Chuyện tình đẫm nước mắt trong ngôi nhà có 3 cha con bị xương thủy tinh

Tưởng chừng trải qua bao sóng gió trong tình yêu, ông trời thương sắp xếp cho họ có một gia đình nhỏ. Nhưng trò đùa số phận cứ quấn lấy, hai người con họ sinh ra đều mắc căn bệnh xương thủy tinh giống bố.

Chuyện tình đẫm nước mắt trong ngôi nhà có 3 cha con bị xương thủy tinh - 1

Chị Phượng và anh Phương hạnh phúc bên nhau trong căn nhà nhỏ.

Mối nhân duyên chiều 30 Tết

Đó là câu chuyện về gia đình của đôi vợ chồng anh Nguyễn Văn Phương (SN 1973), và chị Trương Thị Bích Phượng (SN 1976) ở xóm 8B, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Anh Phương sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông đông con ở Hà Tĩnh. Còn chị Bích Phượng là cô con gái út trong gia đình có 8 chị em ở Bình Phước.

Hơn 40 năm về trước, anh Phương cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui của cả dòng họ vì đã có người con trai nối dõi. Tuy nhiên sau khi lọt lòng mẹ, anh Phương liên tục bị gãy chân tay, khóc suốt ngày đêm nên gia đình đưa đi khám và bác sĩ kết luận, anh bị xương thủy tinh.

Đến năm 18 tuổi, anh theo bố mẹ vào miền Nam lập nghiệp và theo học nghề sửa điện để có thể tự mình kiếm sống không dựa vào gia đình.

Chuyện tình đẫm nước mắt trong ngôi nhà có 3 cha con bị xương thủy tinh - 2

 Anh Phương hiện đang dạy cho cậu con trai đầu học nghề điện tử.

Mặc dù chỉ cao hơn 1m, lưng gù và đi lại khó khăn, nhưng với nghị lực vươn lên, anh Phương đã vay mượn vốn rồi mở một cửa hàng sửa điện tử tại Bình Phước. Từ chiếc quán nhỏ dựng bên đường đã se duyên cho anh gặp cô khách hàng xinh đẹp.

Cuộc gặp mặt của họ bắt đầu từ chiều 30 Tết năm 1996. Lúc này anh Phương đang dọn cửa hàng để về đón Tết với gia đình thì chị Phượng chở chiếc tivi đến sửa. Thấy một cô gái với dáng người mảnh mai, xinh đẹp, giọng nói nhỏ nhẹ nhờ sửa giúp chiếc tivi anh Phương không nỡ từ chối.

“Sau một hồi nói chuyện, không hiểu sao tôi lại kể nhiều chuyện về mình và gia đình cho Phượng nghe. Thấy cô ấy hiền lành, nhìn xinh đẹp nên tôi đem lòng mến thương. Thật bất ngờ khi thổ lộ tình yêu thì Phượng đồng ý và nguyện chăm sóc tôi suốt đời”, anh Phương xúc động nhớ lại.

Chị Phượng kể, sau nhiều tháng quen nhau, chị rón rén đạp xe 20km lên chở anh Phương xuống nhà ra mắt. Gia đình nghĩ chị sẽ đưa một chàng trai bình thường, khỏe mạnh về nhà nhưng khi thấy con gái cầm tay cậu thanh niên lưng gù, cao hơn 1m vào nhà, rồi nói “đây là người yêu con” bố mẹ chị như chết lặng.

“Không ai cho tôi yêu anh, vì thấy anh bệnh tật. Nhưng tôi không nghe, vẫn quyết giữ tình yêu ấy nên có nhiều lần bị bố mẹ trói lại, đánh đập rồi nhốt trong nhà nhiều ngày”, chị Phượng nhớ lại.

Chuyện tình đẫm nước mắt trong ngôi nhà có 3 cha con bị xương thủy tinh - 3

Nhiều năm qua, chị Phượng đi nhặt đồng nát để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Tình yêu trong gia đình “xương thủy tinh”

Tưởng chừng chuyện tình của hai người sẽ êm đẹp như lần gặp đầu tiên vào chiều năm Bính Tý, nhưng nào ngờ đầy sóng gió trắc trở.

Sau hai năm yêu nhau dưới sự ngăn cấm của gia đình, chị Phượng mang thai đứa con đầu lòng. Lúc biết tin, gia đình đôn đáo chạy đi tìm chị và bắt ép phải phá bỏ cái thai trong bụng dù đã ở tháng thứ 5.

“Để giữ được cái thai trong bụng, tôi khóc và quỳ xin gia đình giữ lại cháu vì dù sao đó cũng là một sinh linh, đứa con mang giọt máu của mình. Bố mẹ cũng muốn tốt cho tôi, vì sợ sinh cháu ra lại giống bố nó”, chị Phượng nghẹn ngào.

Dù ngăn cấm, nhưng thấy tình thương yêu của con dành cho chàng trai bất hạnh quá sâu đậm, mẹ chị đã dùng tấm lòng bao dung đồng ý cho chị kết hôn.

Bụng mang dạ chửa cùng chồng lên Kon Tum để sinh sống. Tại đây, anh Phương thuê đất mở quán sửa chữa điện tử, còn chị Phượng đi hái tiêu và cà phê cho người dân trong vùng.

Cứ nghĩ trải qua bao sóng gió ấy, ông trời thương tình sắp xếp cho anh Phương và chị Phượng có một gia đình nhỏ. Nhưng, trò đùa số phận cứ quấn lấy, khi hai người con trai Nguyễn Văn Trung (SN 1998), Nguyễn Văn Hiếu (SN 2000) sinh ra đều mắc căn bệnh xương thủy tinh.

“Ngày sinh hai cháu thấy bình thường khỏe mạnh nên tôi rất vui mừng. Nhưng càng lớn lên, người cháu càng teo tóp lại, lưng gù, chân tay thì gãy liên tục. Biết con mang bệnh di truyền từ bố nên tôi đau lòng, đêm nào cũng khóc vì thương con”, chị Phượng kể lại.

Nhiều năm mưu sinh trên mảnh đất Tây Nguyên, cuộc sống nghèo khổ vẫn cứ bám riết, một lần nữa đôi vợ chồng quyết định bế hai con quay về Hà Tĩnh. Không vốn liếng, cũng chẳng có ruộng đất, thương con còn quá nhỏ nhưng vì nghèo khổ, chị Phượng đành để con ở nhà để đi nhặt ve chai.

“Anh Phương về sửa đồ điện tử tại nhà, còn tôi đi nhặt ve chai về bán kiếm tiền mua gạo. Nhưng số tiền kiếm được chẳng đủ lo thuốc thang cho chồng và hai con..”, chị Phượng nói.

Chuyện tình đẫm nước mắt trong ngôi nhà có 3 cha con bị xương thủy tinh - 4

Sau 40 lần bị gãy, chân anh Phương bị co quặp lại.

Khi Trung lên 8 tuổi, Hiếu lên 6, hai anh em ước ao được đến trường như chúng bạn, chị Phượng lại ngược xuôi đến trường để xin cho hai con theo học. Con đường từ nhà đến trường của hai anh em Trung và Hiếu kéo dài hơn 7km nhưng chưa một ngày nào vắng bóng mẹ.

Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình, Trung và Hiếu luôn cố gắng trong học tập. Khi học xong lớp 9, Trung ở nhà theo học nghề điện của bố, còn Hiếu sức khỏe yếu được đưa đi chữa trị tại một trung tâm khuyết tật ở Sài Gòn.

“Tôi luôn muốn thực hiện những mong ước của con để bù đắp những thiệt thòi mà con phải gánh chịu. Nhiều lúc nhìn thấy con đau mà lòng tôi như dao cắt vậy”, chị Phượng chia sẻ.

Hơn 20 năm qua, đôi mắt chị Phượng dường như không lúc nào khô. Đêm nào chị cũng khóc, nhiều lúc thấy con đau chị lại tự oán trách bản thân mình. Thế nhưng khi nói về tương lai, ánh mắt chị Phượng vẫn lóe lên những hi vọng về một tương lai cho các con.

Chàng trai xương thủy tinh vượt gần 300km ra HN đăng kí hiến xác

Mắc bệnh xương thủy tinh, đi lại khó khăn nhưng anh Hà vẫn vượt gần 300km từ Nghệ An ra Hà Nội để đăng kí hiến xác.

Bấm xem >>

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Giang Sơn ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN