đặc biệt của mùa thi đại học năm nay.
Và đặc biệt hơn, với sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn và thiệt thòi, "cô bé hạt tiêu" này đã trở thành tân sinh viên ngành Tâm lý học trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM) với tổng điểm 3 môn khối D là 19,75 điểm.
Thiếu nữ xinh xắn trong hình hài đứa trẻ lên 3
Võ Thị Thu Thảo (ngụ thôn Lộc Phước, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) là một trong những thí sinh đặc biệt của mùa thi đại học năm 2014, được gọi là "thiên thần hạt tiêu" bởi thân hình bé nhỏ, gương mặt trẻ con và trong sáng. Lúc đi thi, Thảo trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Ai cũng tưởng Thảo là trẻ đi lạc đường, chứ không phải là một thí sinh dự thi đại học. Thảo kể lại: "Lúc em bước vào cổng trường thi, bị mấy chú bảo vệ giữ lại và bảo "đây là chỗ mấy anh chị thi đại học, con không được vào". Sau đó em phải giải thích, xuất trình chứng minh thư nhân dân và thẻ dự thi thì mới được vào".
Bà Đỗ Thị Đào (53 tuổi), mẹ của Thảo, nghẹn ngào tâm sự: "Thảo bị sinh non lúc mới 7 tháng, 13 ngày. Lúc sinh ra, Thảo chỉ nặng 8 lạng và phải nằm trong lồng kính suốt 3 năm trời. Lúc mang thai Thảo, vì hoàn cảnh khó khăn, nên tôi không đi thăm khám gì. Mấy tháng đầu tôi cứ tưởng mình bị ốm và cảm cúm bình thường, nên mua thuốc về uống và vẫn lao động nặng nhọc nên ảnh hưởng nhiều tới con".
Lúc Thảo 3 tuổi, thấy con không phát triển nên gia đình tất tả vay mượn ngược xuôi đưa con đi khám, điều trị nhiều nơi và được biết Thảo mắc chứng bệnh thiếu hooc-môn tăng trưởng, một căn bệnh bẩm sinh hiếm gặp. Từ đó, mỗi năm Thảo chỉ cao lên vài centimet và nặng thêm vài lạng. Đến nay, gần 20 tuổi nhưng Thảo vẫn như đứa trẻ lên 3, đôi mắt trong veo và khuôn mặt ngây thơ trong sáng. Thảo không giấu nổi sự vui sướng khi mình sắp trở thành tân sinh viên của một ngôi trường danh tiếng và ngành học mà em đã lựa chọn.
Thảo giúp mẹ làm bánh lọc.
Ước mơ trở thành bác sỹ tâm lý giỏi
Tuy chịu nhiều thiệt thòi và không ít những mặc cảm về hình hài của bản thân, nhưng Thảo luôn là một học sinh lanh lợi, thông minh và đạt thành tích cao trong học tập. Suốt 12 năm học, Thảo luôn ở top đầu của lớp với danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến và nhận nhiều học bổng khuyến khích học tập. Thảo trở thành tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, vượt khó của huyện Đại Lộc.
Những năm học cấp 1 và cấp 2, Thảo được ba mẹ đưa đến trường. Lên cấp ba, do phải học xa nhà nên em phải thuê trọ ở thị trấn Ái Nghĩa. Từ đó, em đến trường sau yên xe của những người bạn tốt bụng. Thảo kể: "Em có nhiều bạn tốt, ai cũng yêu thương em, thay nhau chở em đi học nên em không buồn và học tốt hơn. Mặc dù một số bạn có lời chọc ghẹo, nhưng em không quan tâm, bởi bên em luôn có những bạn tốt. Thầy cô và gia đình luôn động viên để em tự tin hơn".
Khó khăn nhất mà Thảo gặp phải trong quá trình học là năm lớp 10. Sau học kỳ 1 với học lực khá, em phải nghỉ học giữa chừng và học lại lớp 10 vì tai nạn giao thông. Thảo kể: "Dịp Tết Nguyên đán năm 2011, em bị tai nạn trên đường sang nhà bà nội. Em bị gãy chân trái phải nằm điều trị 3 tháng tại khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đà Nẵng, nên phải nghỉ học giữa chừng. Em buồn lắm, nhưng thầy cô khuyên em nên lùi một bước để tiến ba bước, có như vậy em mới có thể vào đại học. Cùng với sự động viên, giúp đỡ của các bạn, em đã học lại lớp 10 và vẫn đạt thành tích tốt".
Điều đáng tiếc nhất với Thảo trong suốt ngần ấy năm học là không thể tham gia nhiều hoạt động xã hội như thể dục thể thao, văn nghệ... chỉ vì em vốn bé nhỏ, hay đau ốm và khó khăn trong việc đi lại. Những môn học bổ ích như Thể dục và Giáo dục quốc phòng, Thảo đều được miễn, nhưng em lại tiếc vô cùng và ao ước có thể học bình thường như các bạn.
Kết quả mà Thảo đạt được hôm nay là niềm tự hào của gia đình, thầy cô và bạn bè. Và hơn hết là chính em đã hiện thực hóa ước mơ và đam mê của bản thân. Khi hỏi về lý do mà em lựa chọn ngành Tâm lý học để thi đại học, Thảo trả lời hồn nhiên: "Em muốn trở thành một bác sỹ tâm lý giỏi, bởi em thấy hợp với mình...".
Để đạt được niềm đam mê của mình, Thảo phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng sau niềm vui đậu đại học, Thảo và gia đình lại thêm nỗi lo mới, bởi gia cảnh của Thảo khá khó khăn, cả nhà chỉ có hơn một sào ruộng và ba mẹ em đều không có công việc ổn định.
Sau mùa làm ruộng, ông Võ Đông Liêm (51 tuổi), ba của Thảo, lại khăn gói vào tận rừng sâu kiếm việc làm, bất kể ai thuê gì làm nấy, từ hái lượm nấm rừng cho đến phát rẫy, làm nương, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, lại vô cùng bấp bênh.
Ba Thảo vào rừng từ trước khi Thảo đi thi và nay đã có thông báo đỗ đại học, nhưng ba em vẫn chưa hay biết. Đã ba tháng rồi chưa thấy chồng về, trên gương mặt mẹ Thảo thấp thoáng nỗi lo: "Ba nó đi thường là mấy tháng liền, phải vay mượn tiền hàng xóm để khăn gói đi làm ăn xa, nhưng có đợt về không đủ tiền thuốc vì bị sốt rét và trúng gió".
Mỗi ngày mẹ Thảo làm bánh lọc đem bán ở chợ cũng chỉ kiếm được 50 - 70 ngàn đồng, đủ tiền mắm muối qua ngày. Thấy mẹ vất vả, ngoài giờ học, Thảo cố gắng tranh thủ giúp mẹ một số việc lặt vặt như quét nhà, làm bánh lọc để bán. Khó khăn lớn nhất với gia đình cô tân sinh viên bé nhỏ lúc này, chính là khoản tiền sắp tới để hai chị em Thảo học tập.
Chị gái Thảo là Võ Thị Minh Thương, hiện cũng đang là sinh viên năm 4 ngành Công nghệ Hóa thực phẩm trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Để chị gái Thảo học 4 năm đại học, gia đình đã vay của ngân hàng và bà con làng xóm khá nhiều tiền mà chưa thể trả. Nay Thảo vào Sài Gòn nhập học, dường như gánh nặng cơm áo gạo tiền lại chồng chất thêm. Nỗi lo ấy không thể giấu nổi sau nụ cười đầy tự hào và hạnh phúc của mẹ em.
Mẹ Thảo dự định sẽ theo em vào TP.HCM nhập học, vừa kiếm việc làm thêm để có thể trang trải tiền học, vừa có thể chăm sóc con vì không thể yên tâm để đứa con bé nhỏ một mình nơi đất khách được. Còn Thảo, ước mơ lớn nhất của em hiện tại là mong rằng ba Liêm sẽ về kịp, trước khi em nhập học.
Tấm gương hiếu học Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng thôn Lộc Phước, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Thảo là cô bé chịu nhiều thiệt thòi, vì hình hài em mãi là đứa trẻ lên 3. Hơn nữa, gia đình Thảo thuộc diện hộ nghèo và khó khăn trong thôn. Trong làng xóm ai ai cũng yêu quý, đồng thời giúp đỡ, động viên gia đình Thảo. Thảo luôn là tấm gương vượt khó, hiếu học cho các con em trong thôn, xã noi theo...". |