Chuyện ít biết về 100 thanh niên trong lễ dâng hương tưởng niệm Vua Hùng

100 nam thanh niên các dân tộc khắp mọi miền Tổ quốc được tuyển chọn và huấn luyện nhiều ngày trước khi tham gia rước cờ hội trong Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào sáng mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm.

Cuối tháng 3, khi được nhà trường thông báo tham gia đội hình rước cờ lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng, Tòng Trọng Đức (19 tuổi, người dân tộc Thái) khấp khởi vui mừng. “Đây là lần đầu trong đời em được tham gia một sự kiện lớn như vậy”, Đức chia sẻ.

Đức là một trong 100 nam sinh người dân tộc thiểu số đang học tại Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương được tuyển chọn tham gia đội hình dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng, theo lời kêu gọi của Đoàn Thanh niên tỉnh Phú Thọ.

Đây là nghi lễ diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng tại thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Buổi lễ luôn có sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Đội hình 100 thanh niên tình nguyện rước cờ hội trong buổi tổng duyệt Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, chiều 15/4. Ảnh: Quý Đoàn.

Đội hình 100 thanh niên tình nguyện rước cờ hội trong buổi tổng duyệt Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, chiều 15/4. Ảnh: Quý Đoàn.

Với tuổi đời gần nửa thế kỷ, Trường dự bị Đại học Dân tộc Trung ương được thành lập để thực hiện chính sách Dân tộc của Đảng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nằm trong hệ thống các trường chuyên biệt của cả nước. Trường có nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh là người dân tộc thiểu số để được theo học tại các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm như Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội... nhằm sau này trở về phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm ngày sau khi được tuyển chọn, Đức và 99 nam sinh còn lại được kiểm tra sức khỏe trước khi bước vào huấn luyện. “Cần những bạn có sức khỏe thật tốt vì đây là nghi lễ rất đặc biệt”, Hoàng Thái Nam, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Phú Thọ cho biết.

“Các bạn phải giữ vững cờ hội rất to và nặng, xếp đội hình từ sáng sớm trong điều kiện thời tiết khó lường. Năm ngoái, đội hình phải dầm mưa tầm tã hàng giờ đồng hồ nhưng không có bạn nào rời đội ngũ”.

Tham gia đoàn dâng hương, 100 nam sinh sẽ mặc trang phục khố, đai và đội mũ theo phong cách thời kỳ Hùng Vương với ý nghĩa là con cháu Lạc Hồng - niềm tự hào về giống nòi của người Việt. Đội hình xếp hàng sau các tiêu binh mang cờ Tổ quốc, vòng hoa ghi dòng chữ “Ðời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước” và các thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống mang hương, hoa, lễ vật.

Bất kể điều kiện thời tiết, đúng 6h30, 100 nam sinh giữ vững cờ hội trong tay, cùng đoàn dâng hương xuất phát từ sân trung tâm lễ hội, đi qua Nghi môn, Đền Hạ, Đền Trung. Sau gần 500 bậc đá dốc đứng, đoàn dâng hương dừng lại tại sân Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.

Tòng Trọng Đức, người dân tộc Thái, tham gia đội hình rước cờ hội trong buổi tổng duyệt Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Ảnh: Quý Đoàn.

Tòng Trọng Đức, người dân tộc Thái, tham gia đội hình rước cờ hội trong buổi tổng duyệt Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Ảnh: Quý Đoàn.

Tại Đền Thượng nơi “thiên địa chi linh, trời đất giao hòa”, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương và đại diện các tầng lớp nhân dân sẽ thực hiện nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng, tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Buổi lễ cũng mang ý nghĩa cầu mong Vua Tổ “phù hộ cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái, dân an, bách gia trăm họ, vạn đại trường tồn. Đất nước hòa bình, giàu mạnh, hùng cường. Nhân dân ấm no, hạnh phúc”.

“Nhiều năm nay, Tỉnh đoàn Phú Thọ là đơn vị được ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng tin tưởng giao phụ trách tuyển chọn, huấn luyện và trực tiếp chỉ đạo đội hình thực hiện rước cờ hội ”, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Phú Thọ Hoàng Thái Nam cho biết. “Các bạn phải có tinh thần xung kích, tình nguyện. Đặc biệt, cả 100 bạn phải có ý thức kỷ luật tốt vì đây là nghi lễ rất quan trọng, có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước”.

Sau nghi lễ tại Đền Thượng, đội hình tiếp tục di chuyển xuống khu vực Đền Giếng dưới chân núi Nghĩa Lĩnh để tham gia dâng hương tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong”. Tới đây, nhiệm vụ mới chính thức kết thúc.

Đội hình rước cờ hội đi qua cổng Đền Hùng trong buổi tổng duyệt. Ảnh: Quý Đoàn.

Đội hình rước cờ hội đi qua cổng Đền Hùng trong buổi tổng duyệt. Ảnh: Quý Đoàn.

Với những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng được vun đắp qua nhiều thế hệ, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành điểm tựa tinh thần, điểm hội tụ văn hóa tâm linh là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Đây là dịp tri ân công đức tổ tiên, hướng về cội nguồn và bồi đắp thêm niềm tự hào là tâm niệm và tấm lòng của mỗi người con khi hướng về Đất Tổ, hướng về các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Đây cũng là “sợi dây tâm linh” gắn kết toàn dân tộc như cây một cội, như con một nhà, trong hai tiếng đồng bào và được các thế hệ nối tiếp ra sức vun đắp, giữ gìn.

Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất cội nguồn, như câu nói "Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba".

Chiều 15/4 (mùng 7/3 Âm lịch), 100 nam sinh đã cùng Tỉnh Đoàn Phú Thọ tham gia buổi tổng duyệt lễ dâng hương. “Tất cả đã sẵn sàng cho ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Phú Thọ Hoàng Thái Nam cho hay.

“Đây là kỷ niệm mà em sẽ nhớ mãi”, Tòng Trọng Đức nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Sáng sớm nay, trời đổ mưa to nên lượng người đến Đền Hùng (Phú Thọ) dân hương Giỗ Tổ khá vắng vẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quý Đoàn ([Tên nguồn])
Giỗ Tổ Hùng Vương Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN