Chuyện ít biết về căn nhà gỗ 400 năm tuổi có kiến trúc “độc nhất vô nhị”

Sự kiện: Thời sự

Nhiều câu chuyện thú vị, ly kỳ chưa từng kể xoay quanh ngôi nhà gỗ cổ gần 400 năm tuổi ở TP.Hà Nội.

Những ngày đầu tháng 8 nắng oi ả, chúng tôi có dịp về thăm ngôi làng cổ Đường Lâm, nơi lưu giữ nhiều nhà vườn độc đáo, được xây dựng bằng đá ong nguyên bản và gỗ có tuổi đời lên đến gần 400 năm.

Một trong những ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo được nhiều khách thăm quan tìm đến nhất chính ngôi nhà gỗ cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (52 tuổi, ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

 Ngôi nhà gỗ cổ gần 400 năm tuổi ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

 Ngôi nhà gỗ cổ gần 400 năm tuổi ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Trả tiền tỷ mua nhà nhưng gia chủ không bán

Cách trung tâm TP.Hà Nội gần 50km, ngôi nhà gỗ cổ của gia đình ông Hùng nằm sâu trong một con ngõ của ngôi làng cổ đường Lâm. Trải qua nắng mưa, đến nay ngôi nhà gần như vẫn giữ được nét đẹp cổ kính và còn nguyên trạng.

Ông Hùng cho biết, ngôi nhà bằng gỗ có diện tích 100m2 của gia đình ông được xây dựng từ năm 1649, tính đến nay đã gần 400 năm tuổi. Cổng được xây dựng bằng loại đá ong (nặng 40kg, kích thước 20-40cm), hai cánh cửa bằng gỗ. Mái nhà được lợp bằng ngói (thường gọi là ngói ta, ngói mũi).

Ngôi nhà có chiều dài 14,5m, rộng hơn 7m, kết cấu theo kiểu 5 gian, 3 gian giữa là nơi để thờ cúng tổ tiên, bên cạnh bài trí bộ trường kỷ dùng để tiếp khách, 2 gian bên cạnh dùng làm phòng ngủ. Toàn bộ ngôi nhà có 30 cột. Khung nhà và cột đều được làm từ những loại gỗ xoan, mít, lim. Hệ thống cửa chính ngôi nhà được thiết kế đơn giản, tháo ra lắp vào dễ dàng.

Gian bếp nằm ở phía bên tay phải gần sân, mặt tiền treo những chiếc đó và nơm bắt cá, mang đậm nét đặc trưng của khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Khoảng sân lát gạch đỏ rộng rãi để các em nhỏ vui chơi.

“Ngôi nhà gỗ này được dựng trên mảnh đất rộng hơn 600 m2 của gia đình tôi. Khi xây dựng ngôi nhà, các cụ không đánh dấu năm tháng hoàn thành. Tuy nhiên, theo tấm bảng bằng gỗ mà tổ tiên để lại trên ban thờ, viện Hán Nôm đã dịch và cho biết, đó là bảng cầu an và được làm vào năm 1649”, ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, trước đây, cũng có nhiều đoàn khách đến thăm quan, ngỏ ý hỏi mua ngôi nhà gỗ với giá hơn 1 tỷ đồng nhưng ông từ chối không bán. “Lý do chúng tôi không bán là muốn gìn giữ những gì cha ông để lại, thêm nữa, hiện ngôi nhà cũng là nơi để gia đình chúng tôi thờ cúng tổ tiên, tụ họp các thành viên mỗi khi có công việc lớn. Không chỉ thế hệ của tôi mà thế hệ của con tôi, hay cháu tôi sau này cũng sẽ tiếp nối truyền thống này”, ông Hùng nói.

12 thế hệ từng sống trong ngôi nhà cổ

Ông Hùng cho hay, theo sử sách ghi lại, năm 1649, cụ ông Hoàng Thị Bảy cùng các con cháu đã xây dựng ngôi nhà gỗ cổ này. Dù sau đó, một số hạng mục của ngôi nhà xuống cấp nhưng các thế hệ sống trong ngôi nhà không tháo dỡ, thay mới, mà thường dùng biện pháp chống đỡ tạm, giữ lại đúng nguyên trạng khung nhà.

 Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ nhân của ngôi nhà gỗ cổ.

 Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ nhân của ngôi nhà gỗ cổ.

“Đến gia đình tôi ở là thế hệ thứ 12 sinh sống trong ngôi nhà này. Đối với gia đình tôi, ngôi nhà có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, tinh thần, chính vì vậy, tôi cũng như các con tôi đều thống nhất quan điểm dù với bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn ngôi nhà nguyên vẹn như hiện nay”, ông Hùng nói.

Theo lời chủ nhân ngôi nhà, thời điểm năm 2007, kinh tế gia đình khó khăn, có người đến trả giá 2 cây vàng để mua cây Tường Vi trồng trước sân nhà nhưng gia đình ông không bán.

“Cây đó là do bố tôi trồng nên tôi muốn giữ lại. Không chỉ ngôi nhà mà tôi muốn giữ lại tất cả những cây cối, trồng trong khuôn viên vườn. Trong đó, có cây Tường Vi, cây lựu có độ tuổi hơn 100 năm tuổi”, ông Hùng chia sẻ.

Năm 2008, sau khi làng Đường Lâm được công nhận di tích cấp Quốc gia, ngôi nhà gỗ của ông Hùng đã được đại diện Bộ Văn hóa, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đến đo đạc, thẩm định sau đó trùng tu, bảo tồn.

“Thời điểm này nhiều cột chèo đã bị mục, gãy nhưng sau khi thẩm định, các giáo sư người Nhật vẫn quyết định trùng tu trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng căn nhà. Họ phục chế bằng cách cấy thêm chất liệu kết dính cho vào lõi cột cho vững chắc. Kinh phí trùng tu ngôi nhà hết 180 triệu đồng”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Ban quản lý di tích làng cổ đường Lâm cho biết thêm, ngôi nhà của ông Hùng cũng là 1 trong 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp thành phố, cần phải bảo tồn, gìn giữ. Hiện nay có rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tìm đến Đường Lâm thăm quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử. Trong đó, phần lớn du khách đều trầm trồ và ngỡ ngàng trước kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà cổ, mang đậm nét cổ kích tại vùng quê này.

Soi từng chi tiết căn nhà gỗ 400 năm tuổi có kiến trúc “độc nhất vô nhị”

Ngôi nhà gỗ gần 400 năm tuổi cùng kiến trúc độc đáo mang đậm nét cổ kính ở thị xã Sơn Tây đã thu hàng nghìn lượt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo  Nguyễn Đức – Hồng Phú ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN