Chuyện giữ “báu vật” rừng lim ở thành phố biển

Sự kiện: 24h vạn dặm

Với niềm đam mê rừng được truyền lửa từ người cha, ngoài những lúc làm việc của thôn, xã, anh Lộc lại lụi hụi chăm sóc rừng lim, dó bầu...

Dẫu cụ Triệu Tài Cao - người trồng những cây lim đầu tiên ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh không còn nữa nhưng con cháu của cụ vẫn ngày ngày bảo vệ, chăm sóc cánh rừng lim, rừng dó bầu trị giá hàng chục tỷ đồng dù gia cảnh họ cũng không khấm khá gì.

Hơn 60 năm trồng cây, gây rừng

Anh Triệu Tiến Lộc bên cây dó bầu cổ có thể cho thu hoạch hàng trăm triệu trầm hương của gia đình

Anh Triệu Tiến Lộc bên cây dó bầu cổ có thể cho thu hoạch hàng trăm triệu trầm hương của gia đình

Những ngày cuối tháng 12, PV tìm đến gia đình cụ Triệu Tài Cao (SN 1942), người dân tộc Dao ở thôn Bàng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long và thật sự hẫng hụt khi hay tin cụ ông vừa mất cách đây vài tháng do tuổi cao, sức yếu.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ tuy đã cũ nhưng ngăn nắp, anh Triệu Tiến Lộc - người con thứ 10 của cụ Cao với đôi mắt đỏ hoe nhớ lại và tự hào kể về hành trình hơn 60 năm “trồng cây gây dựng rừng lim, dó bầu…” của cha mình.

“Với nhiệt huyết của cụ Triệu Tài Cao và cả gia đình, cánh rừng lim, dó bầu cùng với nhiều loài cây bản địa quý, hiếm ở địa phương đã được gia đình bảo tồn, nhân rộng rất hiệu quả. Đó không chỉ là tài sản rất có giá trị mà cụ Cao truyền lại cho con, cháu mai sau mà cánh rừng này còn có thể trở thành địa điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn, thu hút khách nếu biết đầu tư đúng hướng...

Ông Phạm Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Dân"

"Theo anh Lộc, thủa ông Cao còn thanh niên, núi rừng xã Tân Dân còn bạt ngàn dổi, lim… đặc biệt tại đây có loại trầm hương cực kỳ quý hiếm.

Ngày ngày ông lặn lội xẻ gỗ lim, tìm trầm hương để mưu sinh. Rồi khi thấy rừng bị thu hẹp dần, từ những năm 1960, ông miệt mài lên rừng tìm cây lim, cây dó bầu con để đem về trồng ở sau nhà.

Thời gian đầu, lim trồng đến đâu chết đến đó, bao nhiêu công sức trôi sông trôi bể. Hơn 30 năm trước, khi phong trào phá rừng tự nhiên để trồng keo rộn ràng khắp làng trên, xóm dưới khiến những cánh rừng tự nhiên với nhiều loài gỗ quý bị thu hẹp dần, ông Cao vẫn bắt vợ, con cần mẫn trồng, chăm sóc những cây lim, cây dó bầu khiến không ít người bảo ông “hâm”.

Lim là giống cực kỳ khó trồng, chậm lớn, cây mọc cách xa nhau. Người dân nơi đây vẫn còn nhớ hình ảnh, hàng ngày ông Cao vào rừng, lụi hụi tỉa những cây lim con mang trồng ra xa những cây lim mẹ.

Cứ thế, cho đến khi rừng lim phủ xanh cả quả đồi rộng, lúc ấy, nhiều bà con trong làng, trong xã mới dần hiểu được giá trị công sức bấy lâu nay của ông Cao.

Đất không phụ lòng người, gần 60 năm sau, cánh rừng do gia đình ông Cao trồng, chăm sóc đã có gần 1.000 cây lim, trong đó có trên 500 cây đã được khai thác và trên 2.000 cây dó bầu và nhiều loại gỗ quý khác như dổi, dẻ… với trị giá cả chục tỷ đồng được trồng trên diện tích 9ha.

Gian nan giữ rừng

Anh Triệu Tiến Lộc giới thiệu về cây lim cổ thụ trong rừng của gia đình

Anh Triệu Tiến Lộc giới thiệu về cây lim cổ thụ trong rừng của gia đình

Các con trai của cụ Cao ở liền kề cũng trồng được hàng chục ha lim, dó bầu… Điều lạ là, dù sống trong cánh rừng với tài sản lớn như vậy, dù có lúc trong nhà không còn gạo để ăn nhưng cụ Cao chưa bao giờ chặt hạ bất cứ cây lim, cây dó bầu nào để lấy tiền mua lương thực, thực phẩm cả…

“Nhiều đận, nhà không có gạo, thương con phải ăn khoai, ăn sắn, tưởng sẽ quyết bán ít gỗ rừng để “chống đói”. Vậy mà, bố em vẫn không chịu…”, anh Lộc nhớ lại.

Theo anh Lộc, trồng được cây lim, cây dó bầu đã khó, nhưng đến khi cây lớn có thể khai thác mà vượt qua “cám dỗ” của nó cũng như sự “nhòm ngó” của lâm tặc và những tay buôn không hề dễ dàng gì.

Bởi cây dó bầu rất có giá trị, nếu bán gỗ cũng được từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nếu cây nào cho trầm hương thì giá trị sẽ vô cùng lớn. Có đận, một cành dó bầu nhỏ bị khô gãy xuống, gia đình bán được đến 5 triệu đồng.

“Chẳng biết đồn thổi thế nào, mấy mươi năm trước, nhiều người ở tận đẩu đâu tìm về gạ gia đình khoan lỗ vào cây dó bầu tạo trầm hương. Người thì đề nghị chia 50/50, người thì đề nghị 40/60 lợi nhuận. Nếu đồng ý thì cánh rừng dó bầu này cho khoản thu nhập kếch xù, vậy mà bố em nhất quyết không nghe vì cho rằng, nếu làm vậy sẽ tiếp tay cho những người làm ăn gian dối. Bởi quá trình hình thành trầm hương để tự nhiên mới quý, còn làm như vậy là mang tội”, anh Lộc nhớ lại.

Còn chuyện bảo vệ rừng lim già cũng không kém phần nan giải. Bởi khi cây có thể khai thác thì giá trị tới 60 - 70 triệu đồng/cây, nên những tay lái gỗ nườm nượp đến nhà, đề nghị trả tiền tỷ để mua gỗ về làm nhà, xẻ vài cây về làm nội thất…

“Thấy cả nhà không lay chuyển, có kẻ còn đe dọa đốt rừng. Nhưng đến lúc chết, bố, mẹ em cũng đều di nguyện cho con, cháu phải giữ coi cánh rừng như “báu vật” và phải giữ bằng được”, anh Lộc cho hay.

Khát vọng làm giàu giữa rừng già

Ngày ngày, anh Triệu Tiến Lộc vẫn miệt mài đào, tỉa để trồng thêm những cây lim mới

Ngày ngày, anh Triệu Tiến Lộc vẫn miệt mài đào, tỉa để trồng thêm những cây lim mới

Dù có tới 10 người con (4 gái, 6 trai), thế nhưng, trước lúc nhắm mắt, xuôi tay, cụ Triệu Tài Cao lại bàn giao lại toàn bộ khu rừng, nhà cửa cho cậu con út là Triệu Tiến Lộc, sinh năm 1986.

Theo một người con của cụ Lộc, sở dĩ chú út được thừa hưởng toàn bộ gia tài phần vì các chị gái đều lấy chồng xa, các anh trai thì đều có đất, rừng ở liền kề khá rộng.

Quan trọng hơn cả là cụ Cao đã nhìn thấy ở con trai út của mình có học thức, nghị lực hơn cả có thể làm giàu trên cánh rừng già mà bấy lâu cụ gìn giữ, bảo vệ.

Quả đúng vậy, trên đường dẫn PV đi tham quan cánh rừng lim, anh Lộc kể về đề án phát triển du lịch sinh thái trong cánh rừng già mà mẹ, cha cho thừa hưởng.

Chỉ tay vào khu đất nông nghiệp trước cánh rừng nơi có chiếc ao khá rộng, anh Lộc bảo, sau nhiều lần đi tham quan một số mô hình du lịch, anh dự tính sẽ cải tạo lại ao để thả cá và trồng hoa, mở một nhà hàng nho nhỏ để thu hút khách đến chụp ảnh, ăn uống…

“Chúng em lớn lên bên rừng lim, dó bầu này, cuộc sống đã gắn bó và không thể thiếu được rừng. Gia đình được giao quản lý 30ha rừng, trong đó có 9ha rừng lim. Ngoài tiền lương và các khoản trợ cấp, kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào trồng rừng. Hiện tại, chúng em đang triển khai dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng, đây cũng là nguồn thu thường xuyên của gia đình”, anh Lộc chia sẻ.

Hiện anh Lộc là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bàng Anh, xã Tân Dân. Với niềm đam mê rừng được truyền lửa từ người cha, ngoài những lúc làm việc của thôn, của xã thì anh lại lụi hụi chăm sóc rừng lim, dó bầu và trồng cây dược liệu…

Có người hỏi anh có ý định tỉa bán bớt cây để lấy vốn làm ăn không, anh nói ngay: “Không bao giờ. Bởi lúc bố em còn sống dù có khó mấy cũng không bán một cây nào cả.

Duy nhất có mấy cây to bị sâu, bị sét đánh chết mà lúc hạ xuống, bán đi, em thấy bố bần thần, ầng ậc nước mắt mất mấy ngày. Bố đã gây dựng và giữ cả đời được, rừng đã và đang nuôi chúng em, sao có thể không sống chết giữ gìn!”.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện ông “mãnh hổ” giữ rừng lim

Hơn 30 năm qua, một mình ông sống giữa chốn “rừng thiêng nước độc” canh giữ cánh rừng lim quý hiếm còn sót lại trước sự nhòm ngó của “lâm tặc".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Minh ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN